Cuộc đời này, vốn đã không nâng niu chị có một cuộc sống bình yên thường nhật những người phụ nữ khác, nhưng lại đem cho chị cái niềm vui được bao bọc, che chở và yêu thương hàng nghìn đứa con nít tủi phận từ Bắc vô Nam. Vậy chẳng phải, đó đã là một sự hạnh phúc, đủ đầy, thoả mãn cái gọi là "bệnh thèm giúp đời" vẫn đang ngày ngày dằn vặt chị đó sao?
Tôi biết chị Tâm lần đầu tiên qua cuốn tự truyện “Vượt lên cái chết” chị viết năm 2009. Tâm Sida bước ra từ cuốn hồi ký đẫm ấy, với dáng dấp nhỏ bé, gầy tong teo của một đứa trẻ “trôi sông lạc chợ”, ráo hoảnh trong kiếp gái ăn sương, và đanh đá như bà chị giang hồ khét tiếng Sài Gòn.
Lần thứ hai tôi tình cờ được cùng chị đến giúp đỡ những đứa trẻ đường phố lưu trú tại công viên 23.9. Tâm lúc đó đã là một nhân viên xã hội, có hôm hớt hải chạy vạy một tấm giấy giới thiệu, lá thư tay để kịp đưa bé nào đó vào viện, hay lạy lục xin xỏ được 100 nghìn đồng mua vé xe đò về quê cho đứa con gái nuôi vừa mới thoát khỏi ổ mại dâm.
Ở tuổi 60, chị vẫn giữ khư khư một vài cái tật xấu, đang kể chuyện lại chêm vào một vài tiếng chửi thề (đã ăn sâu vào đầu lưỡi cô gái “ăn sương” những hơn 30 năm cơ mà).
- 27 rồi, còn hai hôm nữa là tới giỗ con L., hổng biết nấu món gì đem ra Bình Hưng Hòa cho nó, hay nấu chè đậu đen nghen?
Đấy là lần thứ 3 tôi gặp chị Tâm, trước đám giỗ của cái L. hai ngày. Giờ, chị lại mang một thiên chức cao cả hơn: Là mẹ của hơn ngàn đứa trẻ mồ côi, ọp ẹp sống trong căn nhà thuê trên đường Lê Đức Thọ (Q. Gò Vấp, TP.HCM).
Quay về để làm “người lương thiện”!
Tâm Sida. Đó là cái tên mà mọi người hay gọi chị. Chẳng mỹ miều, đẹp đẽ, hay ho gì nhưng chị thích lắm. Với tôi, nó không hẳn chỉ là một cái tên, còn là câu chuyện đời đầy giông bão về người phụ nữ hay cười nhạt: “Chuyện của tao có gì mùi mà mày mê dữ thần! Nghe xong lại chê tao rẻ tiền thì khổ".
62 năm nay, nhưng nửa cuộc đời “trôi sông lạc chợ” có lẽ là ký ức đau buồn nhất. Đến giờ, chị vẫn nhớ như in, mỗi lần kể lại thấy hiển hiện như mới hôm qua, mới toanh. Chưa dứt chuyện đã kết lại bằng một hơi buồn dài đến đứt ruột. “Chị ngỡ đời mình như mơ vậy. Nhưng là một giấc mơ te tua. Nhiều đêm thức giấc còn phải vờ véo mình thật đâu để biết rằng hôm nay còn sống hay đã chết mà!” – chị gọn lỏn.
Má có 4 đời chồng, ba thêm 6 bà vợ, tự lúc 7 tuổi, Tâm đã một mình nuôi 3 đứa em nheo nhóc. Ký ức về cái cù lao bên kia sông, đâu ở làng Bình Hưng, tỉnh Gia Định nơi chị gọi là quê, giờ chỉ còn dám nhớ mang máng.
Đến năm 1965, chị quyết định khăn gói vô Sài Gòn tìm má. Chuỗi ngày lê thê nằm lề đường đã dạy đứa trẻ lên 10 như chị phải ăn cắp, phải giành giựt để không bị chết đói.
Những ngày tháng lang thang đói khát, trong giấc ngủ chập chờn, có hôm đang co quắp, hai hàm răng đánh nhau cầm cập lại bị dân giang hồ lấy giỏ tre đập lia lại lên đầu, chị Tâm đâm ra khôn hẳn.
- Chị nhận ra muốn sống là phải đấu tranh, phải mạnh, và phải là giang hồ như chúng nó. Nghĩ tủi nhục còn đâm ra hận ba. Hận má. Hận cả đời mình nữa chứ. Thế là, ở tuổi đôi mươi chị bắt đầu tụ tập ăn chơi, quậy phá, nhảy đầm, rồi xì-ke…
Chị Tâm còn nhớ rõ mồn một cái ngày trọng đại mà chị hay bảo “cột mốc làm lại cuộc đời”. Đó là ngày 24 tháng 4 năm 1991, nay đã hơn 25 năm có lẻ. Đêm đang ngồi ở khu vực rạp hát Olympic cũ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, thì có hai nhân viên công tác xã hội đến tiếp cận, nói chuyện HIV, sida các kiểu. Chị tức lắm, chửi bới, chọi đá toét cả đầu. Tụi nó hổng thèm bỏ, đêm nào cũng tìm đến, ngồi cạnh, đặt ở gốc cây bàng 3 điếu thuốc với ly café đen rồi lẵng lặng ra về.
“Tự nhiên chị thấy nhột, nhiều đêm vắt tay lên trán nghĩ hoài. Vì đó là lần đầu tiên chị không phải giành giật mà vẫn có ăn. Rồi có bữa, phóng xe tông bể bánh một bà chở bắp, chị sợ quá tính tuồn. Mấy đứa công tác xã hội lại giúp đỡ xe, thuốc thang cho bả. Bà già chảy máu mà hổng la rầy còn gật đầu cảm ơn lia liạ. Chị mới cảm nhận là người tốt vẫn còn, và chính khoảnh khắc đó chị cũng quyết thay đổi đời mình. Chị quyết cai thuốc, quyết làm lại đời mình".
Nhưng đâu phải ai muốn làm người tốt cũng dễ dàng. Nhiều lần đi tiếp cận thất bại, chị còn bị chửi đồ đạo đức giả. Dằn vặt. Đắn đo. Rồi giằng xé dữ lắm. Nhưng nghĩ lại con xì-ke còn rùng mình hơn nên chị vẫn đeo đuổi công việc xã hội này tới cùng. “Sau này, vô số đứa chị giúp đã trở về được cuộc sống, chồng vợ, con cái đùm đuề. Thấy mình có ích, chị lại ham sống, ham giúp đỡ hơn nữa. Ngày vào tận động mại dâm cứu tụi con gái bị lừa bán, hôm giải thoát cho đám nhóc bị bóc lột sức lao động. Đứa nào còn nhớ quê chị dắt về gửi trả, đứa nào mồ côi cứ ở hẳn đây với chị. Chị nhận hết” – chị vui vẻ khoe.
Cũng trong lần tiếp cận chị không may bị H (HIV/AIDS), giờ đi đâu cũng phải kè kè hộp thuốc. Vậy mà chị vẫn tỉnh rụi: “Sinh nghề tử nghiệp mà, chị không giúp thì ai giúp nữa”. Với chị, căn bệnh H cũng bé tẹo như một cơn cảm cúm, một trận ho liệt giường rồi lại tỉnh. Chị sợ mắc căn bệnh lạ hơn, mà tôi hay gọi: Đó là bệnh thèm người, thèm giúp đời.
Người mẹ của hơn một nghìn đứa con
Bởi mắc cái bệnh thèm giúp đời, mà hơn 30 năm nay, chị vẫn đều đặn đạp con xe đi khắp ngõ ngách Sài Gòn tìm gặp, cứu giúp và cưu mang những đứa trẻ đường phố. Hơn cả sự đồng cảm, chị yêu quý những tụi mồ côi, nghiện ngập, hay nhiễm H… ấy bằng cả trái tim của một người mẹ.
“Chị hổng có phúc để được sinh nở lần nào. Nhưng chị lại lấy vui vì lúc nào cũng có tụi nó ở cạnh. Vì mê mấy tiếng “má” gỏn lọn từ thằng N. ương ngạnh từng đòi "đâm chết con Tâm”, ngọt như kẹo của con O. từng chửi chị là “đồ bà già ác độc”, cho đến cái giọng ngọng ngọng, lẹo lưỡi, líu ríu của thằng T., D.,… nên chị chịu khổ vậy". – chị xuề xòa bảo.
Cuối cùng, gom góp mãi cũng được một khối tài sản kết xù rồi ấy chứ: Đó là cái danh hiệu người phụ nữ có nhiều con nhất Việt Nam, đùm đuề đến tận hơn 1000 đứa từ Bắc vào Nam.
Nhờ có má Tâm, nhiều đứa không-cha-không-mẹ đã có cơ hội làm lại đời, được trưởng thành và sống một cuộc đời bình thường như bao người khác. Cứ thế, trong căn nhà thuê ọp ẹp dăm chừng 20m vuông trên đường Lê Đức Thọ, luôn ngập tràng tiếng cười của những đứa trẻ đường phố, ngày ngày quấn quýt bên chân một bà lão đã ngoài 60, gọi bằng “má” – nghe ngọt xớt.
Chị khoe: Trong lần tiếp cận ổ mại dâm gần đây, chị may mắn giải thoát được cho con O. (mới 15 đã bị lừa bán). Hôm khăn gói cho nó về quê. Chị đưa ra tận bến đò, móc trong tui đưa cho nó 100 ngàn làm lộ phí. Con nhỏ đòi về dưới rồi sẽ viết thơ lên thăm má. Thế là chị gắt: “Về là về luôn, đừng có gọi điện liên lạc, đừng có nhớ má mà lên lại Sài Gòn. Quên má, quên luôn Sài Gòn đi mới làm lại cuộc đời được…”. Những lời cuối cùng chị đay nghiến khiến con nhỏ khóc thút thít, chị cũng chỉ đành lòng bỏ đi. Nhưng rồi lại vui, nó không gửi thơ lên thăm nhưng chị vẫn đều đặn nghe ngóng tin nó. Coi bộ vớ được anh đại gia, giờ cũng đã có hai đứa con xinh xắn rồi nên chị yên tâm lắm.
Còn con L.- đứa mà chị thương nhất, cất công lụm từ bìa rừng Đồng Nai lúc mới 3 tuổi rưỡi lại là những chuỗi ký ức buồn trong chị. Ngày nhặt về, con bé còn nằm co rúm trong mớ chăn đụp trên xác mẹ nó đã cứng đơ. Bé tẹo như con chuột, vậy mà bệnh tật nhiều vô kể: nào là tim bẩm sinh, nào là dạ dày, rồi còn thêm căn H (HIV/AIDS). Người ta chê hổng dám nhận nuôi. Không nuôi thì đưa chị, chị đem về nuôi tất.
“Mang bệnh, nó phải ra ra vào vào bệnh viện đều như ăn cơm bữa. Mấy lần vào thuốc, mắt mày tím tái, thở hổn hểnh thế mà nó chỉ dám hở răng rên ư ự. Đau lắm lại quay mặt đi lẵng lặng khóc. Nó sợ chị buồn.
Năm lên 15, bệnh trở nặng, người ta trả về bảo hết thuốc chữa. Nhiều ngày liền chị không chợp nổi mắt vì sợ nó bỏ chị đi bất chợt. Đêm cuối cùng, còn máy thở, ống dây nhợ chằng chịt, nó vẫn lôi sách vở ra xem bài. Nó bảo với chị là sắp lên lớp 10 nên phải chăm chỉ. Thế mà ác thật, chưa kịp khai giảng, chưa mặc áo mới, nó đã lẵng lặng bỏ má, bỏ anh em đi mất. Dù đã chuẩn bị sẵn việc đón nhận việc bé Lý ra đi, nhưng chị mất cả năm mới tin đó là sự thật". Đang nhắc về cái L. bỗng dưng giọng chị chùng xuống - "29.9 này là tròn 2 ngày nó mất. Mới đó lẹ ghê!".
Cứ vậy, mỗi lần nhắc lại, hay đâu đâu nghe loáng thoáng cái giọng ngọt như kẹo kêu “Má”, chị lại nhớ con L., lại như còn nghìn mũi dao cứa vào tim, nghe rát rạt.
Đã xập xệ gần 65 tuổi, vậy mà lúc tôi đề cập đến ngày nghỉ hưu, chị lại phủi tay hùi hụi. Hàng ngày, trên những con đường Sài Gòn, bóng dáng người phụ nữ nhỏ bé ấy vẫn ì ạch con xe máy cũ đi tìm tụi trẻ mồ côi, vẫn càm ràm mấy đứa con giấu má đi bán vé số… Vẫn buồn, vẫn vui, và vẫn lủi thủi một mình lôi cuốn sổ ảnh của tụi nhỏ ra xem rồi nghẹn ngào – “Bình Hưng Hòa có gì tốt đẹp mà tụi nó bỏ má đi nhiều quá!”.
Dành cả cuộc đời để cho những đứa trẻ không cha không mẹ, chị cũng chẳng có ước mơ gì cho riêng mình. Hỏi ra, chị lại gọn lỏn: "Đừng có mau chết, chớ tao đi rồi bỏ tụi nhỏ cho ai?". Rồi lại cười, nụ cười như mếu.
Ít ai ngờ rằng, người phụ nữ cao dăm mét tư, hay cười lắm, chửi tục thì số dzách đang ngồi cạnh tôi đêm ấy lại từng có một cuộc đời dài dằng dặc. Đầy đau thương. Và nhiều nước mắt nhường thế. Và nếu tôi có chợt xót xa cho cái kiếp đàn bà mà lủi thủi, mà cô độc, truân chuyên quá thể ấy, thì nhìn sự quyết liệt, mạnh mẽ của chị, tôi lại tự hiểu rằng. Cuộc đời này, vốn đã không nâng niu chị có một cuộc sống bình yên thường nhật những người phụ nữ khác, nhưng lại đem cho chị cái niềm vui được bao bọc, che chở và yêu thương hàng nghìn đứa con nít tủi phận từ Bắc vô Nam. Vậy chẳng phải, đó đã là một sự hạnh phúc, đủ đầy, thoả mãn cái gọi là "bệnh thèm giúp đời" vẫn đang ngày ngày dằn vặt chị đó sao?
Thôi thì, mỗi người một phận, cái phận kiếp này của Tâm sida, trót luẩn quẩn với những mảnh đời tối tăm bất hạnh rồi... “Ở đâu đó giữa Sài Gòn vội vã, vẫn có những con người nhỏ bé nhưng lại rộng lớn quá chừng!”.
"Tâm xanh xao, ốm yếu, gầy nhom, nhưng mạnh mẽ, quyết liệt, thẳng thắn và trung thực quá chừng. Có khi thấy Tâm hớt hải chạy đi xin một tờ giấy giới thiệu, lá thư tay để kịp đưa một bé vào bệnh viện, có khi hỏi cho ít tiền để mua vé xe đò cho một em bé gái vừa thoát khỏi ổ mại dâm...Hay hôm viết hồi ký cũng chỉ để thêm cơ hội "kiếm chút đỉnh tiền nuôi các con nheo nhóc của mình". Có một cái gì đó, một cái "nghiệp" - đã thúc đẩy Tâm tự đem mình trải nghiệm nỗi gian truân của cuộc đời để rồi từ đó mà có tấm lòng vị tha, có bàn tay nhân ái, cưu mang bao cảnh đời tối tăm, nghiệt ngã như thế." - Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc (Nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM) cho biết. |