Đấu trường sinh tử - The Hunger Games đình đám sẽ trở thành show truyền hình thực tế vào năm 2017. Và các nhà sản xuất đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ cho trò chơi “chết người” này.
Bộ truyện Đấu trường sinh tử - The Hunger Games đã tạo nên một cơn sốt toàn cầu từ năm 2008 và càng chứng tỏ sức hút “vô đối” ở phiên ảnh điện ảnh cùng dàn diễn viên nổi tiếng, trẻ đẹp. Hàng triệu người trên thế giới say mê, dõi theo từng phần của loạt phim chuyển thể này, nhưng ít ai có thể tưởng tượng ra được rằng, đấu trường phải trả giá bằng cái chết này sẽ được đưa vào đời thực vì tính bạo lực và phi nhân đạo của nó.
The Hunger Games đã tạo nên một cơn sốt toàn cầu. (Ảnh: Internet)
Nhưng giờ đây, đấu trường sinh tử đã chính thức bước vào đời thực của mỗi chúng ta, không còn là chuyện trong trang sách hay màn ảnh nữa, với một phiên bản truyền hình thực tế diễn ra tại Siberia, Nga.
Theo đó, người tham gia sẽ phải sinh tồn suốt 9 tháng trong “địa ngục” – tức thiên nhiên hoang dã khắc nghiệt của nước Nga, tự đối đầu với hiểm nguy chết người như gấu, sói hoang. Nhà sản xuất của chương trình thực tế đang gây tranh cãi này cho biết, họ sẽ không can thiệp vào phần chơi của các thí sinh, kể cả khi có xảy ra những cuộc xâm hại tình dục hay giết chóc. Nhà sản xuất còn tuyên bố, ngay cả sự ra đời của một đứa bé cũng không khiến họ cho dừng cuộc chơi.
Mỗi người chơi sẽ được trang bị dao, không được dùng súng, tự mình bươn chải để sinh tồn trong suốt 9 tháng trời với nguy hiểm bủa vây như gấu nâu, sói hoang, cá đá ở sông Ob và rừng sâu tăm tối.
Một người trong tổ sản xuất cầm một chiếc tay gấu to. (Ảnh: Mirror)
Người chơi phải tìm cách sống sót trong vòng 9 tháng nơi rừng sâu. (Ảnh: Mirror)
Một nhân viên chụp ảnh ngay tại nơi diễn ra “đấu trường sinh tử”. (Ảnh: Mirror)
Nhiệt độ nơi đây dao động từ 35 độ C vào mùa hè và -50 độ C vào mùa đông. Những người chơi tiềm năng – từ một người phục vụ đến một cô nàng tóc vàng hoe – đều chỉ được trang bị độc nhất một bộ đồ lạnh để chống chọi với cái rét. Sẽ có 2.000 chiếc máy quay phim được lắp đặt trong khu vực diễn ra trò chơi và phát trực tiếp 24/7 trên website có phụ đề nhiều ngôn ngữ, bao gồm cả tiếng Anh.
Mặc dù tuyên bố không can thiệp vào các vụ tấn công tình dục và thể xác giữa những người chơi (nếu có), phía nhà sản xuất cũng nhấn mạnh rằng người chơi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật Nga vì những hành vi này.
Sau khi bị phản đối mạnh mẽ, nhà sản xuất đấu trường sinh tử đã bỏ đi quy định: “Cho phép đấu đá, sử dụng cồn, giết chóc, hiếp dâm, hút thuốc…”. Nhưng khi được hỏi lại rằng có chắc tổ sản xuất sẽ can thiệp nếu có xảy ra bạo lực, hiếp dâm hay giết chóc không, Yevgeny Pyatkovsky – người đứng đầu dự án, đồng thời cũng là một tỉ phú trẻ tuổi – cho biết: “Không. Tôi chắc chắn sẽ có đánh nhau, và nhiều thứ nữa. Chúng tôi không sợ phản ứng tiêu cực nếu xảy ra những chuyện trên”.
“Đấu trường sinh tử” sẽ diễn ra tại một khu rừng ở Siberia. (Ảnh: Mirror)
Ngay cả sự ra đời của một đứa trẻ cũng không thể ngăn họ dừng cuộc chơi. (Ảnh: Mirror)
Chương trình lấy cảm hứng từ bộ truyện và phim đình đám “The Hunger Games”. (Ảnh: Internet)
Yevgeny khẳng định sẽ phổ biến rõ ràng cho những người chơi quốc tế rằng “tất cả mọi hình phạt sẽ theo Luật hình sự Nga”. Ông cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ từ chối bất cứ khiếu nại nào của người tham gia ngay cả khi họ bị giết hoặc cưỡng hiếp. Chúng tôi sẽ không có một động thái nào. Điều này sẽ được ghi rõ trong một văn bản yêu cầu người chơi phải kí cam kết trước khi chương trình bắt đầu”. Ngoài ra, cũng không có bất kì luật chơi nào nghiêm cấm những người chơi “làm chuyện ấy” với nhau.
“Chúng tôi sẽ không can thiệp vào mối quan hệ giữa những người chơi, cả ‘chuyện ấy’ cũng thế. Máy quay của chúng tôi sẽ không thể theo dõi nhất cử nhất động ở mọi ngóc ngách trên đảo được. Người chơi được thoải mái bắt cặp hay chia nhóm, và sẽ không có luật hay giới hạn nào cho ‘chuyện ấy’. Nếu một người chơi nữ có thai và có thể tự sinh con, chúng tôi sẽ không ý kiến gì. Chúng tôi sẽ giới thiệu đứa bé ấy sau khi chương trình kết thúc” – tỉ phú 35 tuổi nói.
Địa điểm của “đấu trường sinh tử” là một hòn đảo rộng 3,5 dặm vuông ở khu vực Tomsk hẻo lánh. Người chơi sẽ phải tự bắt cá và tìm thức ăn để sinh tồn giữa cái lạnh thấu xương. Khu vực này của Siberia có rất nhiều gấu nhưng gần đây, số lượng gấu đã giảm xuống gần nửa vì ngày càng nhiều động vật hoang dã di chuyển về phía bắc của khu vực Krasnoyarsk do cháy rừng.
Tất cả đều đang trong thời gian hoàn thiện. (Ảnh: Mirror)
Các điều kiện sinh tồn ở khu vực hoang dã này được kiểm tra gắt gao và kĩ lưỡng hơn bất kì chương trình truyền hình thực tế nào, phía nhà sản xuất cho biết. Đến lúc “đấu trường” bắt đầu cũng là vào cuối thời kì giao phối của gấu nâu. Vài ngày sau đó, chúng sẽ trở lại.
Nhà sản xuất sẽ tìm cách sơ tán người chơi bị gấu tấn công, nếu có, nhưng họ cũng cảnh báo rằng người chơi sẽ không thể hành động kịp bởi gấu có thể chạy gần 40 dặm/giờ. “Thiên nhiên hoang dã ở Siberia là thế: chuyện gì cũng có thể xảy ra, và chúng ta có thể không kịp trở tay” – Yevgeny nói.
Trước khi cuộc chơi bắt đầu, người chơi sẽ tham gia một khóa huấn luyện về cách đối phó khi gặp gấu do các chuyên gia trực tiếp giảng dạy. Nhà sản xuất còn tiết lộ rằng người chơi sẽ phải đối đầu một thử thách khi những tên tù nhân nguy hiểm vượt ngục và đổ bộ vào đảo.
Sẽ có hơn 300 hồ sơ được chọn ra và trải qua một vòng bình chọn trên internet để quyết định xem những ai sẽ được chính thức tham gia “đấu trường sinh tử”.
Bạn có sẵn sàng "tình nguyện" tham gia trò chơi cược bằng cả tính mạng của mình như thế này? (Ảnh: Internet)
Mặc cho luật chơi gây tranh cãi, trò chơi vẫn đang được chuẩn bị cho sự ra mắt vào tháng 7 sắp tới.