Từ xưa tới nay, đối với người dân Việt, Tết Nguyên Đán luôn được xem là thời điểm quan trọng nhất.
Ba ngày đầu tiên của năm mang ý nghĩa ngày bắt đầu một mùa xuân mới của trời đất, là ngày bắt đầu một chu kỳ sống, làm việc, tình cảm mới của con người. Những thói quen, tập quán trong những ngày đầu năm từ xưa vẫn được người dân truyền tai và lưu giữ tới tận bây giờ.

Dân gian ta luôn có câu “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành.”. Để nói về những điều cấm kỵ trong những ngày đầu năm mới, Viện trưởng viện nghiên cứu phát triển doanh nhân và doanh nghiệp Đông Nam Á, Hội khoa học Đông Nam Á Việt Nam, TS. Lê Xuân Phương đã từng chia sẻ: Đầu năm mới phải chú ý “Nhất thanh nhì sắc.” Cũng có nghĩa là: Ngày cuối năm (30 Tết), mọi người nếu có những lời nói hay hành động không tốt thì đều sẽ được bỏ qua, châm chước. Nhưng đã bước sang năm mới thì cần phải dùng lời lẽ tốt đẹp nhất để nói với nhau, mọi việc sẽ đều nên vui vẻ để tránh xung đột.
Năm Ất Mùi 2015 là năm Dê vàng. Nếu năm Giáp Ngọ 2014 là biểu tượng của quyền lực và thành công, thì năm Ẩt Mùi lại là biểu tượng của may mắn, cát tường. Những ngày Tết đến luôn mang theo may mắn, tài lộc cho mọi nhà. Vì vậy nên việc kiêng kỵ đầu năm luôn được mọi gia đình chú ý và đặt lên hàng đầu.
Từ xưa dân gian ta đã truyền nhau những điều không nên vào ngày đầu năm mới, ví như ngày đầu năm, mọi nhà kỵ cho lửa cho nước. Theo quan niệm lửa là đỏ, là sự may mắn, khi đem cho người khác sự may mắn trong nhà thì sẽ gặp điều xui xẻo, làm ăn thất bát, nội bộ trong nhà lục đục, ra đường gặp điều không may. Kiêng cho nước vì nước được cho là nguồn tài lộc trong gia đình. Nếu cho nước thì sẽ xem như mất “lộc”.
Nếu muốn vận hạn gia đình tốt thì trong những ngày Tết trong nhà nên treo những bức tranh mang ý nghĩa tài lộc như lợn, gà, cậu bé... Tránh treo những tranh mang điềm không tốt như: Đánh ghen, thú dữ, kiên trung....
Những ngày đầu năm cũng không nên vay mượn hay cho tiền bạc, đồ đạc vì nó sẽ khiến gia đình rơi vào cảnh thiếu thốn cả năm. Người xưa quan niệm rằng ngày đầu xuân là ngày ta mở cửa để đón lộc vào nhà, nếu như ta cho mượn hay đi trả thì cũng giống như ta “tặng” tài lộc của gia đình mình cho người khác.
Ngày đầu năm cũng là ngày mà dân ta truyền nhau kiêng kỵ không nên giặt giũ vào mùng 1, mùng 2 Tết. Vì theo dân gian, ngày sinh của Thủy thần là ngày 1, 2 tháng Giêng Âm lịch, nên phải tránh việc giặt quần áo trong 2 ngày này để tránh xui xẻo.
Ca dao Việt có câu: “Mồng năm, mười bốn, hai ba. Đi chơi cũng thiệt nữa là đi buôn.”. Hàm ý muốn nhắc nhở người dân những ngày này tránh đi chơi xa. Dân ta truyền nhau rằng ngày mùng 5 Tết là ngày nguyệt kỵ, không thích hợp với việc xuất hành.
Những nhà phong thủy còn khuyên những ngày đầu năm mới nên kiêng quét nhà, kiêng ăn thịt chó, cá mè, thịt vịt, kỵ mai táng, không làm đổ vỡ đồ đạc, kiêng không nên mặc quần áo màu đen (hoặc trắng)...