Tâm sự của nữ bác sĩ xuất hiện trong phim tài liệu "Ranh Giới"

15:40 26/09/2021

Người bình thường mắc Covid-19 đã vất vả, nhưng phụ nữ mang thai không may trở thành F0 thì còn phải đối mặt với sự nguy hiểm hơn gấp bội. Phim tài liệu "VTV Đặc biệt: Ranh Giới" đã tái hiện một cách vô cùng chân thực về những khó khăn, khốc liệt tại BV Phụ sản Hùng Vương (TP.HCM), nơi điều trị cho các sản phụ hoặc trẻ sơ sinh nhiễm Covid-19.

Bác sĩ Lữ Thị Khánh Phương, chuyên khoa 1 Gây mê hồi sức chính là một trong những nhân vật trong "Ranh Giới". Mới đây, chị đã có những phút trải lòng trên Thanh Niên để mọi người hiểu rõ hơn về những người đang ngày đêm giành giật sự sống cho các sản phụ F0.

 
Chân dung bác sĩ Khánh Phương, đang tham gia chống dịch tại BV Phụ sản Hùng Vương (TP.HCM). (Ảnh: Thanh Niên)
Chân dung bác sĩ Khánh Phương, đang tham gia chống dịch tại BV Phụ sản Hùng Vương (TP.HCM). (Ảnh: Thanh Niên)

Với khối công việc tăng lên mỗi lúc một nhiều, áp lực của các bác sĩ tại BV Phụ sản Hùng Vương là rất lớn. Đến thời gian ăn, ngủ cũng phải tranh thủ từng phút từng giây và luôn tuân thủ quy định chống dịch. Đặc biệt, với chuyên môn gây mê, bác sĩ Phương chia sẻ, quy định từ lúc báo động đến lúc đưa em bé ra khỏi bụng mẹ chỉ được trong 10 phút, nhưng với sản phụ F0, các bác sĩ chỉ có 3 phút để làm việc này. 

Tham gia vào rất nhiều ca khẩn cấp, nhưng bác sĩ Phương tâm sự, chị không có quá nhiều ấn tượng về những ca mình cứu được, bởi đó là mục tiêu đương nhiên của công việc. Trái lại, những ca thất bại, bệnh nhân không qua khỏi lại khiến chị đau đớn, ám ảnh vì nghĩ rằng chắc hẳn đã có điều gì đó mình làm chưa đúng, chưa tốt nên mới dẫn đến kết cục như vậy. 

 
Không chỉ điều trị, các bác sĩ còn là chỗ dựa của các bệnh nhân. (Ảnh: VTV News)
Không chỉ điều trị, các bác sĩ còn là chỗ dựa của các bệnh nhân. (Ảnh: VTV News)

Nhắc về trường hợp nhớ nhất từ khi tham gia chống dịch, bác sĩ Phương kể trên báo Thanh Niên, đó là một sản phụ 18 tuổi, mang thai 28 tuần. Thời điểm vào bệnh viện, sản phụ này vẫn còn có thể trò chuyện, hợp tác với các nhân viên y tế và ổn định trở lại, nhưng chỉ sau đó khoảng một tiếng rưỡi, mọi việc đã diễn biến xấu đi.

"Tôi chạy đến nơi thì thấy em đã đổ gục xuống rồi, vội vàng báo động cả ê kíp và tiến hành hồi sức cấp cứu ngưng thở, ngưng tim cho em tại giường, đồng thời chuẩn bị khẩn trương lấy em bé ra, vì thai của em đã được 28 tuần và còn sống. Vậy mà, sau hơn 1 giờ hồi sức tích cực, em cũng không qua khỏi, đứa bé trong bụng em cũng ra đi, ngay khi mẹ đổ gục xuống", bác sĩ Phương kể.


Các bác sĩ làm việc với công suất 200 - 300% vì sức khỏe sản phụ F0.

Chứng kiến nhiều ca ra đi ngay trước mắt, người nhà bệnh nhân khóc nấc đầu dây bên kia điện thoại, chị Phương cho biết bản thân cảm thấy vô cùng khó xử và đau lòng, bởi mục tiêu mình đề ra đã không đạt được. Mọi thứ trong cuộc chiến với Covid-19 này dần trở nên mông lung. Chị áy náy, cảm giác có lỗi với người nhà bệnh nhân vì họ đã trao niềm tin mà chị lại không thể làm tốt hơn được.

Giữa những vất vả, áp lực ấy, tiếng khóc chào đời của những đứa trẻ chính là nguồn động viên to lớn để những người nhân viên y tế như chị lấy lại tinh thần, tiếp tục công việc của mình.

 
Khoảnh khắc các bác sĩ giành giật sự sống cho sản phụ. (Ảnh: Đoàn phim Ranh giới)
Khoảnh khắc các bác sĩ giành giật sự sống cho sản phụ. (Ảnh: Đoàn phim Ranh giới)

Cuối cùng, bằng tất cả những kinh nghiệm bản thân đã trải qua, chị Phương nhắn nhủ: "Dù tôi biết việc làm mẹ là thiên chức của người phụ nữ, nhưng nếu được có lời khuyên thì tôi khuyên mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên chủ động tránh thai trong đại dịch Covid-19 này, nhất là khi tình hình dịch còn chưa ổn, chưa được kiểm soát tốt vì giữ cho bản thân mình không bị nhiễm Covid-19 là đã rất khó khăn rồi."

Cuộc chiến với Covid-19 không phải là nhiệm vụ của một cá nhân mà là của tất cả cộng đồng. Chỉ khi chúng ta cùng nhau hợp tác, tuân thủ các khuyến cáo thì dịch bệnh mới sớm qua đi, cuộc sống bình yên trở lại.

Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!

THÊM GÓI HỖ TRỢ HÀNG CHỤC NGÀN TỈ ĐỒNG CHO LAO ĐỘNG ẢNH HƯỞNG VÌ DỊCH

Thời gian vừa qua đã có rất nhiều người bị ảnh hưởng thu nhập do dịch Covid-19. Để bà con yên tâm ổn định cuộc sống, chính quyền đã ban hành nhiều gói hỗ trợ. Mới đây, Thường vụ Quốc hội tiếp tục ký nghị quyết ban hành chính sách hỗ trợ, sử dụng 30.000 tỉ đồng, trích từ kết dư Quỹ bảo hiểm Thất nghiệp đến hết năm 2020 để hướng đến 2 nhóm sau:

- Người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9.

- Người dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc trong giai đoạn từ 1/1/2020 đến 30/9/2021.

Xem thêm tại đây!