Thợ cắt tóc sau ngày 30/9: Có người không mặn mà, chỉ muốn được về nhà

10:00 28/09/2021

Những ngày qua, thông tin về việc TP.HCM chuẩn bị "mở cửa" trở lại khiến cho nhiều bà con phấn khởi. Nhiều bạn trẻ còn lên lịch thực hiện một số công việc như cắt tóc, ăn uống,... Thế nhưng, không phải chủ quán ăn hay tiệm cắt tóc nào cũng hào hứng mở cửa.

 
Không hào hứng mở cửa, nhiều ông chủ tiệm salon dự tính "bỏ phố về quê". (Ảnh: Dân Việt)
Không hào hứng mở cửa, nhiều ông chủ tiệm salon dự tính "bỏ phố về quê". (Ảnh: Dân Việt)

Chia sẻ với báo Thanh Niên, anh H.Q.T (chủ tiệm hớt tóc tại đường Sư Vạn Hạnh, quận 10) cho biết khi nghe cơ quan chức năng địa phương thông báo được hoạt động trở lại sau ngày 30/9 đã rất vui mừng. Được biết, trước mắt anh chỉ nhận những khách đặt hẹn, đồng thời bắt buộc nhân viên đeo khẩu trang, đồ bảo hộ, khử khuẩn khi làm việc. 

Giống như anh T., anh N.V.L - chủ tiệm cắt tóc trên đường Lữ Gia (quận 11) cũng đã cho nhân viên dọn dẹp lại phòng ốc để đón những vị khách đầu tiên. Kế hoạch ban đầu, anh L. chỉ nhận khách quen để có thể nắm rõ thông tin, tình hình sức khỏe của họ. Hành động này tuy sẽ giảm doanh số nhưng đảm bảo an toàn cho nhân viên và khách hàng.

 
Thời gian qua, nhiều thợ cắt tóc tình nguyện vào các bệnh viện, khu cách ly để làm đẹp cho F0, nhân viên y tế. (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)
Thời gian qua, nhiều thợ cắt tóc tình nguyện vào các bệnh viện, khu cách ly để làm đẹp cho F0, nhân viên y tế. (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)

Tuy nhiên, không phải thợ cắt tóc nào cũng mong chờ ngày được cầm lại cây kéo, chiếc lược để làm việc như trước đây. Cụ thể, anh N.N.T (chủ tiệm hớt tóc ở quận Tân Bình) dự tính vào đầu tháng 10, khi TP.HCM "mở cửa" sẽ trả mặt bằng và về quê làm lại từ đầu.

"Tôi đang chuẩn bị về quê vì tiệm tôi trụ không nổi nữa rồi, mỗi tháng cả 20 triệu đồng tiền mặt bằng, trong khi bản thân chỉ dựa vào nghề hớt tóc để nuôi gia đình. Trước đó, tôi và vợ cũng có bàn đến việc mở cửa trở lại nhưng nghĩ đến con nhỏ nên tôi quyết định về quê cho an toàn. Chứ tôi đón khách vào lỡ bị lây nhiễm Covid-19 thì ảnh hưởng đến cả gia đình" - chủ tiệm cắt tóc chia sẻ.

 
Nhiều shipper chờ đợi để được xét nghiệm, tạo điều kiện đi làm trở lại. (Ảnh: Vietnamnet)
Nhiều shipper chờ đợi để được xét nghiệm, tạo điều kiện đi làm trở lại. (Ảnh: Vietnamnet)

Tương tự, anh N.T.D (chủ tiệm cắt tóc ở quận 5) cũng đang chịu gánh nợ khá lớn, do 4 tháng đóng cửa tiệm không có thu nhập. Theo anh cho biết, 10 năm làm nghề cắt tóc, chưa bao giờ bản thân rơi vào cảnh khốn cùng tới vậy. Trong thời gian tới, anh sẽ đưa vợ con và mẹ già về lại miền Trung, sau đó tính tiếp. Được biết, trước đây anh D. cũng tham gia vào đội thiện nguyện, giúp đỡ cắt tóc cho tuyến đầu chống dịch tại quận 5.


Nhiều người muốn trở về quê sau ngày 30/9. 

Trước đó, vào ngày 9/9, TP.HCM đã cho phép một số cửa hàng bán đồ ăn mang đi. Tuy nhiên, không ít chủ quán vẫn đóng cửa im lìm vì "không dám mạo hiểm".

Chia sẻ với báo Tuổi Trẻ, ông B.Q.D (chủ tiệm ăn trên đường Vũ Huy Tấn) chia sẻ rằng chưa sẵn sàng hoạt động vì các mối bán nguyên liệu đều vẫn đóng cửa. Không dừng lại ở đó, đội ngũ shipper ở thời điểm hiện tại cũng rất ít khiến việc giao hàng vô cùng khó khăn. Ngoài ra, việc xét nghiệm mỗi ngày cũng khiến chủ quán và nhân viên phải đau đầu.

 
Một cửa tiệm trở lại với việc buôn bán. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Một cửa tiệm trở lại với việc buôn bán. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Một nữ chủ quán ở quận Bình Thạnh cũng tâm sự rằng hơn 2 tháng qua, bếp của tiệm chưa nổi lửa nấu một nồi phở nào mặc dù vẫn phải trả 15 triệu tiền mặt bằng. Dẫu muốn mở cửa trở lại nhưng cũng "bó tay" vì không có bánh phở, lại tốn công, tốn điện mà không có khách. Bởi thế, người này chọn tiếp tục đóng cửa, đợi thời cơ tốt hơn cho việc trở lại.

Nhiều cửa tiệm bán đồ ăn cũng hi vọng sau ngày 30/9, việc vận chuyển nguyên liệu, thực phẩm dễ dàng hơn để có thể trở lại làm việc. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, quy định cụ thể vẫn chưa được công bố.

Thời gian vừa qua, có khá đông các doanh nghiệp lớn nhỏ, quán cà phê hoặc tiệm ăn phải đóng cửa và tuyên bố phá sản. Điều này có thể thấy rằng sức "tàn phá" của dịch bệnh vô cùng lớn. 

Dẫu vậy, khi thành phố mở cửa trở lại với "cuộc sống bình thường mới" trong khuôn khổ phòng dịch hiệu quả, mọi hoạt động rồi sẽ tốt đẹp như trước. Mong rằng mọi người sẽ khôi phục lại vị trí ban đầu, hoặc ít nhất là tốt hơn thời điểm hiện tại.

Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!

TP.HCM SAU NGÀY 30/9: CÁC BIỆN PHÁP CHỐNG DỊCH DẦN NỚI LỎNG

Thông tin từ báo Tuổi Trẻ, UBND TP.HCM đã gửi đến UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức về vấn đề đóng góp, xây dựng kế hoạch điều chỉnh một số biện pháp phòng dịch. Dự kiến, dự thảo chỉ thị này sẽ có hiệu lực từ 0 giờ ngày 1/10.

Trong các vấn đề được nêu trên, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng dịch Covid-19 TP.HCM - ông Phạm Đức Hải cũng cho biết dịch vụ kinh doanh dự kiến sẽ được mở lại trong đó có dịch vụ cắt tóc, gội đầu được hoạt động nhưng không quá 50% công suất.

Ngoài ra, một số địa điểm nghỉ dưỡng, tham quan du lịch, bảo tàng cũng được hoạt động. Tuy nhiên, các hoạt động này chỉ được phép đạt 30% công suất với một số điều kiện cụ thể.

Xem thêm tại đây!