Thông minh nhất thế giới, thần đồng với IQ 300 lại có một cuộc đời bi kịch không ai bằng

22:00 19/02/2019

Sở hữu IQ 300, William James biết đọc khi chỉ mới 18 tháng tuổi, thành thạo 8 ngôn ngữ Hy Lạp, Pháp, Nga, Đức, Do Thái, Thổ Nhĩ Kỳ, Armeni và Vendergood khi chưa tròn 8 tuổi. Ông trở thành một trong những sinh viên trẻ tuổi nhất Harvard khi mới 11 tuổi. Thế nhưng...

Cuộc đời một thần đồng kém may mắn

William James Sidis (1898 -1944) sinh ra trong một gia đình tri thức gốc Do Thái di cư tới Mỹ. Cha của James là nhà tâm lý học chuyên nghiên cứu về thuật thôi miên và rối loạn tâm thần, giảng dạy tại Đại học Harvard. Còn mẹ James là một trong số ít nữ bác sĩ có tiếng thời đó. Khi James ra đời, cha mẹ ông mong muốn con mình sẽ trở thành thần đồng. Chính tư tưởng và cách nuôi dạy 'lồng son gác vàng' đã đẩy cuộc đời của cậu bé đi đến bất hạnh.

Khi còn rất nhỏ, James đã phải chịu sự giáo dục kỷ luật, hà khắc. Mẹ ông dành phần lớn tiền bạc vào việc mua sách vở, các dụng cụ khuyến khích con học tập. Trong khi đó, cha James lại áp dụng thuật thôi miên và các liệu pháp tâm lý lên chính con trai. Họ đều muốn James trở thành một thiên tài đúng nghĩa, làm rạng danh dòng họ.


Cậu bé James đáng yêu năm nào bị cha mẹ 'ép chín'
Cậu bé James đáng yêu năm nào bị cha mẹ 'ép chín'

Liên tục 'ép chín' đứa con non nớt, cha mẹ James khiến cuộc sống của cậu chỉ quay quanh việc học, học và học. Và nỗ lực của bố mẹ cậu đã được đền đáp bằng một loạt thành tích không ngờ. 

Năm 2 tuổi, James đã đọc được tờ New York Times và tự viết được một bức thư từ chiếc máy đánh chữ bằng cả tiếng Anh và tiếng Pháp.

Lên 7, cậu học được 8 ngôn ngữ khác nhau bao gồm Hy Lạp, Pháp, Nga, Đức, Do Thái, Thổ Nhĩ Kỳ, Armeni và Vendergood (ngôn ngữ do chính cậu sáng tạo ra), và theo học một chương trình giảng dạy của bậc trung học phổ thông.

Năm 9 tuổi, James tham gia phát biểu tại một hội nghị nghiên cứu không gian ở đại học Harvard.

James thậm chí được nhận vào Harvard nhưng nhà trường chưa cho phép cậu nhập học với lý do thể trạng của cậu 'chưa phù hợp' để theo bậc đại học. Dù chưa bước chân vào trường nhưng James đã được nhiều người biết đến do sự o bế của truyền thông. Thường ngày, cậu dành phần lớn thời gian để sửa lỗi trong các cuốn sách về toán học, nghiên cứu các học thuyết của Einstein để tìm ra những lỗi có thể. 

Tới năm 11 tuổi, James chính thức được nhận vào Đại học Harvard và trở thành sinh viên trẻ nhất trong lịch sử của trường. Năm 1910, trước hàng trăm giáo sư và sinh viên toán học cao cấp, James đã có bài phát biểu đầu tiên. Bài thuyết trình về không gian 4 chiều của cậu khiến tất cả phải kinh ngạc nhờ sự lưu loát, đĩnh đạc và đầy tự tin.


Ảnh của James trên một tờ báo.
Ảnh của James trên một tờ báo.

James tốt nghiệp loại giỏi ở tuổi 16, tuy nhiên cuộc sống nổi tiếng khiến cậu có một quãng thời gian không mấy hạnh phúc tại trường. James thường xuyên bị cô lập và làm nhục vì quá thật thà. Thậm chí, James từng bị một nhóm sinh viên hành hung. Trong một lần nói chuyện với giới báo khi tốt nghiệp, James trần tình: 

Tôi muốn sống một cuộc đời hoàn hảo. Cách duy nhất để thực hiện điều đó là tách biệt với người khác. Tôi ghét đám đông. Để quá trình tiếp thu kiến thức được hiệu quả, hãy tránh xa việc quan hệ, âm nhạc, nghệ thuật hay bất kì điều gì khiến bạn bị sao nhãng.


James khi trưởng thành. 
James khi trưởng thành. 

Sau khi tốt nghiệp Harvard, James tới viện Vì sự tiến bộ của Ngôn ngữ, khoa học và nghệ thuật dưới tư cách nghiên cứu sinh và giảng viên. Với vẻ ngoài trẻ trung, James thường bị sinh viên trêu chọc. Anh cảm thấy bản thân không phù hợp với tính chất công việc và quyết định trở lại New England, từ bỏ việc nghiên cứu về Toán học.

Sự nổi loạn bất thành, giết chết một tài năng của thế giới

Năm 1919, James bị bắt giam trong một cuộc biểu tình chống chiến tranh tại Boston. Bằng việc đưa ra một loạt các tuyên bố gây tranh cãi về nhân quyền, chàng thanh niên thiên tài gặp rất nhiều rắc rối. Sau khi tìm cách đưa con trai ra khỏi tù, cha mẹ James đã giam lỏng anh tại nhà an dưỡng của gia đình trong vòng một năm. Sau đó, họ đưa James tới một bệnh viện tại California, đồng thời đe dọa sẽ chuyển anh tới viện tâm thần nếu cứ tiếp tục đưa ra thái độ chống đối như thế này.

Thông minh nhất thế giới, thần đồng với IQ 300 lại có một cuộc đời bi kịch không ai bằng

Chán nản với cuộc sống do cha mẹ áp đặt, James liên tục chuyển chỗ ở và thay đổi công việc. Anh cũng đổi tên để tránh giới truyền thông theo dõi. Trong thời gian này, James viết hàng chục cuốn sách về lịch sử nước Mỹ, sưu tầm vé xe, nghiên cứu vũ trụ học, đưa ra dự đoán về hố đen... Cuộc sống tách biệt giúp James cảm thấy ổn. Dần dà, anh không liên lạc với bất cứ ai trong gia đình nữa.


Báo chí không buông tha cho James dù anh đã cố lánh mặt. 
Báo chí không buông tha cho James dù anh đã cố lánh mặt. 

Thế nhưng, cuộc đời quy ẩn của James bị phá vỡ khi vào năm 1924, cánh phóng viên đã tìm ra tung tích của vị giáo sư thiên tài ngày nào. Truyền thông cả nước đưa tin về những công việc tầm thường và cuộc sống khốn khó của James. Họ gọi ông là 'kẻ chạy trốn danh vọng' hay April Fools (Cá tháng Tư, bởi James sinh ngày 1/4) nhằm dè bỉu, sự đối lập giữa quá khứ trên đỉnh cao với cuộc sống khốn khổ hiện tại. Sự đả kích của miệng đời đã đẩy James đến con đường bế tắc. 


Những cuốn sách tiểu sử của James đang được công khai bày bán trên thế giới và nhắc tới ông với giọng đáng tiếc
Những cuốn sách tiểu sử của James đang được công khai bày bán trên thế giới và nhắc tới ông với giọng đáng tiếc

Gia đình Sidis đã cố khởi kiện tờ New Yorker vì đã nhục mạ danh dự của gia đình mình. Cuộc kiện cáo kéo dài 7 năm, phần thắng thuộc về người bị hại. Thế nhưng, những tổn thương mà nó gây ra cho James thì không thể nào bù đắp được. Vào một ngày mùa hè tháng 7/1944, bà chủ nhà trọ của James tìm thấy ông bất tỉnh trong căn hộ nhỏ của mình tại Boston. Ông gặp phải cơn đột quỵ và qua đời ở tuổi 46. Cuộc đời của người thông minh nhất thế giới, sở hữu IQ 300 - cao hơn cả Albert Einstein, đã kết thúc trong bất hạnh như vậy đấy.