Hẳn sẽ có rất nhiều tiếc nuối đằng sau sự thay đổi này.
Theo quy định của Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 99/2015 về việc hướng dẫn Luật Nhà ở, kể từ ngày 10/6/2016 các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không được phép kinh doanh tại căn hộ chung cư. Điều này có nghĩa là trong tương lai, hàng loạt hoạt động kinh doanh đang diễn ra tại các chung cư ở Sài Gòn và trên cả nước, trong đó có chung cư 42 Nguyễn Huệ - một “hiện tượng” nổi lên sau khi phố đi bộ Nguyễn Huệ ra đời – cũng sẽ bị xóa sổ.
Các quán cà phê, cửa hàng bị buộc dời đi theo quy định của Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 99/2015 về việc hướng dẫn Luật Nhà ở. (Ảnh: Internet)
Trước đó, vào cuối năm 2016, TP. Hồ Chí Minh đã gửi thông báo đến hàng nghìn doanh nghiệp đang hoạt động tại các chung cư trên địa bàn thành phố về việc nhanh chóng di dời địa điểm kinh doanh sang địa điểm mới trong thời hạn 15 ngày. Tuy vậy, vẫn còn nhiều cơ sở kinh doanh tại đây chưa có động thái dời đi.
Người dân sống trong chung cư vô cùng tiếc nuối
Theo lời của một người dân đang sống tại chung cư Nguyễn Huệ cho biết, khu A và khu B của chung cư là địa điểm được thuê để kinh doanh gần như toàn bộ. Duy chỉ có khu C - vốn là khu nhà bồi, diện tích hẹp, không tiện cho việc kinh doanh, nên người dân vẫn để ở chứ không cho thuê.
Giá thuê mặt bằng khu A – có mặt hướng ra phố đi bộ - rơi vào khoảng 20 – 35 triệu đồng/tháng. (Ảnh: Đào Ngọc Thạch)
Mặc dù việc cho thuê mặt bằng kinh doanh đem lại nguồn lợi nhuận khá cao cho người dân, nhưng cũng từ đó dẫn đến nhiều vấn đề phát sinh, ảnh hưởng đến chất lượng chung cư cũng như chất lượng cuộc sống của họ. Được biết, giá thuê mặt bằng khu A – có mặt hướng ra phố đi bộ - rơi vào khoảng 20 – 35 triệu đồng/tháng. Khu B có giá thấp hơn, tầm 16 triệu đồng/tháng. Nhưng việc kinh doanh tại đây đã đặt ra một thách thức không nhỏ, khi một bộ phận khách hàng của các quán cà phê, cửa hàng quần áo xả rác bừa bãi, ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường. Chưa kể, chung cư đã khá cũ kĩ, cơ sở hạ tầng xuống cấp, không đảm bảo cho một lượng khá lớn người dân khắp nơi ra vào mỗi ngày. Hơn nữa, có một số quán sử dụng bếp gas lớn, đặt ra nguy cơ cháy nổ rất cao nếu bất cẩn quên khóa gas.
Việc cho thuê mặt bằng kinh doanh đem lại nguồn lợi nhuận khá cao cho người dân chung cư. (Ảnh: Vietnamnet)
Những vấn đề trên là có thật, ngoại trừ thông tin cho rằng việc ồn ào gây ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân trong chung cư như một số lời đồn đoán. Bởi, như đã nói ở trên, đa số hộ dân tập trung sống ở khu C – khá xa khu A và khu B, nên hầu như không ảnh hưởng nhiều bởi tiếng ồn. Cô Thảo – một người dân sống ở chung cư 42 Nguyễn Huệ - khẳng định: "Nói là các hàng quán ồn ào cũng không đúng, vì hầu như khu A và khu B không còn người dân nào ở, chỉ có khu C có người ở, mà khu C thì nằm cách đó khá xa".
Diện mạo của chung cư đã thay đổi nhờ hoạt động kinh doanh. (Ảnh: Vietnamnet)
Bên cạnh đó, cô Thảo tỏ ý tiếc nuối khi hoạt động kinh doanh tại đây bị buộc dừng lại, bởi cô cho rằng những người chủ đã đầu tư rất nhiều thời gian, tiền bạc trang trí cho hàng quán, cửa hàng thời trang ở đây. Điều này cũng góp phần mang đến cho chung cư một diện mạo mới, hơn nữa, hoạt động kinh doanh này thật sự không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của các hộ dân.
Những người chủ đã đầu tư rất nhiều thời gian, tiền bạc trang trí cho hàng quán, cửa hàng thời trang ở đây. (Ảnh: Vietnamnet)
Từ cuối năm 2016, các chủ cửa hàng cũng đều đã nắm được thông tin chuyển ra khỏi chung cư. Thời hạn tìm kiếm địa điểm mới đã được gia hạn thành 6 tháng kể từ sau Tết Nguyên đán. Trước thông tin “thiên đường cà phê chung cư” sắp biến mất, nhiều bạn trẻ không giấu được sự tiếc nuối. “Những quán cà phê ở chung cư thật sự là một điểm đến rất thú vị đối với giới trẻ tụi mình, vì những quán này đều nhỏ nhắn, trang trí rất đẹp, giá cả phải chăng mà lại có ‘view’ ngắm phố đi bộ nữa. Không biết khi địa điểm này biến mất, tụi mình còn bao nhiêu lựa chọn cho việc vui chơi giải trí nữa” – bạn Tường Vy (sinh viên năm 4, ĐH Bách khoa TP.HCM) chia sẻ.