Việc sử dụng mỹ phẩm là nhu cầu cần thiết của nhiều người, đặc biệt là phụ nữ. Tuy nhiên trên thị trường hiện nay có rất nhiều hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng, sẽ gây ra những tác hại khó lường cho sức khỏe người dùng.
Mới đây, lực lượng chức năng ở Bình Định vừa phát hiện và thu giữ một lượng lớn mỹ phẩm tự pha trộn, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Mỹ phẩm được bày bán tràn lan ở chợ (Ảnh: 24h)
>>Xem thêm: Cách phân biệt nước rửa tay thật và hàng giả kém chất lượng
Phát hiện lượng lớn mỹ phẩm tự pha trộn
Thông tin do Tiền Phong đăng tải, Cục Quản lý thị trường Bình Định hôm 27/5 đã phối hợp với Đội 3, Phòng PC03, Công an tỉnh tiến hành khám một xe tải ở thôn Vĩnh Bình, xã Mỹ Phong, huyện Phú Mỹ. Được biết, chiếc xe do ông H.T.C điều khiển đến đang đợi bốc hàng hóa tại xưởng sản xuất của bà N.T.U.Y
Tại hiện trường, cơ quan chức năng đã phát hiện 210 lọ nhựa, đựng bột (có mùi bột đậu), 95 bì thuốc trị nám gia truyền, 849 lọ và viên nhộng là kem trộn các loại. Tất cả số hàng đều không có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ.
Lực lượng chức năng tiến hàng kiểm tra xe tải đang đợi bốc hàng ở Bình Định (Ảnh: Tiền Phong)
Thu giữ nhiều tang vật dùng để sản xuất kem trộn
Qua làm việc với chủ hàng là bà N.T.U.Y, Đội trưởng đội Quản lý thị trường số 3 đã quyết định kiểm tra nơi sản xuất kem trộn ở thôn Vĩnh Bình, xã Mỹ Phong, huyện Phú Mỹ, tỉnh Bình Định
Trên một khu đất trống, có mái tôn che rộng hơn 50m2, đội Quản lý thị trường đã phát hiện nhiều nguyên liệu dùng để sản xuất kem trộn không có hóa đơn chứng từ, bao gồm: 3kg nhãn hàng hóa in sẵn để gắn vào các sản phẩm kem trộn sau khi thành phẩm, 3,4kg bột màu vàng, đen, 63 lọ/chai kem trộn có dán nhãn sản xuất ở nước ngoài. Cùng với đó là rất nhiều dụng cụ dùng để sản xuất kem trộn như chậu, cân điện tử, muỗng, vỏ bao bì chứa nguyên liệu.
Đội Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã tạm giữ toàn bộ số tang vật kể trên để tiến hành xác minh và sẽ đưa ra biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Uớc tính, số tang vật bị tạm giữ có giá trị lên đến hơn 100 triệu đồng.
Đội Quản lý thị trường thu giữ số mỹ phẩm không rõ nguồn gốc (Ảnh: Tiền Phong)
>>Xem thêm: Bắt giữ số lượng lớn nguyên liệu trà sữa nhập lậu tại Hà Nội
Hà Nội cũng phát hiện nhiều mỹ phẩm thiếu hóa đơn, chứng từ
Trước đó, ngày 20/5, tại Hà Nội, Đội Quản lý thị trường số 14 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) cũng kiểm tra và bắt giữ số mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Được biết, đây là một cơ sở kinh doanh hàng hóa mỹ phẩm thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Tại hiện trường, cơ quan chức năng yêu cầu cơ sở đang kinh doanh mỹ phẩm xuất trình giấy phép đăng ký kinh doanh, nhưng không có. Ngoài ra, Đội Quản lý thị trường số 14 còn phát hiện và thu giữ 1.812 sản phẩm bao gồm: sữa rửa mặt, nước hoa, phấn nước, bột dưỡng trắng da... Theo chủ cửa hàng, số hàng đều được sản xuất từ nước ngoài, tuy nhiên, người này không đưa được hóa đơn chứng từ chứng minh xuất xứ.
Tất cả lô hàng đã bị lực lượng chức năng niêm phong, thu giữ để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Ước tính, toàn bộ số mỹ phẩm vi phạm có giá trị khoảng 478 triệu đồng.
Đội Quản lý thị trường số 14 kiểm tra và thu giữ số mỹ phẩm không rõ nguồn gốc tại Hà Nội (Ảnh: Doanh nghiệp Việt Nam)
Những hiểm họa khó lường của mỹ phẩm kém chất lượng
Nhiều chuyên gia, bác sĩ da liễu đã cảnh báo về tác hại khôn lường của những loại mỹ phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Những sản phẩm này không những không đáp ứng được nhu cầu làm đẹp của chị em, mà còn có thể gây nguy hiểm tới tính mạng. Bởi trong sản phẩm tự trộn, làm giả, làm nhái thì thường là những chất, hóa chất dễ gây kích ứng, làm tổn thương da.
Theo Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM, bác sĩ Phạm Hồng Hải đã cảnh báo về việc sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng. Theo bác sĩ, mỹ phẩm giả có chứa kim loại nặng hoặc thủy ngân, do đó, nếu sử dụng lâu có thể khiến da bị ngộ độc. "Có nhiều trường hợp người dùng phải nhập viện, để lại di chứng về sau hoặc điều trị không hết", bác sĩ Phạm Hồng Hải cho biết.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, mỹ phẩm giả thường không có những chất bảo vệ da, hoặc khi dùng trên da, các thành phần do không được nghiên cứu kỹ càng sẽ phản ứng với nhau, gây ra kích ứng da. Bên cạnh đó, mỹ phẩm kém chất lượng, làm giả cũng không qua khâu kiểm nghiệm nào nên khó có thể đảm bảo an toàn cho những loại da khác nhau.
Một cơ sở kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc bị xử phạt (Ảnh: Bộ Công thương)
>>Xem thêm: Mì chính giả được tiêu thụ hàng tấn mỗi tháng khắp Hà Nội
Để không mua phải mỹ phẩm kém chất lượng người tiêu dùng cần tới những địa chỉ kinh doanh uy tín, có bảo hành và giấy tờ chứng minh nguồn gốc rõ ràng. Ngoài ra, người dùng cũng cần chung tay với lực lượng chức năng để có thể phát hiện và loại bỏ những xưởng sản xuất hàng nhái, hàng giả.
Bạn nghĩ như thế nào về việc lượng lớn mỹ phẩm tự pha trộn bị bắt giữ, cho chúng mình biết ý kiến tại YAN Netizen nhé!
Cùng cập nhật những thông tin mới nhất trên YAN nhé!
(Theo Tiền Phong, Doanh nghiệp Việt Nam, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam)
Các dấu hiệu thường thấy khi da bị kích ứng, dị ứng với mỹ phẩm
Khi da bị kích ứng, dị ứng với mỹ phẩm, người bệnh thường có các dấu hiệu như ngứa, nổi mẩn đỏ, cảm giác châm chích, nổi nụn, bóng nước, sưng phù, bỏng rát...
Ngoài ra, đối với một số mỹ phẩm kém chất lượng, khi sử dụng, da của người dùng có thể sưng tấy, lở loét, bong tróc vẩy và đau nhức toàn thân. Những biểu hiện này thường đến chỉ sau khi sử dụng mỹ phẩm một vài phút hoặc nhiều giờ.
Gặp những dấu hiệu trên, người dùng cần ngưng ngay việc sử dụng mỹ phẩm, tuyệt đối không đổi sang loại khác. Đồng thời không nên điều trị tại nhà mà hãy tới các trung tâm da liễu để được những bác sĩ có chuyên môn thăm khám và điều trị.