Ở xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, không ai là không biết đến gia đình bà H.T.L., (71 tuổi). Bà L. và con cháu được nhiều người quanh vùng gọi là "dị nhân" bởi bàn tay, bàn chân to hơn bình thường và chỉ có 2-3 ngón rất dài. Điều đặc biệt là dù không được đủ đầy như vậy nhưng họ luôn lạc quan làm ăn, hơn nữa còn làm rất khéo.
Nhiều thành viên trong gia đình bà L. không đầy đủ ngón tay, chân. (Ảnh: Dân Trí)
Thiếu ngón nhưng đầy nghị lực
Báo Thanh Niên đăng tải, trong nhà bà L. có đến 13/20 thành viên sở hữu bàn tay, bàn chân kỳ lạ, trải dài 3 đời từ chồng bà L., đến các con rồi các cháu.
"Hồi xưa mọi người đều nghèo, người ta chỉ cần một người chồng tốt tính, chăm làm là thương chứ không ai để ý nhiều đến chuyện đẹp xấu. Ông C. (chồng bà L.) thì lại nổi tiếng là tốt tính, chăm làm nên tôi chịu. Trong nhà có 4 anh em nhưng chỉ có mình ông C. có chân tay kỳ lạ như thế. Mấy đặc điểm này cũng truyền lại cho các con, rồi các cháu", bà L. từng tâm sự như vậy trên Dân Trí.
Đa phần ngón chân của các thành viên trong nhà bà L. đều cong cong như càng cua. (Ảnh: Thanh Niên)
Dù hoàn cảnh khó khăn, làm công việc lao động chân tay nhưng những khiếm khuyết của cơ thể chưa bao giờ trở thành trở ngại với gia đình bà L., trái lại đôi khi họ còn mạnh hơn người thường. Chính vì chịu thương, chịu khó, lại rất lạc quan vui vẻ nên bà con trong vùng ai cũng quý mến nhà bà L.
Đã từ lâu chẳng mấy ai còn để ý đến chuyện họ có điểm khác biệt, vì vậy, các con đều lấy vợ, lấy chồng rồi sinh con đẻ cái như bao người.
Dù khiếm khuyết nhưng họ vẫn làm việc rất chăm chỉ. (Ảnh: Dân Trí)
Trong số những đứa cháu mang đặc điểm khác biệt có em D.P. (8 tuổi, cháu bà L.). Được biết, P. hiện đang học lớp 1, rất chăm chỉ và ham học hỏi. Dù dị ngón nhưng nhìn chữ P. viết ai cũng phải trầm trồ vì quá mượt mà, thẳng hàng lối. Không những vậy, P. còn rất khéo tay, có thể gấp giấy, lá dừa thành những hình thù đẹp mắt một cách điệu nghệ.
P. viết chữ rất nắn nót. (Ảnh: Thanh Niên)
Phó trưởng ấp Minh Kiên A - ông Trương Ngọc Toàn chia sẻ gia đình bà L. là hộ đặc biệt của địa phương, họ luôn cố gắng vượt lên số phận: "Dù nghèo, dù khác biệt nhưng gia đình bà L. luôn sống vui vẻ và lạc quan. Họ không quan tâm nhiều lý do vì sao các thành viên trong gia đình có tay chân kỳ lạ, họ coi đó là đặc trưng của gia đình mình", vị phó trưởng ấp công nhận.
>>Xem thêm: Cảm phục nghị lực của cô bé viết chữ bằng chân
Một gia đình coi thừa ngón là niềm vui
Tại xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang cũng có một gia đình nhiều đời dị ngón. Nhưng nếu nhà bà L. thiếu ngón thì gia đình này lại có nhiều ngón hơn bình thường.
Báo Eva có viết, đó là câu chuyện về gia đình anh T.T.T. (50 tuổi) với câu đùa cửa miệng: "3 đời nhà tôi đều có 24 ngón, tay chân". Anh T. kể, anh và chị gái thừa hưởng di truyền 24 ngón từ cha là cụ T.V.Đ., còn từ đời ông Đ. trở về trước mọi thành viên đều bình thường.
Bàn tay anh T. có 6 ngón. (Ảnh: Eva)
Sau đó anh T. lấy vợ, sinh ra con là T.T.T.T., cũng mang đặc điểm giống như vậy. Khi đó anh khá lo lắng, một phần bởi T.T. là con gái nên anh sợ sau này con sẽ bị ảnh hưởng chuyện hôn nhân. Bản thân anh cũng từng nghĩ đến việc xử lý ngón thừa nhưng vì tốn kém, gia đình không có điều kiện nên đành thôi.
"Việc cầm nắm đồ vật, sinh hoạt thông thường cũng không gặp khó khăn gì. Chị gái và con gái tôi cũng thế. Cả 2 người đều có 6 ngón ở các bàn tay, bàn chân. Ngón thứ 6 ở bàn tay phải cũng nhỏ hơn, giống đặc điểm của tôi. Nhiều ngón tay ngón chân không ảnh hưởng tới sinh hoạt, nhưng chọn cỡ giày dép thì phải chọn cỡ to mới được", anh T. chia sẻ.
Bàn chân con gái anh T. có đặc điểm giống bố. (Ảnh: Eva)
>>Có thể bạn chưa biết: Tinh thần lạc quan của người thợ mộc có 28 ngón tay và ngón chân
Dù vợ ra đi sớm, phải "gà trống nuôi con" nhưng anh T. chưa từng chùn bước. Ngày ngày anh chạy xe ôm, dành dụm cho con ăn học bằng bạn bằng bè.
Cả gia đình chị L. và anh T. đều không hoàn chỉnh như bao người khác nhưng ý chí, nghị lực và sự lạc quan của họ chính là điều khiến chúng ta nể phục. Trong câu chuyện này bạn có suy nghĩ như thế nào? Hãy chia sẻ với chúng tôi nhé!
Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!
LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐỀ PHÒNG TRƯỜNG HỢP DỊ NGÓN
Ngoài nguyên nhân di truyền thì tình trạng thừa ngón, thiếu ngón có thể do một số tác động, ảnh hưởng từ các yếu tố khác.
Để hạn chế trường hợp trẻ sinh ra dị ngón, các cặp đôi trước khi kết hôn có thể tiến hành một số thủ tục xét nghiệm để xác định mình có mang yếu tố nào không. Ngoài ra trong quá trình mang thai, người mẹ nên ăn uống đủ chất dinh dưỡng, cung cấp các chất như iot, acid folic,...và tránh xa những thứ có thể tác động không tốt đến thai nhi.
Hiện nay khoa học khá phát triển và có thể can thiệp chỉnh sửa theo ý muốn. Vì thế, đừng quá lo lắng nếu không may rơi vào tình trạng thừa hay thiếu ngón nhé. Tuy nhiên, hãy chọn cơ sở uy tín để đảm bảo an toàn cho chính mình.