Hàng năm, cứ vào các ngày 11 và 12 tháng Giêng, tại xã tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ lại diễn ra một lễ hội khá đặc biệt và khiến cho mọi người thích thú, đó là lễ hội "Linh tinh tình phộc" hay còn gọi là "Lễ hội Trò Trám".
Tại lễ hội đặc biệt này, điểm thu hút sự chú ý của không chỉ dân địa phương và các du khách thập phương tới xem đó chính là Trò Trám và Lễ Mật tại miếu Trò, hay còn gọi là miếu Đụ Đị. Đúng 0h đêm 11 rạng sáng 12 tháng Giêng, chủ lễ Mật sẽ lên thượng cung lấy lễ vật đặc biệt xuống để làm lễ. Một đôi trai gái được làng chọn ra sẽ được đưa vào căn phòng bí mật, chờ tiếng hô “Linh tinh tình phộc” của ông chủ tế thì sẽ cầm Nõ – tượng trưng bộ phận sinh dục nam và Nường – tượng trưng cho bộ phận sinh dục nữ được chuẩn bị từ trước gõ vào nhau 3 lần. Nếu cả 3 lần đều trúng, năm đó cả làng may mắn, làm ăn phát đạt. Sau nghi lễ này, cụ chủ lễ hô to "tháo khoán", "tháo khoán", "tháo khoán", lúc này, các đôi trai gái sẽ được mở cửa ra về.
Nghi thức đặc biệt của lễ hội "Linh tinh tình phộc" thường được thực hiện trong miếu Trò
Được biết, lễ hội "Linh tinh tình phộc" năm nay đã chọn được cặp đôi đứng ra thực hiện nghi thức "tình phộc" trong Lễ Mật, đó là hai vợ chồng anh Chử Đức Chiến (sinh năm 1978) và chị Bùi Thị Thanh Huyền (sinh năm 1990). Đặc biệt đây đã là năm thứ 4 liên tiếp vợ chồng anh Chiến được người dân làng Trám tin tưởng lựa chọn để làm "chuyện ấy".
Theo đó, trong hai năm 2016, 2017, vợ chồng anh Chiến - chị Huyền đều thực hiện nghi thức "tình phộc" trúng cả 3 lần, tuy nhiên năm vừa rồi thì anh chị chỉ thực hiện nghi thức trúng 2 lần và bị trật mất 1 lần.
Năm nay, ngôi miếu đã được tu sửa rất khang trang trước khi lễ hội "Linh tinh tình phộc" diễn ra
Chiều ngày 15/2 (tức ngày 11 âm lịch), khi chỉ còn cách vài tiếng là tới lúc thực hiện nghi thức đặc biệt của địa phương, vợ chồng anh Chiến vui vẻ chia sẻ cảm xúc của mình về việc 4 năm liền được chọn làm "tình phộc" trong miếu của làng. Anh Chiến cho hay năm nay dù vợ chồng anh đã từ chối không tham gia, tuy nhiên không có ai đứng ra nhận công việc này, lại thêm việc các cụ trong làng ra sức vận động nên anh chị đành nhận lời.
Những đồ vật được sử dụng trong nghi thức "tình phộc" được cất giữ rất cẩn thận trong tủ khóa kín ở miếu
Đúng 0h đêm 11 rạng sáng 12 tháng Giêng, chủ lễ Mật sẽ lên thượng cung lấy lễ vật đặc biệt xuống để làm lễ
"Năm nay chắc sẽ vui hơn năm ngoái nhiều, vì miếu Trám đã được xây dựng lại khang trang hơn. Chúng tôi vẫn đang hồi hộp để chờ tới giờ làm lễ" - anh Chiến chia sẻ trên báo chí.
Cặp đôi được chọn sẽ thực hiện gõ 2 vật tượng trưng vào nhau 3 lần sau khi nghe thấy hiệu lệnh của người chủ tế
Trái ngược với cảm xúc của người chồng, chị Huyền lại cho biết chị cảm thấy khá ngại ngùng, dù đây đã là lần thứ 4 tham gia thực hiện nghi lễ đặc biệt trên. "Dù đã làm nhiều lần nhưng tôi vẫn thấy khá ngại ngùng, nhất là sau khi tiến hành xong nghi thức, mở cửa ra bị dân làng chọc ghê lắm. Thậm chí tới ngày hôm sau tôi đi chợ hay đi ra khỏi nhà vẫn bị mọi người trêu khiến tôi đỏ cả mặt".
Chị Huyền cũng nói thêm rằng sang năm vợ chồng chị dự định sẽ sinh em bé, vì vậy có lẽ hai anh chị sẽ không thực hiện nghi lễ này vào năm sau. Đồng thời, chị cũng cho biết sau khi sinh con xong, nếu dân làng vẫn tín nhiệm thì họ sẽ vui vẻ nhận lời.
Hình ảnh cặp vợ chồng anh Chiến - chị Huyền thực hiện nghi lễ đặc biệt các năm trước
"Năm ngoái tình phộc mà chỉ trúng có 2 lần nên năm nay chúng tôi đã có sự chuẩn bị và tập luyện mấy ngày trời. Nói thật khi thực hiện nghi lễ này, tôi thấy cả năm vợ chồng làm ăn khá suôn sẻ, dù không quá giàu có nhưng cũng được vừa ý mình mong muốn" - chị Huyền chia sẻ suy nghĩ trước khi chuẩn bị thực hiện nghi lễ đặc biệt của địa phương.
Chị Huyền chia sẻ các năm trước khi thực hiện nghi lễ này xong, chị thường bị dân làng trêu chọc cho tới tận ngày hôm sau
Được biết, từ chiều ngày 15/2 (tức ngày 11 âm lịch), rất đông người dân địa phương đã kéo nhau về khu vực quanh miếu để vui chơi và chuẩn bị cho buổi lễ sẽ diễn ra vào đêm 11 rạng sáng ngày 12 âm lịch.
Được biết ngôi miếu Trò đã được xây mới hoàn toàn năm ngoái, với kinh phí lên tới 17 tỷ đồng. Số tiền ấy là tiền xã hội hóa, dân không phải đóng góp, việc xây mới ngôi miếu cũng được toàn bộ dân đồng tình, sau đó trình cơ quan chức năng của tỉnh Phú Thọ.
Tổng hợp
Các thông tin Đời sống, Xã hội sẽ được chúng tôi liên tục cập nhật tại mục Đời của YAN NEWS!