Thấy người gặp tai nạn nhưng ngoảnh mặt làm ngơ, vô tư quay clip, chụp ảnh đang là một hiện tượng phổ biến trong xã hội.
Với tâm lý sợ bị ảnh hưởng nên nhiều người không giúp đỡ mà lặng lẽ bỏ đi, thản nhiên trước nguy nan của người khác. Sự việc lại dấy lên cuộc tranh cãi về tình người và sự vô tâm của một bộ phận người dân hiện nay.
Vô tư "tác nghiệp"
Có lẽ trước đây, khi cùng sống trong gian khổ, con người ta luôn biết yêu thương và che chở nhau. Nhưng ngày nay, khi mà gánh nặng “cơm áo gạo tiền” bớt đi, thêm vào đó là thái độ bàng quan, hèn nhát khiến cho con người đối xử với nhau ngày càng trở nên thờ ơ, vô cảm.
Thực tế cho thấy, những vụ va chạm và tai nạn giao thông xảy ra, nạn nhân được sự giúp đỡ của người dân và lái xe. Nhưng cũng không ít trường hợp phải một mình chống chọi với hiểm nguy ngay giữa nơi đông đúc, khi người người vội vã bỏ đi, mặc nạn nhân vì sợ mất thời gian hoặc liên lụy đến mình.
Đáng sợ hơn là sự lạnh lùng trước đau thương của người khác, có kẻ thản nhiên quay clip, chụp ảnh để đăng lên facebook, youtube nhằm "câu" like, nhận sự chia sẻ của những “anh hùng bàn phím”.
Như vậy là họ chỉ chạy theo những giá trị ảo mà quên đi những việc thiết thực cần làm vì đồng loại. Có lẽ nghĩa cử “ra đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” của dân ta từ xưa đến nay đang bị mờ nhạt.
Thờ ơ đứng nhìn người gặp nạn bị thương.
Chủ nhân những chiếc smartphone vô tâm này sẵn sàng trực chiến để “tác nghiệp” mà không tham gia cứu người. Mới đây, dư luận bàng hoàng khi một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên cầu vượt Thái Hà (Hà Nội). Rất nhiều người đã dừng xe lại, nhưng chỉ có vài người trong số đó chạy tới giúp đỡ các nạn nhân, số còn lại thì đứng lặng yên bàn tán, rồi lôi điện thoại ra để chụp, quay clip, chia sẻ lên mạng cho “nóng”.
Một nạn nhân chia sẻ trên trang cá nhân của mình: “Tôi gần như van xin họ đừng quay nữa và kêu đau đớn thì từng lớp lớp người đi đường vẫn chen nhau vào, tiếng cười nói rôm rả cả đoạn đường”.
Ngay sau khi những clip và hình ảnh về vụ tai nạn giao thông được đăng tải, một loạt ý kiến tỏ ra phẫn nộ.
Nickname Tr.H.T. ghi lại lời kể của một nhân chứng thoát chết sau tai nạn trên cầu vượt Thái Hà: “Người xúm lại rất đông, nhưng mình để ý, ngoài mình chỉ còn hai bạn gái, một anh đeo kính đi xe Ford và một sinh viên đeo cặp chéo là lao vào giúp đỡ nạn nhân. Còn lại, hầu hết người chứng kiến chỉ bàn tán, quay video, chụp ảnh và lảng đi khi được nhờ”.
Trước đó, tối 20/4, trên đường Trường Chinh (phường Tân Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM) xảy ra tai nạn giao thông khiến hai thanh niên trọng thương. Sau tai nạn, hàng chục người dân chạy tới vây xung quanh, người đi đường dừng lại để xem khiến giao thông tắc nghẽn.
Trên vỉa hè, hai thanh niên bị thương nhưng vẫn còn tỉnh táo khẩn thiết nhờ người chở đến bệnh viện. Nhưng ai cũng tỏ ra ái ngại và bảo họ gọi cho người nhà, nếu không, bắt taxi đi đến bệnh viện.
Gần 30 phút sau, hai thanh niên mới được đưa đi cấp cứu bằng taxi. Sau đó, hai thanh niên đã bức xúc trên trang cá nhân về trái tim của những kẻ mắc bệnh vô cảm. Họ quá hiếu kỳ mà quên mất việc cứu người.
Cách đây không lâu, cư dân mạng giật mình khi thấy những hình ảnh tai nạn thương tâm xảy ra trên Quốc lộ 1A (đoạn qua xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) làm hai người bị thương nặng.
Cũng như bất cứ vụ tai nạn giao thông nào khác, người dân ở đây hiếu kỳ đứng lại xem rất đông hai bên đường, nhưng không ai có hành động nào cứu giúp. Do người bị nạn mất quá nhiều máu nên ô tô đang lưu thông trên đường cũng không dám dừng lại đưa đi cấp cứu. Phải mất thời gian khá lâu, nạn nhân mới được chuyển đến bệnh viện Đa khoa trung tâm huyện Châu Thành trong tình trạng nguy kịch.
Loại “vi rút” dễ lây lan
Sự phát triển ngày càng cao của đời sống vật chất khiến con người nảy sinh tính ích kỷ, chỉ quan tâm đến việc thỏa mãn “cái tôi” mà quên mất “cái chúng ta”. Vật chất chính là những cám dỗ khiến con người đam mê mà coi nhẹ đời sống tinh thần.
Tuy nhiên, không thể đổ lỗi hết cho hoàn cảnh khách quan. Với nhiều người, bệnh “vô cảm” bắt nguồn từ tính ích kỷ, từ nhận thức hạn hẹp, lệch lạc. Trao đổi với PV báo ĐS&PL, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng: “Với những người sẵn sàng bật điện thoại để quay clip, chụp ảnh người gặp nạn trên đường để đăng lên facebook, youtube có thể nói họ là những người đã bị xơ cứng về tâm hồn. Họ không hề băn khoăn hay thương cảm trước những gì liên quan tới sự mất mát, đau thương của đồng loại. Tôi nghĩ đây là cách sống, thái độ tiêu cực, đáng phê phán. Sự thờ ơ, vô cảm đang trở thành một căn bệnh, một thứ “vi rút” dễ lây lan và nó đang xâm nhập vào mọi tầng lớp, lứa tuổi”.
Vị chuyên gia này nhận định, cũng có thể, người ta sợ bị phiền toái, vạ lây, sợ phải đứng ra làm chứng. Bên cạnh đó, họ không có kỹ năng xử lý tình huống, sơ cứu người gặp nạn nên sợ không cứu giúp được mà có khi lại đẩy người gặp nạn vào nguy kịch, nên tránh là hơn. Vì thế, nhiều khi tính mạng của người gặp nạn phụ thuộc vào may rủi.
“Tôi thấy tình trạng thiếu kỹ năng xử lý tình huống của con người đang ở mức báo động. Mỗi chúng ta, không nên vì tâm lý lo sợ mà bỏ mặc người bị nạn trước lưỡi hái tử thần. Cần phê phán, lên án sự thờ ơ, vô cảm, sợ liên lụy, nếu không nó sẽ thành hiện tượng bình thường được xã hội công nhận và cứ thế lan rộng như một thứ bệnh dịch nguy hiểm”, ông Hòa cảnh báo.
Nhiều chuyên gia xã hội học lo ngại, nếu như người ta sẵn sàng quay lưng trước nỗi đau của người khác thì điều đó sẽ còn xảy ra đối với những người trong gia đình, những người thân ruột thịt.
Khi xã hội càng hiện đại thì càng xuất hiện nhiều yếu tố gây nhiễu cho sự phát triển nhân cách của từng người. Một nguyên nhân tác động trực tiếp đến lối sống này chính là mạng xã hội. Khi có trang mạng cá nhân, những người vô cảm này muốn đăng ngay những bức ảnh nóng, "hót" để cư dân mạng bàn tán. Họ vô tư quay phim, chụp ảnh sự khốn khổ của người khác bởi chỉ nghĩ đến sự nổi tiếng của mình.
Đừng biến mình thành kẻ vô lương tâm
"Xã hội kinh tế thị trường, nặng tính cạnh tranh đã sinh ra tâm lý mạnh ai nấy sống. Môi trường sống cũng tác động lớn khiến tâm hồn họ trở nên chai sạn, nhất là lòng thương người. Tình thương của con người dành cho nhau ngày càng biến mất, thay vào đó là những cái nhìn lạnh lùng. Cứ như vậy, sẽ biến con người thành kẻ vô trách nhiệm, vô lương tâm, vô văn hóa. Thậm chí họ tự biến mình thành kẻ tội đồ. Mỗi người tham gia giao thông hãy đặt mình vào vị trí người bị nạn để có những ứng xử phù hợp”, ông Trịnh Trung Hòa nhấn mạnh.