“Không có gì trên đời là tuyệt đối” – Albert Einstein
Đã từng có thời gian, ngành sản xuất điện tử tại Nhật Bản phát triển tới nỗi, rất đông quốc gia trên thế giới đều thấy sự xuất hiện của những “ông lớn” Toshiba, Panasonic, Sony hay Sharp… Tuy nhiên, không có gì là tồn tại mãi mãi. Toshiba – tập đoàn vốn được coi là tượng đài lâu đời nhất nhì xứ sở hoa anh đào, thậm chí là niềm kiêu hãnh của Nhật Bản cũng đến lúc sụp đổ theo một kịch bản không ai mong đợi.
Thời kỳ cực thịnh
Năm 1939, Toshiba Corporation ra đời sau cú sáp nhập giữa Tập đoàn kỹ thuật Shibaura (thành lập năm 1875) và Tập đoàn Điện tử Tokyo (thành lập năm 1890). Xét trên lịch sử của Tập đoàn kỹ thuật Shibaura, đến nay, Toshiba vừa được 146 tuổi.
Hành trình phát triển của “ông lớn” này gắn bó mật thiết với tiến trình lịch sử của Nhật Bản. Từ 1950, nền kinh tế Nhật dần phục hồi sau chiến tranh thế giới thứ hai. Nhờ sự hỗ trợ từ Chính phủ, ngành điện tử, công nghiệp máy móc điện nặng bắt đầu phát triển thần tốc, và đây cũng là lĩnh vực Toshiba tập trung theo đuổi. Toshiba còn là đơn vị sản xuất những chiếc tủ lạnh, máy giặt và bóng đèn đầu tiên tại Nhật, từ đó được mệnh danh là tượng đài công nghệ ở quốc gia này.
Trụ sở của Toshiba tại Nhật Bản. (Ảnh: Sohu)
Nửa cuối thế kỷ 20, số nhà máy, phân xưởng của tập đoàn được xây mới liên tục; sản phẩm xuất khẩu ra quốc tế cũng ngày càng nhiều, doanh thu từ đó tăng mạnh. Đặc biệt, sau năm 1973, Toshiba được cho là có những bước chuyển mình hợp lý khi tập trung nghiên cứu sản phẩm công nghệ. Có thể kể đến một số thiết bị lần đầu xuất hiện trên thế giới do Toshiba phát triển thành công như: Máy đánh chữ Nhật Bản, đầu DVD hay hệ thống MRI…
Mẫu laptop T1100 ra mắt vào năm 1985, tuy chỉ là sản phẩm sinh sau đẻ muộn, nhưng lại là chiếc laptop đầu tiên cho khả năng hoạt động như máy tính bàn. Từ thành công ban đầu, Toshiba trở thành đơn vị cung cấp laptop hàng đầu thế giới trong những năm 1990 - 2000. Thời gian sau đó, tập đoàn cũng gây tiếng vang khi là đơn vị tiên phong trong nhiều công nghệ mới như NAND flash, TV có độ phân giải 4K Ultra HD hay TV 3D không cần kính…
Hãng nổi tiếng với loạt sản phẩm TV màn hình 4K Ultra HD. (Ảnh: Channel News)
Năm 2010 là cột mốc đỉnh cao trong hành trình phát triển của hãng, khi Toshiba trở thành doanh nghiệp sản xuất chất bán dẫn nằm trong top 4 thế giới và đứng thứ 5 về sản xuất máy tính. Tính đến năm 2011, gã khổng lồ Nhật Bản đã đăng ký 2.483 bằng sáng chế tại Mỹ, giữ vị trí thứ 5 về thành tích sở hữu bằng sáng chế trên toàn cầu.
Để rồi, tất cả sụp đổ chỉ trong một thập niên sau đó.
Những nước đi sai lầm
Biến cố bủa vây Toshiba vào năm 2015 khi doanh nghiệp dính bê bối ở bộ phận kế toán. Nhiều đời Chủ tịch của hãng được cho là khá cố chấp trong việc phải hoàn thành các chỉ tiêu đề ra nên dù thua lỗ nhiều năm, dư luận vẫn không hề hay biết. Năm 2014, hãng công bố lợi nhuận khoảng 496,9 triệu USD, dù trong thực tế, doanh nghiệp đã để mất khoảng 318 triệu USD.
Một cuộc điều tra được thực hiện sau đó cũng cho thấy, Toshiba đang gặp khủng hoảng trong việc quản trị nhân sự, và thường không tạo điều kiện – thậm chí hạn chế - cho những phản biện từ cấp dưới lên các sếp lớn. Sau bê bối này, nhiều lãnh đạo cấp cao của Toshiba đã viết đơn từ chức, hình ảnh tập đoàn bị ảnh hưởng trầm trọng.
Ba lãnh đạo đứng đầu Toshiba cúi đầu xin lỗi sau khi vụ gian lận kế toán bị phanh phui vào năm 2015. (Ảnh: FT)
Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân khiến Toshiba tự tạo cho mình lớp vỏ bọc hào nhoáng đến từ một thứ gọi là sự bảo thủ cố hữu và niềm tự hào Nhật Bản. Không ít người Nhật thông minh với các sáng chế khiến thế giới ngả mũ thán phục, song chính sự bảo thủ cũng khiến họ trở nên ngạo nghễ mà vấp ngã lúc nào không hay.
Sau giai đoạn cực thịnh của Toshiba là thời kì bùng nổ internet toàn cầu, nhu cầu mua laptop tăng mạnh. Thời điểm này, nhiều hãng mới nổi nhanh nhạy chớp thời cơ để cho ra đời loạt sản phẩm giá rẻ như Acer, Asus hay Lenovo… Tuy nhiên, Toshiba và Sony gần như chỉ chú tâm giữ vững chất lượng và hình ảnh thương hiệu. Chất lượng là điểm cốt lõi để duy trì vị thế, thế nhưng đối với nhóm khách hàng trẻ tuổi - những người chỉ coi máy tính xách tay như một trong số mặt hàng điện tử thông thường và thường ưu tiên giá rẻ, việc không chịu thay đổi đường lối phát triển của Toshiba đã cho thấy sự lạc hậu và sau đó là thất bại. Hệ quả, chỉ trong 8 năm tính từ 2007, doanh thu mảng laptop của hãng giảm hơn 80% so với thời kỳ trước đó.
Một nhà máy của Toshiba. (Ảnh: Sohu)
Trong mảng TV, Toshiba vẫn cố bám trụ với dòng TV CRT, mặc kệ các dòng TV LCD của Hàn hay Trung đã phát triển từ sớm. Từ đây, hãng vấp phải sự cạnh tranh gay gắt về thông số kỹ thuật lẫn giá thành với các thương hiệu như LG hay Samsung... Kết quả kinh doanh không mấy khả quan, đến năm 2015, Toshiba quyết định dừng tập trung vào thị trường Bắc Mỹ. Và ngay tại Nhật, sản phẩm nội địa cũng dần mất đi chỗ đứng. Rõ ràng, thay vì chạy theo chiếc TV cũ lạc hậu, nhiều khách hàng thường thích thú với những sản phẩm mới theo kịp xu hướng và có giá cả phải chăng.
“Bán mình” để được sống
Đầu thế kỷ 21, Toshiba đưa ra một số quyết định chưa hợp lý như việc mua lại công ty hạt nhân Westinghouse (Mỹ) vào năm 2006, để rồi 10 năm sau, Toshiba báo lỗ 4,8 tỷ USD. Trong đó, riêng Westinghouse đã khiến gã khổng lồ một thời bay hơi 2,3 tỷ USD.
Sau vụ bê bối gian lận kế toán là hàng loạt phi vụ “bán mình”. Năm 2016, Toshiba dừng kinh doanh máy tích xách tay toàn cầu để dành công sức chăm sóc “sân nhà”, song kết quả không được như mong đợi khi chỉ giữ được 5% thị phần. Cùng năm, hãng bán mảng thiết bị y tế cho Cacon với 6,4 tỷ USD và mảng đồ gia dụng cho Midea với số tiền 520 triệu USD. Năm 2018, 80,1% cổ phần của mảng kinh doanh laptop được chuyển giao cho Sharp và chỉ mất chưa đầy hai năm, Sharp chính thức “ẵm” 100% quyền kiểm soát sản xuất mặt hàng này.
Giai đoạn 2008 - 2020, doanh thu của Toshiba đạt đỉnh trong năm 2013 - 2014, sau đó liên tục giảm dần. (Ảnh: Statista)
Để bù lỗ, Toshiba tiếp tục bán mảng chip nhớ với giá 18,3 tỷ USD và cuối cùng, “ông lớn” này cũng đã đánh mất mảng TV – vốn được coi là niềm tự hào của đất nước mặt trời mọc. Thời điểm đó, Hisense Group trả giá 113,6 triệu USD để có quyền quản lý hoạt động sản xuất TV của Toshiba.
Những lĩnh vực chủ chốt tạo nên sức mạnh của hãng cuối cùng cũng sụp đổ theo cái cách không ai mong đợi. Từ tập đoàn đa ngành trải qua nhiều thăng trầm trong tiến trình phát triển của Nhật Bản, Toshiba vấp phải những sai lầm trong việc đề ra đường lối hoạt động và quản trị nhân sự, khiến niềm tự hào dần tan biến.
Lời của người viết
Ngày 25/6/2021, Chủ tịch Osamu Nagayama bị phế truất do năng lực quản lý yếu kém và làm xảy ra một số lùm xùm. Ngoài chủ tịch, một thành viên chủ chốt cũng bị lật đổ tại đại hội cổ đông. Phần lớn cổ đông tư nhân của Toshiba đều ủng hộ cuộc bỏ phiếu này; đồng thời bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng vào tương lai của doanh nghiệp có tuổi đời hơn 100 năm.
Quyết định sa thải người đứng đầu do thiếu năng lực đã đánh dấu bước ngoặt mới cho tương lai của Toshiba. Đó là sự cam kết lấy lại niềm tin với các nhà đầu tư mà theo ông Masako Egawa (Giáo sư Quản trị Kinh doanh tại ĐH Hitotsubash) từng nhận xét, đây là “sự khởi động lại với một cấu trúc mới”.
Dù vậy, tương lai của Toshiba có lẽ vẫn khá bất định, bởi không dễ để tìm được bộ máy HĐQT có khả năng vực dậy tập đoàn từng là tượng đài Nhật Bản. Nhất là khi gã khổng lồ một thời từng mắc hàng loạt sai lầm mang tính hệ thống trong quá khứ.