Tiệm tạp hóa 30 năm "bán cả tuổi thơ" giữa Thái Bình

16:40 03/10/2023

Chẳng thể nào phủ nhận được một sự thật rằng các loại hình dịch vụ sẽ dần được hiện đại và tiện lợi hóa theo sự phát triển không ngừng của xã hội. Cuộc sống thay đổi, thói quen của người tiêu dùng thay đổi. 

Chính vì vậy, không thể tránh khỏi việc những cửa hàng tạp hóa trước đây đã từng rất được lòng người tiêu dùng, nay bỗng trở thành một trong những lựa chọn phụ của khách hàng mỗi khi họ quyết định mua sắm. Tuy nhiên, dẫu tạp hóa có “lỗi thời” nhưng vẫn không bao giờ bị lãng quên bởi cái gì “cũ” thì sẽ “kỹ”.

 
Tiệm tạp hóa thời xưa bây giờ có nhiều thay đổi. (Ảnh minh họa: CafeBiz)
Tiệm tạp hóa thời xưa bây giờ có nhiều thay đổi. (Ảnh minh họa: CafeBiz)

Tiệm tạp hoá 30 năm của cụ ông gần 90 tuổi

Gần đây, nhiều người bồi hồi khi trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một tiệm tạp hóa xưa cũ "gây thương nhớ". Người ta ấn tượng không phải vì tiệm sang chảnh, tráng lệ mà vì sự cổ kính, giản dị, đơn sơ còn nguyên vẹn, hệt như những năm tháng thời kỳ bao cấp, khiến họ nhớ đến ký ức tươi đẹp của tuổi thơ. Tiệm tạp hoá như chứa đựng cả bầu trời thanh xuân của mỗi người. Nhiều trẻ nhỏ mỗi ngày vẫn lui tới đây mua kẹo mút, bim bim…

 
Tiệm tạp hóa gây thương nhớ của cụ Tuấn. (Ảnh: Dân Trí)
Tiệm tạp hóa gây thương nhớ của cụ Tuấn. (Ảnh: Dân Trí)

Khoảnh khắc quý giá ấy được anh Tô Hoàng Vũ (31 tuổi, sống tại Hải Phòng) bắt gặp và ghi lại khi đang đi dạo trên con đường làng ở quê vợ tại huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) cùng con trai Tô Tùng Bách (5 tuổi).

Thông tin từ báo Dân trí, chủ quán là cụ Tuấn (86 tuổi), tiệm có tuổi đời đã 30 năm. Quán đơn sơ một góc làng, mái lợp xi măng, được dựng lên từ những viên gạch, ngói và gỗ. Dù tiệm tạp hoá nhỏ nhưng cụ Tuấn bán chẳng thiếu thứ gì, từ mì chính, nước mắm, dầu ăn, bánh kẹo… Từng món đồ được cụ sắp xếp gọn gàng và ngăn nắp một cách tự nhiên. 

  
Hình ảnh đem đến những hoài niệm về ký ức tuổi thơ của nhiều người. (Ảnh: Dân Trí) 
Hình ảnh đem đến những hoài niệm về ký ức tuổi thơ của nhiều người. (Ảnh: Dân Trí)

Thời nay kiếm được một cửa hàng tạp hóa như thế này thực sự hiếm. Hình ảnh ngẫu hứng của anh Vũ đã đem đến những hoài niệm và ký ức cho mọi người. Chính anh Vũ cũng bồi hồi nhớ lại ký ức ngày bé. Anh Vũ hy vọng những bức ảnh này sẽ là khoảnh khắc đáng nhớ, để sau này con trai nhìn lại tuổi thơ của bố mẹ. 

Hàng tạp hóa thần kỳ "cái gì cũng có"

Đã bao giờ bạn cảm nhận được cả bầu trời tuổi thơ của mình quay về chỉ trong một khoảnh khắc chưa? Đó là lúc tôi nhìn thấy tiệm tạp hóa xưa. 

Còn nhớ, tiệm tạp hoá gần 60 năm tuổi của cụ Bùi Thị Tâm (90 tuổi, ở làng Chản, xã Vân Từ, Phú Xuyên, Hà Nội) từng nổi tiếng khắp nơi. Đến đây, mọi ký ức như ùa về và xuất hiện ngay trong tâm trí của nhiều thế hệ. Nhiều người cũng không quên chụp ảnh, check-in như muốn "xin một vé để trở về tuổi thơ".

 
Tiệm tạp hóa của cụ bà gần 90 tuổi. (Ảnh: VOV)
Tiệm tạp hóa của cụ bà gần 90 tuổi. (Ảnh: VOV)

Cụ Tâm nhớ như in những ngày đầu mở quán, lúc đó, cụ mới đôi mươi. Suốt hơn 60 năm gắn liền với tiệm tạp hoá, cụ Tâm coi công việc này là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Kể về những kỷ niệm, cụ Tâm nhớ lại những câu chuyện "dở khóc dở cười", có lần khách hàng mua chịu rồi quên không trả tiền.

 
Nhiều trẻ nhỏ ghé tiệm tạp hoá của cụ Tâm mua bánh kẹo. (Ảnh: VOV)
Nhiều trẻ nhỏ ghé tiệm tạp hoá của cụ Tâm mua bánh kẹo. (Ảnh: VOV)

Từ khi mở tới nay, tiệm tạp hoá của cụ Tâm chưa sửa sang gì. Ngày xưa còn khoẻ, cụ gánh theo đôi quang ra tận thị trấn lấy hàng về bán. Sau này sức khoẻ yếu, cụ bắt xe ôm tự đi lấy hàng, chẳng bao giờ nhờ con cháu.

Cụ Tâm đã từng có một thời được người dân trong làng gọi là "bà trùm tạp hoá" bởi sự độc quyền, uy tín nhưng giờ đây khi đã ở tuổi xế chiều, cụ chỉ còn bán các mặt hàng như gói chè, gói thuốc lá, bánh kẹo cho các cháu nhỏ. 

 
Gần 60 năm qua, cụ Tâm không sửa sang quán. Mọi đồ vật vẫn được cụ giữ nguyên vẹn. (Ảnh: VOV)
Gần 60 năm qua, cụ Tâm không sửa sang quán. Mọi đồ vật vẫn được cụ giữ nguyên vẹn. (Ảnh: VOV)

Ngày nhỏ, tôi vẫn tin tiệm tạp hóa luôn có “cả thế giới” mà tôi cần trong đó. Từ hộp kẹo đường ngọt ngào đến những tờ búp bê giấy, bộ đồ câu cá bằng nam châm, những chiếc bong bóng nhiều màu sắc.

Tiệm tạp hóa nằm cuối hẻm, “khách hàng” chỉ là người dân trong xóm. Tiệm không hoành tráng nhưng luôn là nơi mọi người lui đến khi cần mua đồ, ông chú cần vài lon bia, chị gái cần mua mấy chai sơn móng tay, còn đám trẻ con thì dành dụm được 500-1000 đồng để mua bánh tráng…
Bước vào tiệm tạp hóa là một cảm giác thân quen, bọn trẻ con như chúng tôi ngày ấy thuộc vị trí của từng kệ hàng. Tủ đá là nơi đựng những que kem mát lành, bên trái là kệ gia vị, mì gói… Thùng hàng bên phải là nơi chất tập vở, bút thước… Bánh kẹo được treo thành từng dây trên vách. Tiệm tạp hóa cũng là nơi để chuyện trò, thông cảm, gắn kết tình làng nghĩa xóm.

Khi tôi lớn lên, tạp hóa dần bị thay thế bởi cửa hàng tiện lợi, siêu thị hay trung tâm thương mại. Những đứa trẻ bước vào tiệm tạp hóa ngày ấy giờ đã trở thành người lớn. Cảm giác mân mê món đồ chơi, hay xuýt xoa trước một que kem mát lạnh từ tiệm tạp hóa… giờ đã nằm lại trong kí ức. Vì thế, chỉ cần được nhìn tiệm tạp hóa có cụ ông, cụ bà tóc bạc phơ, ngồi phẩy quạt vào một trưa hè đầy nắng, lòng tôi lại ngập tràn những kí ức tuổi thơ. 

Tiệm tạp hóa ở đâu cũng có và đó là nơi chứa đựng cả một trời ký ức. Dù xã hội có phát triển đến thế nào đi chăng nữa thì những tiệm tạp hóa ấy vẫn không thể bị thay thế trong ký ức nhiều người.

Còn bạn, bạn có suy nghĩ gì khi nhìn thấy những hình ảnh trên? 

Hình ảnh cửa hàng tạp hóa cùng biết bao món quà vặt ngon lành là một phần kí ức trong tuổi thơ của nhiều người Việt Nam. Hồi còn nhỏ, niềm vui mỗi ngày thật giản đơn, chiều nào cũng kéo cả bọn ra tiệm tạp hóa trong xóm mà chọn lấy cho mình một món yêu thích nhất.

Cứ thế với niềm say mê ấy mà những thức quà tuổi thơ đã cùng bao thế hệ trẻ em Việt Nam lớn lên, dần trở thành những kỉ niệm quen thuộc và rất đỗi thân thương mỗi khi nhớ về.