Thích thú điểm danh 5 trò cứ-Tết-là-phải-chơi

00:00 09/02/2016

Bất kể là thời còn “trẻ trâu” hay khi đã lớn, đến hẹn lại lên, cứ mỗi mùa Tết, nhiều bạn trẻ lại bày 5 trò chơi “huyền thoại” này như một thói quen.

Những ngày đầu năm, không gì ấm áp và vui vẻ hơn lúc cả gia đình hay hội anh chị em quây quần bên nhau, vừa cắn hạt dưa vừa chơi những trò chơi như cờ cá ngựa, lô tô, bầu cua, cờ domino, cờ tỉ phú… Có khi nào bạn thắc mắc về nguồn gốc của những trò chơi “hễ Tết là phải chơi” này không?

1. Cờ cá ngựa

Thật ra, cờ cá ngựa không chỉ được chơi vào ngày Tết mà trong những “ngày thường”, nhiều người vẫn chọn nó như một hình thức giải trí dành cho tập thể. Trò chơi này luyện cho người chơi kĩ năng “điều binh mã”, óc quan sát và lập chiến lược “tác chiến”.


Cờ cá ngựa màu sắc sặc sỡ là món ăn tinh thần của nhiều người Việt Nam mỗi độ xuân về. (Ảnh: Internet)
Cờ cá ngựa màu sắc sặc sỡ là món ăn tinh thần của nhiều người Việt Nam mỗi độ xuân về. (Ảnh: Internet)

Cần có 2 – 4 người cho trò chơi này. Một bộ cờ gồm có 1 bàn cờ hình vuông chia làm bốn phần, mỗi phần một màu (xanh dương, vàng, đỏ và xanh lá cây), 4 viên xúc xắc và 16 quân cờ chia ra bốn màu giống như màu của bàn cờ, mỗi màu 4 quân.


Bàn cờ cá ngựa. (Ảnh: Internet)
Bàn cờ cá ngựa. (Ảnh: Internet)

Người chơi phải di chuyển quân cờ của mình đủ một vòng (ngược chiều kim đồng hồ) quanh bàn cờ để về đến đích (tức về chuồng). Khả năng di chuyển nhanh hay chậm đều phụ thuộc vào lượt gieo xúc xắc của mình. Người nào có đủ bốn quân cờ về đến đích đầu tiên và đã xếp đúng vào các ô số 6, 5, 4 và 3 trong chuồng là người chiến thắng. Những người còn lại có thể chơi tiếp để tranh vị trí hai và ba, cuối cùng.


Hồi "trẻ trâu", cứ Tết là tụ tập lại chơi cờ cá ngựa, cứ "đá" được ngựa của đứa nào là mừng "rơi nước mắt". (Ảnh: Internet)
Hồi "trẻ trâu", cứ Tết là tụ tập lại chơi cờ cá ngựa, cứ "đá" được ngựa của đứa nào là mừng "rơi nước mắt". (Ảnh: Internet)

Niềm vui mà trò chơi này mang lại không chỉ nằm ở việc ai đưa ngựa vào chuồng sớm nhất mà còn ở sự may mắn khi ngựa mình đã ra quân hết nhưng ngựa bạn vẫn… dậm chân tại chỗ, hoặc cảm giác phấn khích tột độ khi “đá” được ngựa bạn dù nó sắp về đích! 

2. Lô tô

Có người nói rằng trò chơi lô tô với những mảnh giấy xanh đỏ chi chít số ngày này là một biến thể của trò chơi xổ lô tô ở các hội chợ. Cũng có nguồn thông tin cho rằng lô tô chính là trò chơi Bingo – một trò chơi rất phổ biến tại các bữa tiệc tùng, hội họp, trường học ở các nước châu Âu và châu Mĩ.


Bộ lô tô "huyền thoại" mà nhà nào cũng trữ sẵn, cứ Tết là mang ra chơi. (Ảnh: Internet)
Bộ lô tô "huyền thoại" mà nhà nào cũng trữ sẵn, cứ Tết là mang ra chơi. (Ảnh: Internet)

Đúng chất là một trò chơi ngày Tết – đơn giản, dễ chơi, phù hợp với mọi độ tuổi và dựa trên yếu tố may mắn là chính, lô tô được chơi rộng rãi và luôn là món ăn tinh thần chính. Người chơi chỉ cần “hồi hộp” theo dõi theo từng con số để xem có đủ 5 số trong một hàng bất kì nào chưa thì sẽ reo lên đầy phấn khích: “Kinh” (có nghĩa là thắng).


Cô nàng Tóc Tiên cũng khoái trò này. (Ảnh: Internet)
Cô nàng Tóc Tiên cũng khoái trò này. (Ảnh: Internet)

Chơi lô tô rất dễ “gây nghiện” vì người chơi có xu hướng muốn chơi cho đến khi nào mình “kinh” thì thôi, lại còn liên tục đổi màu cờ, đổi chỗ ngồi hay thậm chí là đi vệ sinh để… xả xui.

3. Bầu cua cá cọp

Cũng là một trò chơi dựa vào tính “hên xui” là chính, không đòi hỏi phải động não, chỉ cần “thích là nhích”, bầu cua cá cọp được cả người lớn và trẻ nhỏ đều yêu thích.


Bầu cua cá cọp chỉ thật sự lành mạnh và giữ đúng vai trò giải trí đơn thuần của nó khi những người chơi chỉ đặt cược một số tiền nhỏ để lấy lộc như thế này. (Ảnh: Internet)
Bầu cua cá cọp chỉ thật sự lành mạnh và giữ đúng vai trò giải trí đơn thuần của nó khi những người chơi chỉ đặt cược một số tiền nhỏ để lấy lộc như thế này. (Ảnh: Internet)

Được đánh giá là có luật chơi khá giống trò chơi Roulette nổi tiếng của phương Tây, thực chất bầu cua có nguồn gốc từ Trung Quốc, được người Hoa gọi là hoo hey how (hoo: cá, tôm: hey, cua: how). Dụng cụ cho trò chơi bao gồm 1 bàn bầu cua gồm 6 ô vẽ hình 6 linh vật theo thứ tự từ phải sang trái, trên xuống dưới là: nai, bầu, gà, cá, cua, tôm. Ngoài ra, cần 3 viên xúc xắc in hình 6 linh vật này và cái chén.


3 viên xúc xắc đặc biệt của trò bầu cua. (Ảnh: Internet)
3 viên xúc xắc đặc biệt của trò bầu cua. (Ảnh: Internet)

Có người thắc mắc vì sao trên bàn cờ không có con cọp  nhưng người ta vẫn gọi trò chơi là “bầu cua cá cọp”. giải thích cho điều này, có 3 giả thiết được đưa ra: thứ nhất, do cái tên “bầu cua cá cọp” nghe vần và xuôi tai hơn, thứ hai, do đọc trại chữ "cọc" (ám chỉ con nai) thành "cọp", và cuối cùng, có thể là do nhiều người nhầm bầu cua Việt Nam với Thái Lan (có con cọp).


6 linh vật được vẽ trên bàn cờ. (Ảnh: Internet)
6 linh vật được vẽ trên bàn cờ. (Ảnh: Internet)

Trò chơi chia thành nhiều lượt và không giới hạn số lượng cũng như số lượng người chơi. Bắt đầu một lượt chơi, ba viên xúc xắc được nhà cái (người tổ chức, quản lý và điều hành trò chơi) lắc đồng thời và kết quả của chúng được giữ kín. Người chơi đặt tiền vào một hoặc nhiều linh vật mà mình muốn, có thể đặt nhiều linh vật trong một lượt chơi và không giới hạn tiền đặt. Khi việc đặt tiền đã xong, nhà cái mở ra, công bố kết quả xúc xắc.

Hoàn toàn dựa vào sự may mắn mà không phụ thuộc vào bất kì một đối tượng nào, bầu cua tôm cá là trò chơi được ví như xổ số ngày Tết. May mắn thì trúng, xui thì trật. Trò chơi đơn giản và vui nên hầu hết các gia đình đều tổ chức trò chơi này nhiều lần trong các mùng đầu năm mới.

4. Domino

Cờ domino được cho là ra đời ở Trung Quốc vào thời nhà Nguyên (1271–1368), dựa theo những ghi chép trong sử sách xưa của Trung Quốc. Domino bắt đầu phổ biến ở phương Tây vào khoảng thế kỉ 18, khi các nhà truyền giáo người Ý ở Trung Quốc mang trò chơi này về Ý. Cũng từ đây, trò chơi này chính thức được gọi là domino – tên của một xe phổ biến trong lễ hội ở Venice. Domino được ưa chuộng ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới vì có tác dụng luyện trí não, phản xạ và khả năng tính toán.


Cờ domino được cho là ra đời ở Trung Quốc vào thời nhà Nguyên. (Ảnh: Internet)
Cờ domino được cho là ra đời ở Trung Quốc vào thời nhà Nguyên. (Ảnh: Internet)

Mỗi người chơi sẽ có 7 quân bài cho mình và chỉ được đi 1 quân khi đến lượt, trừ khi tất cả các đối thủ bị đứng hết. Bắt đầu mỗi ván cờ, người nào có quân cờ lớn nhất (quân cờ 6:6) sẽ được đi trước, trường hợp không người nào có quân này thì xét đến quân lớn kế tiếp (5:5, 4:4,…). Trên bàn cờ luôn có 2 hướng đi để người chơi đi cờ vào 2 hướng đó. Một nước đi hợp lệ là quân đi phải có 1 đầu giống với 1 hướng đi trên ván cờ.


Domino được ưa chuộng ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới vì có tác dụng luyện trí não, phản xạ và khả năng tính toán. (Ảnh: Internet)
Domino được ưa chuộng ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới vì có tác dụng luyện trí não, phản xạ và khả năng tính toán. (Ảnh: Internet)

Một người khi đến lượt đi mà không có quân nào hợp lệ để đi, nếu ván cờ 4 người chơi thì người đó bị đứng, chuyển lượt đi đến người khác. Nếu ván cờ ít hơn 4 người chơi, thì người đến lượt sẽ phải rút thêm cờ từ số cờ dư lúc chia ban đầu, nếu số quân cờ dư đã được rút hết nhưng vẫn không có quân đi hợp lí thì người đó sẽ bị đứng, chuyển lượt đi sang người khác.


Hộp cờ domino mà nhà ai cũng sở hữu đến... vài hộp là chuyện thường, vì khi nào chơi xong cũng vứt lung tung. (Ảnh: Internet)
Hộp cờ domino mà nhà ai cũng sở hữu đến... vài hộp là chuyện thường, vì khi nào chơi xong cũng vứt lung tung. (Ảnh: Internet)

Người thắng là người đi hết cờ trước, hoặc trong trường hợp tất cả đều còn cờ nhưng không ai có nước đi hợp lệ thì sẽ tiến hành đếm điểm số cờ còn lại của mỗi người, người nào có số điểm ít nhất sẽ thắng.

5. Cờ tỉ phú

Thời “trẻ trâu”, cứ Tết đến là cả lũ lại kéo nhau ra cửa hàng tạp hóa trong xóm để mua một bộ cờ tỉ phú mới toanh, xúm lại chơi rồi cãi nhau chí chóe. Bàn cờ “huyền thoại” với những con cờ, nhà cửa bé bé, xanh xanh đỏ đỏ, rồi nào là tiền giả bằng giấy, những tờ khí vận, cơ hội… Tất cả đều là một miền kí ức khó quên đối với các bạn trẻ 8X, 9X.


Bàn cờ tỉ phú gợi một miền kí ức cho các bạn trẻ 8X, 9X. (Ảnh: Internet)
Bàn cờ tỉ phú gợi một miền kí ức cho các bạn trẻ 8X, 9X. (Ảnh: Internet)

Lịch sử ra đời của trò chơi này khá xa xưa và phức tạp. Năm 1904, một người phụ nữ tín đồ Quaker tên Elizabeth (Lizzie) J. Magie Phillips đã sáng tác ra một loại trò chơi mà bà hi vọng thông qua đó có thể giải thích được một lí thuyết về thuế đơn của Henry George. Trò chơi của bà, The Landlord's Game (Trò chơi của Chủ đất), đã được phát hành thương mại vào ít năm sau. Những người chơi cảm thấy thú vị với trò này đã phát triển lại trò chơi và có một số người tự tạo ra bộ cờ riêng.


Cờ tỉ phú có tên tiếng Anh là Monopoly, nổi tiếng trên toàn thế giới và có cả phiên bản trò chơi điện tử. (Ảnh: Internet)
Cờ tỉ phú có tên tiếng Anh là Monopoly, nổi tiếng trên toàn thế giới và có cả phiên bản trò chơi điện tử. (Ảnh: Internet)

Trong trò chơi trí tuệ này, người chơi đấu với nhau để giành các bất động sản thông qua những hoạt động kinh tế được cách điệu, trong đó có mua bán, cho thuê và trao đổi tài sản bằng cách sử dụng tiền, trong khi những người chơi lần lượt di chuyển xung quanh bàn cờ theo mỗi lần gieo xúc xắc.


Một bộ cờ tỉ phú đầy đủ. (Ảnh: Internet)
Một bộ cờ tỉ phú đầy đủ. (Ảnh: Internet)

Qua nhiều thăng trầm gắn liền với các cuộc chiến tranh và biết bao lần tranh chấp bản quyền, Monopoly – tên tiếng Anh của cờ tỉ phú, nay đã thuộc về Parker Bros. - một nhãn hiệu của công ty đồ chơi Hasbro. Tại Việt Nam, cờ tỉ phú dường như được các hãng tư nhân phát hành từ trước 1975 vì những tài sản trên bàn cờ đều là tên của những con đường tại Sài Gòn trước kia.