Tín hiệu vui từ TP.HCM: Tỉ lệ lây nhiễm lẫn số ca ra đi đều giảm mạnh

20:45 16/09/2021

Báo Tuổi Trẻ đăng tải, chiều 16/9, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam đã đưa một số đánh giá về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn sau một thời gian chống dịch. Trong đó, có nhiều tin vui như tỉ lệ F0 ở vùng đỏ, vùng cam giảm đáng kể, số ca không qua khỏi cũng liên tục đi xuống.

 
Tất cả các quận, huyện tại TP.HCM và TP.Thủ Đức đều đang đẩy mạnh tiêm chủng. (Ảnh: Trung tâm Y tế TP.Thủ Đức)
Tất cả các quận, huyện tại TP.HCM và TP.Thủ Đức đều đang đẩy mạnh tiêm chủng. (Ảnh: Trung tâm Y tế TP.Thủ Đức)

Cụ thể, ông Nam cho biết, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm được Bộ Y tế quy định như sau: 

- AstraZeneca: 2 mũi cách nhau 8-12 tuần.

- Sputnik V: mũi 2 cách mũi 1 là 3 tuần.

- Pfizer:2 mũi cách nhau 3 tuần.

- Moderna: 2 mũi cách nhau 4 tuần.

Như vậy, AstraZeneca là loại vaccine có khoảng cách giữa 2 mũi dài nhất. Trong những ngày qua, TP.HCM vẫn tuân thủ theo khuyến cáo này, tuy nhiên, nhiều hướng dẫn cho thấy, trong một vài tình huống đặc biệt, thời gian giữa 2 mũi tiêm AstraZeneca có thể rút ngắn xuống 6 tuần.

Ông Nam nói thêm, vào những ngày đầu của đợt dịch, một số nơi ở TP.HCM đã áp dụng biện pháp này, trong đó có Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, kết quả thu được khá tốt. Vì vậy, Sở Y tế thành phố, quyết định sẽ rút ngắn khoảng cách tiêm 2 mũi AstraZeneca cho tất cả bà con.

"Đề xuất rút ngắn thời gian tiêm của 2 mũi AstraZeneca để giúp TP.HCM nhanh chóng phủ mũi 2 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi nhằm đáp ứng miễn dịch nhanh nhất", báo VnExpress dẫn lời Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố.

 
Xe tiêm chủng lưu động tại huyện Cần Giờ (Ảnh: Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ)
Xe tiêm chủng lưu động tại huyện Cần Giờ (Ảnh: Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ)

Về lý do tại sao số F0 mới vẫn tăng cao trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, ông Nam giải thích, những ngày qua, thành phố áp dụng xét nghiệm "thần tốc", tầm soát trên diện rộng với vùng nguy cơ cao xét nghiệm tới 7-8 vòng, còn vùng xanh cũng 3-4 vòng. Điều này khiến số ca được phát hiện tăng cao, nhưng giữ ở mức 4.000-6.000 F0/ngày.

Mặc dù vậy, số liệu thống kê cho thấy, tỉ lệ lây nhiễm đã giảm đáng kể sau từng đợt xét nghiệm. Ông Nam cho biết, trong đợt 1 từ ngày 23/8 đến ngày 27/8, tỉ lệ dương tính ở vùng đỏ và cam là 3,6%, tuy nhiên đến đợt 2 đã giảm xuống 2,7% và kết thúc đợt 3, tỉ lệ này chỉ còn là 1,1%. Vị lãnh đạo Sở Y tế thành phố nhấn mạnh: "Tức là dù số tuyệt đối lớn nhưng tỉ lệ giảm rất đáng kể và số ca dương tính vẫn còn".

Những ngày tới, thành phố vẫn sẽ tiếp tục bóc tách F0 qua ít nhất 2-3 lần nữa.

 
Nhân viên y tế đến từng hộ dân xét nghiệm. (Ảnh: HCDC)
Nhân viên y tế đến từng hộ dân xét nghiệm. (Ảnh: HCDC)

Trong khi đó, ông Phạm Đức Hải, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM thông tin, ngày 15/9 vừa qua, thành phố ghi nhận số ca không qua khỏi thấp nhất trong gần 1 tháng qua với 160 người, tương đương giai đoạn đầu tháng 8. Ông Hải cho rằng, số ca "ra đi" tại địa phương đang liên tục giảm kể từ khi thành phố tăng cường các biện pháp.

Từ nay đến hết tháng 9 là thời gian "nước rút" để TP.HCM đạt được một số mục tiêu đã đề ra. Để làm được điều đó, rất cần sự góp sức của tất cả bà con.

Các thông tin đời sống xã hội sẽ liên tục được cập nhật tại YAN!

VIỆT NAM ĐƯỢC MỘT QUỐC GIA TẶNG THÊM HÀNG TRĂM NGÀN LIỀU VACCINE

Để có đủ vaccine tiêm cho bà con trong thời gian tới, cơ quan chức năng vẫn đang tích cực tiếp cận với các nguồn cung trên thế giới. Bên cạnh các đàm phán đặt mua thì nước ta cũng đẩy mạnh ngoại giao vaccine, nhận viện trợ từ các nước trên thế giới. 

Mới đây, nước ta lại được nhận thêm hơn 850.000 liều vaccine từ Chính phủ Đức thông qua cơ chế COVAX.

Đại sứ Đức tại Việt Nam - ông Guido Hildner vui mừng phát biểu trong ngày lô vaccine hạ cánh tại Hà Nội: “Tôi rất vui mừng về lô vaccine của Đức được chuyển đến qua cơ chế COVAX này. Nước Đức luôn sát cánh cùng Việt Nam trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Chúng ta chỉ có thể chiến thắng đại dịch khi nó được khống chế ở khắp mọi nơi."

Xem thêm tại đây!