Thông báo mới nhất của TP.HCM về tình hình dịch trên toàn địa bàn

12:15 06/12/2021

Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, TP.HCM là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề. Đến nay, đã nhiều tháng trôi qua nhưng dịch vẫn chưa kết thúc hoàn toàn. Mới đây, UBND TP.HCM đã ban hành thông báo khẩn về cấp độ dịch trên địa bàn theo nghị quyết 128.

 
TP.HCM là địa phương có tỉ lệ bao phủ vaccine cao. (Ảnh: Pháp Luật TP.HCM)
TP.HCM là địa phương có tỉ lệ bao phủ vaccine cao. (Ảnh: Pháp Luật TP.HCM)

Cụ thể, báo Tuổi Trẻ đưa tin, trong thông báo khẩn do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký, phát đi vào sáng 6/12 nêu rõ, TP.HCM tiếp tục duy trì cấp độ 2. Trong đó:

- 8 quận, huyện dịch ở cấp độ 1 là: Quận 1, 6, 7, 8, Tân Phú, Tân Bình, huyện Bình Chánh và huyện Củ Chi. 

- 13 quận, huyện dịch ở cấp độ 2 là: Quận 3, 5, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Bình Tân, Phú Nhuận, Gò Vấp, huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Cần Giờ và TP.Thủ Đức.

- Duy nhất 1 địa phương dịch ở cấp độ 3 là quận 4.

Như vậy, so với tuần trước, có 3 khu vực tăng cấp độ dịch là quận 11, huyện Cần Giờ (tăng từ cấp độ 1 lên cấp độ 2) và quận 4 (từ cấp độ 2 lên cấp độ 3). Ngoài ra, thành phố chỉ có một địa phương giảm cấp độ từ 2 xuống 1 là quận Tân Phú.

 
Lực lượng y tế xét nghiệm tầm soát ở khu vực có dịch. (Ảnh: Sức khỏe và Đời sống)
Lực lượng y tế xét nghiệm tầm soát ở khu vực có dịch. (Ảnh: Sức khỏe và Đời sống)

Ở mức độ phường, xã, thị trấn có 104 địa phương cấp độ 1; 187 địa phương cấp độ 2 và 21 địa phương cấp độ 3. So với tuần trước, có 20 phường, xã giảm cấp độ và 56 phường, xã tăng cấp độ.

Về F0 mới trong cộng đồng, từ 26/11 đến 2/12, TP.HCM ghi nhận 10.901 ca, tăng 8.731 ca so với tuần trước đó. Theo tiêu chí tỉ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/tuần thì tỉ lệ trên địa bàn là 107,3 ca; do đó dịch tương ứng mức độ 3 (tính theo hướng dẫn của nghị quyết 128)

Nhờ chiến dịch tiêm chủng thần tốc mà đến nay tỉ lệ bao phủ vaccine của TP.HCM ở mức khá cao. Đến hết ngày 2/12, trên địa bàn có 100% người trên 18 tuổi đã tiếp cận ít nhất 1 mũi vaccine; 98% người từ 50 tuổi trở lên tiêm đủ liều.

Mặc dù dịch vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát nhưng ngành y tế thành phố vẫn lên kế hoạch thiết lập các cơ sở thu dung điều trị, chuẩn bị giường hồi sức đề phòng dịch tăng lên cấp độ 4. Song song với đó, các địa phương cũng có phương án thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 cộng đồng, đồng thời cung cấp oxy cho các trạm y tế tuyến dưới.

 
Bà con tự lấy mẫu xét nghiệm dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế. (Ảnh: HCDC)
Bà con tự lấy mẫu xét nghiệm dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế. (Ảnh: HCDC)

Liên quan đến tiến độ tiêm vaccine trên cả nước, Sức khỏe và Đời sống đăng tải, từ tháng 3/2021 đến hết ngày 4/12/2021, Việt Nam tiếp nhận hơn 150 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó đã tiêm gần 128 triệu liều (đến sáng 6/12). Thời gian này, cơ quan chức năng đang nỗ lực bao phủ mũi 1 cho tất cả những đối tượng đủ điều kiện, đồng thời trả mũi 2. 

Trong bối cảnh "tình hình mới" như hiện nay, việc thay đổi thói quen để thích ứng an toàn với dịch là rất quan trọng. Để bảo vệ thành quả chống dịch đã đạt được mọi người hãy cùng nhau nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm các biện pháp đã đề ra.

Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!

CHUYÊN GIA Y TẾ: PHONG TỎA TRƯỜNG VÌ CÓ F0 LÀ KHÔNG CẦN THIẾT

Để chuẩn bị cho việc trở lại trường học của các em học sinh, ngành y tế cùng ngành giáo dục đang cùng phối hợp để mọi việc được diễn ra suôn sẻ nhất có thể.

Mặc dù vậy, phụ huynh vẫn có một số lo lắng nhất định, trước vấn đề này, BS. Trương Hữu Khanh nhận định việc xuất hiện F0 là khó tránh khỏi, nhưng thay vì phong tỏa tạm thời, chúng ta cần hướng dẫn cho trẻ hiểu và biết cách chống dịch.

"Phong tỏa tạm thời là bao lâu? Khi nội bất xuất, ngoại bất nhập, ai sẽ nuôi học sinh? Vấn đề ăn uống, vệ sinh sẽ giải quyết như thế nào? Nếu làm vậy, thà đừng cho học sinh đi học. Cứ sự cố xảy ra lại "nhốt" trẻ lại là không nên”, vị bác sĩ nêu quan điểm.