Thay vì đốn hạ, nhiều trường cố gắng giữ hàng phượng vĩ

15:00 03/06/2020

Sau hàng loạt sự cố cây bật gốc xảy ra thời gian vừa qua, nhiều địa phương, trường học đã áp dụng các biện pháp để bảo đảm an toàn cho người mọi người. Trong đó có nơi đã tiến hành "niêm phong", thậm chí là cắt tỉa trụi cành lá của các cây phượng vĩ.

Tuy nhiên thay vì phải đốn cây, một số trường học đã nghĩ ra các phương pháp khác vừa giữ gìn được mảng cây xanh lại có thể tránh được các sự cố ngoài ý muốn.

 
Cây phượng bị bật gốc tại Bình Dương ngày 29/5 (Ảnh: Vnexpress)
Cây phượng bị bật gốc tại Bình Dương ngày 29/5 (Ảnh: Vnexpress)

>>Xem thêm: Lại thêm một cây phượng vĩ bật gốc, ngã đổ tại trường tiểu học

Cây được làm trụ đỡ chắc chắn

Trường THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh, TP.HCM là một trong những cơ sở giáo dục có hàng phượng vĩ nhiều năm tuổi. Thế nhưng thay vì chặt bỏ, tỉa cành như nhiều nơi khác thì trường đã quyết định giữ lại hàng cây này.

Trong khuôn viên trường THCS Lê Văn Tám có một cây phượng lâu năm nhất, với tuổi đời lên đến 33 năm. Theo hiệu trưởng trường, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, qua công tác kiểm tra nhiều năm, trường đã phát hiện cây phượng này có dấu hiệu mục thân, mặc dù bên ngoài vẫn rất xanh tốt. Sau khi được công ty cây xanh tư vấn an toàn kỹ thuật, trường đã quyết định gia cố 4 trụ đỡ bằng sắt kiên cố bao xung quanh cây phượng lâu năm.

 
Cây phượng được lắp trụ đỡ tại Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh) (Ảnh: Thanh niên)
Cây phượng được lắp trụ đỡ tại Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh) (Ảnh: Thanh niên)

Theo đó, cây phượng được cố định bằng một vòng tròn sắt hàn chặt với 4 trụ đỡ. Dưới 4 trụ lắp thêm phần ghế ngồi để tận dụng khoảng không. Đáng nói việc làm này không phải mới được tiến hành mà theo ông Tuấn đã được thực hiện 4 năm trước. 

Hơn nữa, chi phí làm trụ bảo vệ cây phượng chỉ hết 6 triệu đồng. Ông Tuấn cho biết so với tiền thuê người đốn hạ cây thì chi phí trên rẻ hơn rất nhiều. Nhiều phụ huynh tại trường đã tán đồng với việc làm này vì cho rằng vẫn giữ được mảng xanh lại đảm bảo an toàn. "Đến thời điểm này trường chưa hề đốn bỏ một cây nào", ông Tuấn cho biết trên Thanh niên.

 
Bốn trụ đỡ chắc chắn xung quanh cây phượng (Ảnh: VOV)
Bốn trụ đỡ chắc chắn xung quanh cây phượng (Ảnh: VOV)

>>Đọc thêm: Cây phượng trong sân trường bật gốc sau giờ tan học

Lập hồ sơ theo dõi cây xanh

Trong khi đó, trường THCS Hà Huy Tập lại nghĩ ra một phương pháp bảo vệ cây khác khá hữu hiệu đó là làm hồ sơ theo dõi cây xanh. Ông Nguyễn Vũ Đức, Phó hiệu trưởng trường chia sẻ trên Thanh niên cho biết trong tập hồ sơ theo dõi này, trường đã liệt kê đầy đủ các thông tin về các cây xanh trồng trong khuôn viên trường như: tên cây, năm trồng, tuổi đời, hiện trạng qua từng thời kỳ, thời gian cây được kiểm tra, cắt tỉa, bệnh sử (nếu có). 

Bên cạnh đó mỗi cây đều được đánh số định danh. Nhờ vậy mà tất cả cây trồng tại trường luôn được theo dõi sát sao. Dù có thay đổi lãnh đạo trường thì cũng dễ dàng nắm rõ lịch sử của cây.

 
Trường THCS Hà Huy Tập tại phường Đông Hưng Thuận (quận 12, TP Hồ Chí Minh) (Ảnh: Tiêu dùng)
Trường THCS Hà Huy Tập tại phường Đông Hưng Thuận (quận 12, TP Hồ Chí Minh) (Ảnh: Tiêu dùng)

Được biết, đến nay trường THCS Hà Huy Tập đã đốn hạ 2 cây bàng vì có dấu hiệu rỗng ruột, trồi rễ trường. Những cây còn lại vẫn được giữ lại, tỉa cành, hạ thấp độ cao, chăm sóc định kỳ.

>>Xem thêm: TP.HCM - Mưa lớn khiến cây cổ thụ bật gốc ngã đè sát nhà dân

Chăm sóc cây định kỳ

Cũng có quan điểm muốn được giữ lại mảng xanh cho trường học, trường THPT Trần Văn Giàu, quận Bình Thạnh thời gian qua luôn chú trọng đến công tác chăm sóc, theo dõi cây trong khuôn viên trường. 

Theo Thanh niên, trường có 3 cây phượng lớn 7 năm tuổi, mỗi tháng trường lại thuê đơn vị của công ty cây xanh đến chăm sóc. Để cây được phát triển tự nhiên, không trồi rễ, trường đã không xây thành bê tông quanh gốc. "Tuần trước trường thực hiện việc tỉa cành các cây cao chứ không đốn cây nào. Sắp tới trường cũng sẽ thực hiện việc gia cố bằng trụ đỡ cho 3 cây phượng lớn", ông Nguyễn Đức Chính, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Những ngày vừa qua, cộng đồng mạng không khỏi xôn xao trước hàng loạt sự cố cây bật gốc, trong đó nổi bật nhất là tại trường THCS Bạch Đằng. Một cây phượng vĩ lâu năm bất ngờ đổ xuống sân trường đã khiến nhiều học sinh thương vong. Trước mối lo lắng ấy, nhiều trường học đã tiến hành các biện pháp đề phòng như "niêm phong", cắt tỉa cành lá đến trơ trụi. Nhìn hình ảnh các cây phượng vĩ chỉ còn lại phần thân nhiều người không khỏi ngậm ngùi nhớ mùa hoa học trò.

 
Hình ảnh một cây phượng bị chăng dây "cách ly" (ảnh: VOV)
Hình ảnh một cây phượng bị chăng dây "cách ly" (ảnh: VOV)

 
Nhiều cây phượng khác đã bị cắt tỉa trụi cành lá (Ảnh: VOV)
Nhiều cây phượng khác đã bị cắt tỉa trụi cành lá (Ảnh: VOV)

 
Thậm chí là chỉ còn lại thân cây trơ trọi (Ảnh: VOV)
Thậm chí là chỉ còn lại thân cây trơ trọi (Ảnh: VOV)

Còn bạn, bạn nghĩ thế nào về việc nhiều trường đang cố gắng dùng các phương án để không phải chặt bỏ cây? Hãy chia sẻ cùng YAN nhé!

Cùng cập nhật các tin tức đời sống - xã hội tại YAN nhé!

Thông tin từ Thanh niên

Cách nhận biết cây có nguy cơ bật gốc

Phượng vĩ là loài cây gắn với nhiều thế hệ học trò. Bởi mỗi khi hoa phượng đỏ rực một góc trời cũng là lúc báo hiệu một mùa hè đã đến. Phượng vốn được trồng nhiều trong sân trường vì nó có thể cho bóng mát rộng.

Tuy nhiên vào mùa mưa phượng rất dễ bật gốc. Để nhận biết nguy cơ bật gốc cần chú ý những điều sau:

- Cây có nguy cơ bật gốc thường là cây bị sam, bọng.

- Cây nghiêng đổ về một phía.

- Cây có tình trạng nhúm gốc.

Để tránh các nguy cơ này cần thường xuyên cắt tỉa để cây không bị nặng, nghiêng về một hướng...Xem thêm!