Hà Nội: Tân sinh viên và nỗi khốn khổ đi tìm nhà trọ ngày đầu nhập học

10:30 09/08/2017

Đến hẹn lại lên, cứ vào thời điểm đầu năm học mới, tại các thành phố lớn như Hà Nội lại xuất hiện tình trạng “sốt” nhà trọ cho sinh viên.

Hà Nội những ngày này, sinh viên lên nhập học ngày một đông. Tại những khu vực quanh trường đại học, cao đẳng, nơi vốn tập trung đông sinh viên, luôn có cảnh tấp nập người cho thuê phòng trọ và người đi tìm phòng. Ngay tại bến xe Mỹ Đình, mỗi lần xe vào bến dừng trả khách, từ xe ôm tới cánh "cò" nhà đã “bủa vây” vào tận lối lên xuống xe khách chào mời: “Cháu ơi đi xe không bác chở?", “Cháu ơi tìm phòng trọ không?"...


Thời điểm này, tại các khu vực bến xe xuất hiện khá nhiều chủ nhà trọ cũng như "cò nhà"
Thời điểm này, tại các khu vực bến xe xuất hiện khá nhiều chủ nhà trọ cũng như "cò nhà"

Qua khảo sát thực tế tại các địa bàn như: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Cổ Nhuế, Mễ Trì… đều trong tình trạng còn phòng nhưng giá lại khá đắt đỏ. Tại những địa điểm trên phòng đẹp, rộng khoảng 15m2 sẽ có giá từ 1,3 đến 1,5 triệu đồng, so với thời điểm này năm ngoái tăng 500 nghìn đồng/phòng.

Tại khu vực Cầu Diễn, nơi có giá phòng trọ "mềm" nhất cho sinh viên cũng đã tăng đột biến. Những căn phòng rộng chừng 14m2 có giá khoảng 900 nghìn đồng/phòng. Trong khi đó, tại thời điểm này năm ngoái, căn phòng như vậy chỉ có giá 500 ngàn đồng/phòng. Phòng đẹp và rộng rãi hơn từ 16m2 trở lên sẽ có giá hơn 1 triệu đồng.


Tân sinh viên bỡ ngỡ với cuộc sống mới nơi thành thị
Tân sinh viên bỡ ngỡ với cuộc sống mới nơi thành thị

Một đặc điểm chung dễ thấy nhất tại thời điểm này đó là những tờ rao vặt cho thuê nhà trọ đủ loại được dán chi chít trên cột điện và trên những bờ tường gần khu vực tập trung sinh viên cũng như trường học.

Khoác trên vai ba lô nặng trĩu, tân sinh viên Nguyễn Hải Thịnh (quê Thái Bình) đang cùng chị gái tìm phòng trọ. Hải Thịnh cho biết Thịnh đã tìm kiếm phòng trọ 2 ngày nhưng vẫn chưa thuê được.

“Có được một chỗ ở trong ký túc xá là mong muốn của phần lớn sinh viên từ dưới quê lên học bởi giá cả hợp lý, các dịch vụ thiết yếu đi kèm luôn được bảo đảm. Nhưng do các phòng ở trong ký túc xã chỉ đủ chỗ cho những sinh viên thuộc diện chính sách nên mình phải tự đi thuê nhà. Các phòng trọ ở gần trường giá thuê phòng rất đắt từ 2 đến 3 triệu đồng/tháng, chưa kể điện nước”. Hải Thịnh cho biết.

Những tân sinh viên lần đầu tiên đặt chân đến Hà Nội gặp phải tình trạng bị chèn ép, nâng giá khi đi thuê trọ là chuyện không hiếm. Đặc biệt nhiều sinh viên chưa có kinh nghiệm còn mất tiền oan cho “cò môi giới nhà". Phan Cẩm Tú, sinh viên năm thứ nhất Đại học Bách khoa Hà Nội bức xúc: “Mình đọc thông tin trên tờ rơi có phòng trọ cho thuê giá 1,5 triệu đồng đầy đủ tiện nghi. Khi gọi điện thoại thì có một thanh niên nghe máy rồi hẹn chở đi xem phòng. Lúc đầu mình cứ nghĩ anh ta là chủ phòng trọ. Đến nơi, phòng thì bé ẩm thấp nên mình không thuê, anh ta liền quay sang vòi tiền công 200 nghìn đồng đưa mình đi. Bị mất tiền oan mà phòng chẳng thuê được”.


Các tờ rơi quảng cáo nhà trọ được dán trên khắp các bức tường gần trường học và khu tập trung đông dân cư
Các tờ rơi quảng cáo nhà trọ được dán trên khắp các bức tường gần trường học và khu tập trung đông dân cư

Nhu cầu ở trọ đầu năm học rất lớn, nên "đội quân cò nhà trọ" cũng thay nhau hoạt động với không ít "chiêu" dẫn dụ, lừa đảo sinh viên. Đặc biệt những hoạt động này diễn ra khá công khai mà không bị ai quản lý. Được biết, ngoài nhận tiền của sinh viên, "cò" còn nhận được khoản tiền hoa hồng của chủ nhà trọ khi giới thiệu sinh viên vào ở .

Bạn Trần Thúy Vy (sinh viên trường Đại học Tài Nguyên và Môi Trường) kể lại: “Mình và một bạn cùng quê đi tìm phòng đã 1 ngày, nhưng không có. Đang đi thì thấy tờ giấy dán trên tường có ghi cho thuê phòng trọ, mình gọi điện thoại liên hệ theo số máy trên đó. Khoảng 10 phút sau, có một người đàn ông chạy xe tới giới thiệu và dẫn đi tìm phòng với khẳng định nếu không tìm được phòng ưng ý thì tìm phòng khác, không phải trả tiền. Vừa mới xuống Hà Nội chưa biết đường, nên mình đồng ý đi theo ông ta tìm cho nhanh. Ai ngờ chạy lòng vòng một hồi, ông ta dẫn mình vào 2 phòng cũ kỹ, chật chội, lại ở xa trường nhưng giá quá mắc nên mình không đồng ý thuê. Lúc này ông ta quay sang đòi mình trả tiền công dẫn đi là 80.000 đồng. Vì thấy thái độ hung hãn của ông ta nên mình đành đưa tiền”.


Để thuê được một nhà trọ ưng ý, cả sinh viên và phụ huynh phải chịu không ít khó khăn, đôi khi phải trả giá rất cao mới thuê được
Để thuê được một nhà trọ ưng ý, cả sinh viên và phụ huynh phải chịu không ít khó khăn, đôi khi phải trả giá rất cao mới thuê được

Vừa tìm được phòng trọ ưng ý, nhưng Hoàng Huyền Thu, sinh viên năm thứ nhất năm Đại học Mỏ Địa Chất lại rơi vào cảnh khốn khổ. “Nếu thuê phòng trọ thì phải đóng tiền vào đầu tháng. Thấy phòng sạch sẽ, thoáng mát lại gần trường mình đồng ý thuê và đóng tiền luôn theo yêu cầu của chủ nhà. Nhưng vừa đến, chủ nhà lật lọng bắt phải ký hợp đồng, tiền phòng đóng 3 tháng một lần. Tôi không đồng ý, bà chủ nhà bảo thế phải dọn đồ ra khỏi phòng và mất luôn tiền đặt cọc. Nhưng nếu đóng 3 tháng liền, gia đình làm nông lấy đâu ra tiền”, Thu buồn bã kể lại.

Về thành phố lớn học tập, không ít sinh viên tỉnh lẻ thuê trọ ngoài ký túc xá phải chịu những quy định oái oăm của chủ nhà đề ra. Thế nhưng, hầu hết các tân sinh viên cũng không còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận "sống chung với lũ" nếu không muốn bị "bơ vơ".

Có lẽ với không ít tân sinh viên, việc tìm được những chỗ trọ giá rẻ, dịch vụ hợp lí lại đảm bảo an toàn như trong các khu ký túc xá trường Đại học vẫn chỉ là mơ ước.

Sẽ còn nhiều khó khăn đang chờ đón các tân sinh viên ở phía trước, và đây mới chỉ là thử thách đầu tiên trên bước đường đời của các bạn. Nhưng chỉ cần vượt qua được "cửa ải" chông gai ấy, chắc chắn các tân sinh viên sẽ cứng cáp, trưởng thành hơn rất nhiều và sẵn sàng một cuộc sống tự lập cho những ngày sau này.