Hàng năm, cứ đến dịp lễ 20/11, những câu chuyện về nghề giáo viên lại được lan tỏa rộng rãi hơn thông qua mạng xã hội. Và một trong số đó phải kể đến "người đưa đò" nổi tiếng trên TikTok với biệt danh “thầy giáo vùng cao”, anh Quàng Văn Thật (SN 1994, Sơn La). Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, anh háo hức đăng tải nhiều khoảnh khắc bên học trò miền núi thân yêu.
Anh Quàng Văn Thật đã có nhiều năm gắn bó với nghề giáo viên mầm non.
Nhiều năm qua, anh Thật đã quá quen với ngày lễ lặng lẽ không hoa, không quà. Thế nhưng năm nay, thầy trò Trường Mầm non Hoa Cúc, xã Đứa Mòn, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La lại mừng rỡ hơn cả vì được quây quần trong lớp học mới khang trang, kiên cố, vừa được cơ quan báo chí và các doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng.
Mỗi ngày đi dạy phải vượt qua những cung đường nguy hiểm
Nhắc đến nghề “nuôi dạy trẻ” ở cấp mầm non, nhiều người sẽ hình dung về hình ảnh một nữ giáo viên dịu dàng, khéo léo như mẹ hiền. Ít ai biết rằng ở vùng núi Tây Bắc xa xôi, một người thầy vẫn ngày đêm gắn bó, tận tụy với nghề vì tình yêu con trẻ. Được biết, anh Quàng Văn Thật hiện đang là giáo viên chủ nhiệm lớp Mẫu giáo ghép B Huổi Lếch I, Trường Mầm non Hoa Cúc, xã Đứa Mòn, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.
Thầy Quàng Văn Thật và các học sinh vùng cao của tỉnh Sơn La.
Anh Thật bén duyên với nghề bởi lý do rất ngẫu nhiên. Vì tính cách cởi mở, nhanh nhẹn và niềm yêu thích văn nghệ đã ăn vào máu, anh được khuyên đăng ký vào ngành Sư phạm, lớp Mầm Non. Khi đó, anh chưa thể mường tượng được hết khó khăn trong nghề, vào học mới biết cả lớp đa số đều là nữ giới. Từ lúc học đến lúc ra trường, anh là một trong những thành viên ít ỏi còn bám trụ với nghề. Anh Thật tâm sự với chúng tôi: “Ngày đầu đứng lớp, tôi thấy rất áp lực, ngại ngùng vì không được khéo léo như các cô. Lúc đầu, tôi cũng hối hận và muốn bỏ nghề giáo viên về làm ruộng cùng gia đình nhưng giờ đây tôi thấy hạnh phúc lắm. Tôi cảm thấy ấm áp khi có thể dạy cho các em nhỏ vùng cao cái hay cái đẹp, giúp các em có ước mơ”.
Các em nhỏ vùng cao ưa thích các hoạt động ngoài trời, đặc biệt là giờ học múa, học hát.
Quả thực, nếu không thật tâm huyết với nghề thì khó ai bám trụ lại đây. Mỗi ngày, thầy giáo Quàng Văn Thật vượt qua 28km đường rừng, trong đó có hơn 20km đường đất. Có những khi, cả người và xe đều trơn trượt vì đường núi gồ ghề. Anh Thật nói: “Hằng ngày, tôi phải đi qua những cung đường nguy hiểm, vượt qua rất nhiều con suối, thường xuyên đến lớp trong tình trạng ù tai hay bầm tím”.
Bùn đất bám đặc bánh xe khiến các thầy cô vùng cao ngã nhào khi đang di chuyển.
Trong suốt quãng thời gian chia sẻ cùng chúng tôi, anh Thật ngại ngùng kể về những khó khăn chung của các thầy cô giáo vùng cao, cũng như khó khăn riêng mà mình phải đối mặt. Khi nhắc tới đời sống của các em nhỏ vùng cao, thầy giáo trẻ như nghẹn lại, anh xót xa nghĩ về những ngày hè, ngày đông giữa rừng núi ngút ngàn.
Lớp học mà anh Quàng Văn Thật phụ trách giảng dạy đều là học sinh dân tộc thiểu số.
Trước khi được xây mới khang trang, lớp học của thầy và trò Trường Mầm non Hoa Cúc chỉ như chiếc lán dựng tạm. Cơ sở vật chất đơn sơ, bao quanh là gỗ ván và bạt nhựa, mùa hè thì nắng tới đầu, mưa tới mặt, mùa đông thì gió rét căm căm. Cái ăn, cái mặc còn thiếu thốn nên chẳng ai dám nghĩ sẽ có ngày được sinh hoạt trong một ngôi trường khang trang, tiện nghi.
Bao năm không một món quà ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Dù thiệt thòi trăm bề nhưng học sinh ở đây rất yêu trường lớp. Đa số là con em trong gia đình các dân tộc thiểu số như: Thái, Hơ Mông, Khơ Mú... Vì thế, chuyện giao tiếp giữa thầy cô giáo và học sinh, giữa học sinh với học sinh còn nhiều hạn chế. Để truyền đạt kiến thức cho các bạn nhỏ, thầy Quàng Văn Thật phải tự học thêm các ngôn ngữ địa phương.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Thật đầy tự hào: “Các em nhỏ tại đây rất tự lập, dù chỉ 4-5 tuổi nhưng các em đã có thể phụ giúp bố mẹ nhiều việc, khi đến trường các em không khóc lóc, quấy rầy thầy cô, do vậy mà tôi càng cố gắng khắc phục khó khăn để giúp đỡ các em được nhiều hơn. Đôi khi, chính thầy cô giáo tự tay nuôi trồng cải thiện bữa cơm cho các em”.
Thầy cô giáo cùng các em học sinh hái rau trong vườn.
Ngày 20/11 năm nay, thầy và trò Trường Mầm non Hoa Cúc đã có không gian lớp học rộng rãi, sạch đẹp. Tất cả đều vui mừng vì từ nay được học tập, ca hát dưới mái nhà kiên cố. Đặc biệt, thầy Quàng Văn Thật cho biết đây là món quà ý nghĩa nhất mà mình mong đợi từ lâu: “Từ lúc vào nghề đến bây giờ tôi chưa từng nhận được món quà nào, đối với tôi các em học sinh đi học đầy đủ, khỏe mạnh là món quà lớn nhất rồi. Có được trường học khang trang, thầy trò chúng tôi mừng lắm. Tôi thương các em nhỏ vùng cao còn khó khăn, muốn các em được học tập thật tốt để sau này tiến bộ hơn trong tương lai”.
Ngôi trường mới của thầy trò anh Quàng Văn Thật.
Thầy cô trường mầm non cải tạo khuôn viên trường.
Ở Sơn La, người dân bản địa tính thời gian bằng mùa ngô, mùa sắn nhưng thầy Thật đong đếm thời gian bằng sự trưởng thành của các em nhỏ. Hơn ai hết, chỉ những người sinh ra và lớn lên tại đây, ra ngoài học tập rồi quay trở về xây dựng quê hương mới thấm đượm hết nghĩa tình mà con người dành cho nhau. Anh Quàng Văn Thật luôn hy vọng rằng những lứa học sinh ngày hôm nay sẽ tiếp nối được lý tưởng mà anh đã và đang theo đuổi.
Tấm gương về những người thầy vùng cao thật đáng ngưỡng mộ. Bạn thấy sao về câu chuyện này, hãy chia sẻ những kỉ niệm về ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và để lại ý kiến cùng YAN nhé!
THẦY GIÁO HÀ THÀNH GẦN 30 NĂM DẠY HỌC MIỄN PHÍ CHO TRẺ EM NGHÈO
Cũng là những nhà giáo tâm huyết, thế nhưng, khác với thầy Thật là chọn vùng cao thì "người lái đò" sau đây lại khiến các học trò phải nể phục vì số năm gắn bó với nghề. Hiếm ai ở độ tuổi gần 90 vẫn cần mẫn dạy học, vậy mà một thầy giáo ở Hà Nội đã nhiều năm nay cần mẫn với công việc dạy học miễn phí. Năm 1992, sau khi về hưu, thầy Trà bắt đầu mở lớp học cho những trẻ em ở xóm trọ lao động. Chứng kiến những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện bổ túc văn hóa, thầy vô cùng trăn trở.
Lớp học ban đầu chỉ có 6 học sinh, nhưng khi tiếng lành đồn xa, nhiều người chủ động gửi gắm con tới lớp học của thầy. Miệt mài, tận tụy với nghề, thầy luôn tâm niệm rằng chỉ có tri thức mới giúp các em định hướng tương lai, vươn lên đổi đời bằng con đường học vấn. Suốt 30 năm qua, dù không một đồng tiền công, thầy Trà vẫn gắn bó với công việc này.