Mọi giải pháp cho mọi vấn đề đều đơn giản. Chính ở giữa hai bên mới là bí ẩn - Derek Landy
“Thẻ xanh” của Trung Quốc bắt nguồn từ mã QR, phát minh của công ty Denso Wave (Nhật Bản) vào năm 1994. Sau đó hai ông lớn là Alipay và Wechatpay tại Trung Quốc đã dùng mã QR để thanh toán điện tử. Và, khi đại dịch Covid-19 làm đảo lộn thế giới, mã QR đã được ứng dụng để trở thành “thẻ xanh” – cách gọi đơn giản về hệ thống mã sức khỏe tại đất nước này.
Thành công tức thời
Vắn tắt, mã sức khoẻ của Trung Quốc là một mã hai vạch, yêu cầu người dùng điền những thông tin cá nhân lên mạng như số căn cước, số hộ chiếu, số điện thoại, đồng thời đánh dấu những tuyến đường xuất hành trong thời gian gần nhất, thông tin về việc từng tiếp xúc (nếu có) với người nhiễm bệnh hoặc các tình trạng ốm, ho sốt, lạnh, đau nhức cơ thể. Sau khi điền những thông tin này, họ tự động nhận được một mã QR với ba màu xanh, vàng và đỏ. Màu xanh có thể đi lại tự do, màu đỏ sẽ bị chính phủ cách ly tập trung 14 ngày và màu vàng cần tự cách ly 7 ngày.
Ba màu của mã sức khoẻ tương ứng với các cấp độ di chuyển
Cụ thể, vào tháng 2/2020, Hàng Châu là thành phố đầu tiên nghiên cứu và phát triển thẻ xanh để phục hồi lại trạng thái “bình thường mới". Thẻ xanh này được Cục Công An Hàng Châu và Alipay thuộc Alibaba phối hợp xây dựng và lập tức có 114 vạn người đăng kí nhận mã. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Thâm Quyến cũng hưởng ứng và cùng Tecent cho ra mắt thẻ xanh của mình trên trên nền tảng Wechat của mình. Đến giờ, đây vẫn là 2 loại thẻ xanh được nhiều người dùng nhất, với khoảng 1 tỷ người của Tecent và khoảng 900 triệu người của Alipay.
Lần lượt, tất cả các tỉnh thành của Trung Quốc đều cho ra đời và sử dụng mã sức khoẻ của riêng mình. Nhưng sau khi các loại mã được ra đời, việc liên thông từ tỉnh này sang tỉnh khác, thành phố này sang thành phố khác tại Trung Quốc đều yêu cầu đăng ký thông tin lại từ đầu để xác thực – khi thẻ xanh tại mỗi thành phố hoặc mỗi vùng chỉ được công nhận và phục vụ cho khu vực đó. Việc không có dữ liệu chung, không thể liên thông giữa các nền tảng hoặc không thể kết nối với cơ sở dữ liệu của chính phủ là những rào cản kĩ thuật dẫn tới tình trạng này và gây khó khăn cho nhiều đối tượng như người cần đi công tác, sinh viên đi học ở các tỉnh khác hoặc người nhập cư.
"Thẻ xanh" của người nước ngoài và người Trung Quốc khi di chuyển
Để giải quyết vấn đề này, vào 12/2020 Trung Quốc đã đưa ra chính sách thống nhất mã sức khoẻ, theo đó các tỉnh công nhận mã sức khoẻ của nhau, thống nhất một mã, để tạo thuận lợi cho người dân đi lại - và từ đó cũng có thể thống nhất được cơ sở dữ liệu của người dân để tạo điều kiện quản lí tốt hơn.
... Nhưng không dễ sao chép
Việc tạo ra mã sức khoẻ đối với Trung Quốc là một thành công tại quốc gia này. Nhưng ngược lại, đây lại là câu chuyện khá nhạy cảm và không dễ áp dụng y hệt ở các nước phương Tây.
Thực tế, khi dịch Covid-19 bắt đầu, hai ông lớn công nghệ là Google và Apple tuyên bố cùng nhau hợp tác phát triển để kết nối hệ thống Android và iOS bằng công nghệ bluetooth, giúp chính phủ và cơ quan y tế giảm sự lây lan của Covid-19, trên cơ sở đảm bảo quyền riêng tư và bảo mật của người dùng. Google và Apple cũng đã tích hợp sẵn các biện pháp để các ứng dụng này không thể biết được những người sử dụng nó đang ở đâu. Về cơ bản, hệ thống này có thể vận hành trên điện thoại.
Google và Apple phát triển ứng dụng truy vết Covid-19 bằng bluetooth
Tuy nhiên, điểm nổi bật ở thẻ xanh của Trung Quốc là sử dụng khai báo của người dùng, sau đó thông qua việc phân tích tình trạng đi lại của họ để sàng lọc sức khỏe. Theo đó, khi người có mã màu xanh đi vào vùng có nguy cơ cao hoặc trung bình, chỉ cần ở khu đó ít nhất một tiếng, và điện thoại luôn ở trạng thái mở, thì mã sức khoẻ của họ sẽ tự động bị đổi theo màu tương ứng, từ đó có thể truy vết và tìm ra các F0, F1, F2…
Và thẻ xanh hiện nay đã bao phủ khắp toàn Trung Quốc, khi mỗi công dân tại quốc gia này đều có thể tiếp cận nó qua những chiếc điện thoại của mình. Nhưng gắn cùng điều này, những hình ảnh, thông tin cá nhân nhận dạng… của người sử dụng nó đều sẽ được thu thập. Đây cũng được coi là bước đi đầu tiên trong việc xây dựng hệ thống thông tin xã hội, nhằm quản lí và tìm ra những người sống ngoài vòng pháp luật tại Trung Quốc.
Một câu chuyện xảy ra tại Hàng Châu vào tháng 5 vừa qua là minh chứng cho cách quản lý này. Tại Trung Quốc, 20 năm trước, một người đàn ông phạm tội giết người từng bỏ trốn. Anh ta không dùng điện thoại, không dùng chứng minh thư và vẫn sống chui lủi thành công. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 xảy đến, người đàn ông này không thể có thẻ xanh – và do đó, không thể tìm kiếm công việc nào tại đất nước Trung Quốc. Sau một thời gian lang thang vất vưởng trên đường, anh ta đành ra đầu thú.
Hỉnh ảnh đường phố tại Thượng Hải vào đợt nghỉ lễ Quốc Khánh vừa qua
Ngược lại, mã sức khoẻ của Google và Apple liên kết hợp tác thì chỉ dùng để sử dụng cảnh báo những người đã tiếp xúc với người mang virus và nhắc nhở họ tự cách ly. Ví dụ, nếu hai người sử dụng ứng dụng này cùng nhau chen chúc trên một chuyến tàu, hoặc trên cùng một khu vực, và một trong số họ bị chẩn đoán là nhiễm Covid-19 thì điện thoại của người kia sẽ hiển thị cảnh báo rằng họ từng tiếp xúc với một F0. Tương tự, nếu đến gần một bệnh nhân Covid-19, người dùng cũng được phát tín hiệu báo động.
Và, cho dù Apple và Google đều đã thông báo rằng ứng dụng này không có những phần mềm theo dõi và đảm bảo quyền riêng tư, nhưng dường như người dân ở những nước phương Tây vẫn luôn nghi ngờ khi sử dụng chúng. Do vậy, độ bao phủ của những ứng dụng này không cao trên thực tế.
“Thẻ xanh” sẽ được nâng cấp trong tương lai?
Khi đại dịch Covid-19 hoàn toàn kết thúc, thẻ xanh có còn được 1 tỷ người tại Trung Quốc, sẽ tiếp tục được khai thác hay những dữ liệu này sẽ bị xóa đi?
Phó chủ tịch tâp đoàn Tecent từng cho rằng, thẻ xanh có thể trở thành nền tảng kỹ thuật số hoá phục vụ cuộc sống thường ngày. Thực tế, nó đã được sử dụng như một công cụ nhận dạng cá nhân cao cấp.Tại Triết Giang, Hàng Châu và Cù Châu, trên cơ sở của thẻ xanh, các màu màu xanh lam, vàng và xanh lá cây bắt đầu được phát triển để thể hiện các mức độ tín dụng. Theo đó, các cấp độ tín dụng tốt có thể nhận mã giảm giá ở những nơi như khách sạn, khu cảnh điểm du lịch và bãi đỗ xe.
Thông báo từ Bộ Y Tế cũng cho biết, tương lai thẻ xanh có thể sẽ được hợp nhất với thanh toán bảo hiểm y tế và tài chính, nó sẽ có các công dụng như mã sức khoẻ, thẻ bảo hiểm y tế, thẻ ngân hàng và chứng minh thư. Đồng thời nó còn giải quyết được các vấn đề như giả mạo danh tính, nâng cao tính an toàn, tính xác thực và sử dụng được tại nhiều nơi sau khi nâng cấp.
Lời người viết:
Đằng sau “thẻ xanh” của Trung Quốc là một câu chuyện dài với những đặc thù riêng trong cách thu thập, quản lý dữ liệu và sử dụng các nền tảng ở đất nước này. Phát huy hiệu quả rõ rệt, nhưng rõ ràng, cách tiếp cận này không dễ được sao chép để ứng dụng tại những quốc gia khác – đặc biệt là những nước phương Tây.