Tâm lý học chỉ ra nguyên nhân vào phòng thi là kiến thức “chạy trốn”

15:21 03/10/2023

Các bạn trẻ chắc hẳn sẽ chẳng còn xa lạ với những kỳ thi từ nhỏ đến lớn. Thế nhưng, dù đã ôn tập kỹ càng, chuẩn bị mọi thứ đâu vào đó thì khi vào phòng thi nhiều bạn đột nhiên không nhớ kiến thức đã học. Vậy đâu là nguyên nhân của hiện tượng đó?

 
Nhiều người vào phòng thi là quên sạch những gì đã học trước đó. (Ảnh minh họa: Pinterest)
Nhiều người vào phòng thi là quên sạch những gì đã học trước đó. (Ảnh minh họa: Pinterest)

Ôn rất kỹ nhưng vào phòng thi lại “vò đầu bứt tai”

Bạn đã từng trải qua cảm giác ôn tập rất kỹ, tự tin bước vào phòng thi nhưng khi bắt đầu tính giờ làm bài bạn lại đột nhiên không nhớ gì chưa? Những lúc đó, dù đọc đề thi rất quen, nhớ mình đã từng học thế nhưng “vò đầu bứt tai” đến như nào cũng không thể ra được đáp án. 

 
Câu hỏi quen thuộc nhưng "vò đầu bứt tai" cũng không nghĩ ra được đáp án. (Ảnh minh họa: Vecteezy)
Câu hỏi quen thuộc nhưng "vò đầu bứt tai" cũng không nghĩ ra được đáp án. (Ảnh minh họa: Vecteezy)

Đặc biệt là trong các kỳ thi vấn đáp, trường hợp này lại càng phổ biến hơn. Dù đã ôn tập hết cả mớ tài liệu nhưng khi đứng trước thầy cô, bạn vẫn có thể ấp úng không trả lời được câu nào. Lúc này, nhiều người dường như "đóng băng", không thể tiếp nhận được bất kỳ thông tin nào mà thầy cô đưa ra, dù rằng đó là những câu hỏi quen thuộc và đã từng học trước đó.

Huyền Trang, sinh viên năm nhất chia sẻ: “Dù đã ôn tập gần như hết tất cả những câu hỏi trong bộ đề cương nhưng khi vào phòng thi kiến thức dường như bay sạch. Mình chỉ nhớ là đã học câu đó nhưng đáp án dường như vụn vặt, rời rạc, không thể chắp nối thành một câu trả lời hoàn hảo”.

 
Ôn tập kỹ càng nhưng vào phòng thi kiến thức lại như mới. (Ảnh minh họa: pngtree)
Ôn tập kỹ càng nhưng vào phòng thi kiến thức lại như mới. (Ảnh minh họa: pngtree)

Nguyên nhân khiến kiến thức “chạy trốn”

Hiện tượng mà não như "đóng băng", kiến thức bay sạch chính là biểu hiện của performance anxiety (rối loạn lo âu). Càng lo lắng, áp lực khi làm những điều quan trọng thì càng khiến bạn dễ mắc sai lầm. 

Kiến thức “chạy trốn” dù bạn đã ôn tập rất kỹ đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Đầu tiên là do não chưa quen với môi trường căng thẳng. Trong quá trình ôn tập ở nhà, bạn không bị áp lực bởi bất kỳ điều gì nên tinh thần thoải mái học tập, phát huy tối đa khả năng ghi nhớ.

Thế nhưng, khi bước vào phòng thi, đối diện với môi trường xa lạ, áp lực, não bạn sẽ rơi vào trạng thái nhận thức nóng (hot cognition). Điều này khiến não đưa ra những phản ứng cảm xúc nhiều hơn, lấn át lý trí và vô tình khiến việc xử lý thông tin diễn ra chậm hơn, kiến thức đã học trước đó bỗng tan biến.

 
Ôn tập ở nhà rất thoải mái, không áp lực như trong phòng thi. (Ảnh minh họa: Domino)
Ôn tập ở nhà rất thoải mái, không áp lực như trong phòng thi. (Ảnh minh họa: Domino)

Với nhiều người, kỳ thi còn như một mối đe dọa lớn, có thể khiến bạn bị bố mẹ mắng, trượt trường yêu thích… Chính điều này khiến não nhận thức về kỳ thi như một mối đe dọa lớn. Do đó, khi cảm nhận được mối lo sợ này, não sẽ sản sinh ra các hormone norepinephrine và cortisol và vô tình làm giảm khả năng xử lý thông tin, xóa sạch trí nhớ làm việc khiến bạn chẳng còn nhớ về những gì đã học trước đó. 

 
Nỗi sợ cũng khiến bạn bỗng "mất não" trong phòng thi. (Ảnh minh họa: Pinterest)
Nỗi sợ cũng khiến bạn bỗng "mất não" trong phòng thi. (Ảnh minh họa: Pinterest)

Nguyên nhân cuối cùng khiến kiến thức “chạy trốn” khi bước vào phòng thi là do tình trạng “nước đến chân mới nhảy”. Sát ngày thi, nhiều sĩ tử cố gắng nhồi nhét đống kiến thức khổng lồ khiến não khó có thể phân loại, sắp xếp thông tin. Đây chính là lý do cho việc “mất não” khi làm đề. Bạn dường như không thể nhớ được bất kỳ câu nào mà chỉ có thể làm theo cảm tính. 

 
Học nhồi nhét cũng khiến kiến thức "chạy trốn" trong phòng thi. (Ảnh minh họa: Creative Market)
Học nhồi nhét cũng khiến kiến thức "chạy trốn" trong phòng thi. (Ảnh minh họa: Creative Market)

Để kiến thức không “chạy trốn” khi vào phòng thi

Trên thực tế, hầu như sĩ tử nào cũng một lần trải qua cảnh “mất não” khi vào làm bài thi. Để tránh trường hợp này xảy ra, bạn hãy để não làm quen với sự căng thẳng của phòng thi thật trước đó. Chẳng hạn như bấm giờ, giữ không gian yên tĩnh, lên lịch làm đề thi đúng với giờ thi thật. 

Bên cạnh đó, hãy chú ý ăn uống, nghỉ ngơi điều độ để não không bị quá tải, có thời gian nghỉ dưỡng sức để đủ minh mẫn, “triệu hồi” kiến thức khi cần.

 
Hãy tạo môi trường phòng thi trước đó để não làm quen với căng thẳng. (Ảnh minh họa: Freepik)
Hãy tạo môi trường phòng thi trước đó để não làm quen với căng thẳng. (Ảnh minh họa: Freepik)

Khi vào phòng thi, nếu cảm thấy căng thẳng, hãy hít vào thật chậm, sâu rồi thở ra từ từ. Lặp đi, lặp lại động tác này vài lần sẽ giúp giảm bớt căng thẳng của não, giúp việc xử lý thông tin diễn ra nhanh chóng hơn. Đặc biệt, đừng quên gửi vài lời động viên, trấn an bản thân để có thể vững tâm khi bước vào phòng thi. 

 
Hãy tự trấn an bản thân, đừng tạo áp lực cho chính mình. (Ảnh minh họa: BuzzFeed)
Hãy tự trấn an bản thân, đừng tạo áp lực cho chính mình. (Ảnh minh họa: BuzzFeed)

Kiến thức “chạy trốn” không phải hiện tượng quá xa. Nó xuất phát từ tâm lý lo sợ cũng như đến từ việc học nhồi nhét trong thời gian ngắn. Hãy chủ động ôn tập sớm, chia nhỏ từng phần và tập làm quen với môi trường phòng thi. Chắc chắn việc “mất não” sẽ không còn xảy ra nếu bạn áp dụng được những mẹo trên.

Kiến thức "chạy trốn" trong phòng thi là một hiện tượng tâm lý khi não rơi vào môi trường xa lạ, cảm thấy căng thẳng hay có mối nguy hiểm rình rập. Trong lúc này, não sẽ tốn thời gian xử lý hơn, khiến bạn rơi vào vòng lặp không biết chọn đáp án nào dù đã học rất kỹ trước đó.

Để tránh tình trạng "rơi não" trong phòng thi, bạn hãy chủ động ôn tập sớm, chia nhỏ kiến thức, tuyệt đối không nhồi nhét. Bên cạnh đó, hãy để não làm quen trước với môi trường phòng thi cũng như luôn động viên, trấn an bản thân mình, tránh để não quá căng thẳng.