Tâm thư của một học trò giỏi 9 năm liền: “Cháu kiệt sức khi phải học"

13:45 18/03/2021

Dẫu biết với lứa tuổi học trò, việc học phải được đặt lên hàng đầu, thế nhưng trong thực tế, không ít các em học sinh đang phải học ngày học đêm, chịu áp lực đến nỗi sức khỏe và tinh thần bị suy sụp. Mới đây trên mạng xã hội xuất hiện bức tâm thư của một học sinh lớp 10 về vấn đề học tập khiến nhiều người không khỏi suy ngẫm.

Theo đó, chủ nhân bài viết có 9 năm liền đạt danh hiệu học sinh Giỏi trong quá khứ. Theo chia sẻ, để có được thành quả đó, một ngày của em cùng nhiều bạn khác chỉ xoay quanh việc “thức dậy, đi học trên trường, đi học thêm, về nhà và lặp lại”.

 
Bài viết thu hút lượng tương tác lớn từ cộng đồng mạng. (Ảnh chụp màn hình)
Bài viết thu hút lượng tương tác lớn từ cộng đồng mạng. (Ảnh chụp màn hình)

Vì lẽ này mà nhiều năm trôi qua, niềm đam mê học tập của em đã dần mất đi. Giờ đây, em “bắt đầu kiệt sức, chán nản và tuyệt vọng khi nghe đến chữ HỌC”. Không biết từ bao giờ, khoảng thời gian em phải đi học còn nhiều hơn thời gian được ngủ. Điều này khiến sức khỏe các em gặp vấn đề, đặc biệt có những bạn đến lớp với khuôn mặt bơ phờ, thiếu ngủ và đau dạ dày.

Ngoài ra, chủ nhân bài viết và các bạn cùng lớp còn phải chịu áp lực nặng nề từ phía thầy cô, phụ huynh và xã hội về vấn đề điểm số, thành tích.

 
Nhiều em học sinh này gặp áp lực về điểm số. (Ảnh minh hoạ: Pinterest)
Nhiều em học sinh này gặp áp lực về điểm số. (Ảnh minh hoạ: Pinterest)

Trong bức tâm thư, học sinh này không giấu nổi sự lo lắng, sợ hãi khi não bộ không thể tiếp nhận tất cả kiến thức được học:

“Cháu sợ lắm ! Cháu sợ mỗi khi ông mặt trời lại lên báo hiệu một ngày đi học nữa lại đến. Cháu sợ khi điều đầu tiên thầy cô làm khi bước vào lớp là khảo bài, kiểm tra một núi bài tập họ giao cho chúng cháu”.

“Cuộc sống của những học sinh giờ đây gần như chỉ xoay quanh HỌC. Chúng cháu không biết đến khái niệm nghỉ ngơi, thư giãn”.

“Học sinh chúng cháu sống thờ ơ, lãnh đạm, vô cảm và không có kĩ năng sống. Chúng cháu không biết phải làm gì nếu có động đất, sóng thần hay gặp một người bị đột quỵ ngay giữa đường”.

“Rồi sau tất cả, khi chúng cháu rời ghế nhà trường, đối diện với cuộc sống thật, chúng cháu lại lơ ngơ, hoang mang vì hoàn toàn không có những kĩ năng sống cần thiết”.

Cuối cùng, chủ nhân bài viết gửi lời thống thiết tới “các bác lãnh đạo, các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo” với những dòng chữ xúc động:

 “Xin hãy cho chúng con được SỐNG. Xin cho phép chúng con được sống trong những tháng năm tuổi học trò một cách trọn vẹn nhất có thể. Xin đừng quá kỳ vọng vào tụi con để rồi chính những kì vọng ấy khiến cho mọi người thất vọng.

Xin đừng chỉ trích chúng con khi bọn con bị điểm kém. Xin hãy hiểu rằng mỗi người chỉ có những khả năng nhất định và bọn con không phải là thiên tài.”

 
Những dòng tâm sự của chủ nhân bài viết có lẽ cũng là nỗi lòng của nhiều em học sinh khác hiện nay. (Ảnh minh hoạ: Pinterest)
Những dòng tâm sự của chủ nhân bài viết có lẽ cũng là nỗi lòng của nhiều em học sinh khác hiện nay. (Ảnh minh hoạ: Pinterest)

Kể từ khi những dòng tâm sự trên được chia sẻ đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng mạng. Nhiều em học sinh cùng lứa tuổi thể hiện sự đồng cảm và bày tỏ bản thân cũng đang gặp những áp lực tương tự về điểm số, các môn học, sức khỏe, thời gian và mối quan hệ với gia đình, thầy cô,…

Bên cạnh đó, không ít bậc làm cha mẹ, giáo viên đã suy ngẫm lại về cách giáo dục, giảng dạy, truyền đạt kiến thức của mình cho các em. Nhiều người nhận ra rằng, có lẽ đã đến lúc họ cần quan tâm đến con em của mình nhiều hơn; ở bên động viên, lắng nghe tiếng lòng của con mình, không tạo áp lực và giúp con vượt qua những khó khăn trong học tập.

 
Hãy giúp các em vượt qua nỗi lo học tập. (Ảnh minh họa: H.M)
Hãy giúp các em vượt qua nỗi lo học tập. (Ảnh minh họa: H.M)

Hiện tại, bài chia sẻ của học trò giỏi 9 năm liền về vấn đề "quá tải" khi học tập vẫn nhận về hàng ngàn ý kiến bình luận khác nhau. Còn bạn, bạn nghĩ gì về bức tâm thư này? Hãy chia sẻ quan điểm của mình cùng YAN nhé!

NGƯỜI LỚN XIN ĐỪNG QUÁ TẠO ÁP LỰC CHO HỌC SINH!

Trong thực tế có rất nhiều phụ huynh tạo áp lực điểm số lên con cái, yêu cầu các con học tập thường xuyên và phải đem về điểm cao, thậm chí là những giải thưởng trong các cuộc thi học sinh giỏi, nghiên cứu khoa học,…

Còn về phía nhà trường, không ít giáo viên chủ nhiệm đặt nặng vấn đề thành tích, khiến các em học sinh phải “lao” vào cuộc đua điểm số.

Trong khi đó, độ tuổi học sinh là lứa tuổi cần được chăm sóc đầy đủ về cả thể chất lẫn tinh thần. Thay vì luôn tạo áp lực lên con em, người lớn nên ở bên hỏi han, tâm sự để hiểu và đồng cảm với những khó khăn con em đang gặp phải, từ đó vạch ra định hướng thật đúng đắn cho con trong tương lai. Đây mới là điều các em học sinh thực sự cần nhất.

Đón xem TẠI ĐÂY!