Tài xế uống 2 chén rượu bị phạt 7 triệu, tước bằng lái 23 tháng

18:00 02/01/2020

Trong ngày 2/1 nhiều trường hợp đã bị xử lý vi phạm giao thông theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.

 
CSGT tiến hành kiểm tra nồng độ cồn (Ảnh: 24h)
CSGT tiến hành kiểm tra nồng độ cồn (Ảnh: 24h)

>>Xem thêm: Từ ngày 1/1/2020 sẽ nghiêm cấm xúi giục, lôi kéo uống rượu bia

Uống 2 chén rượu bị phạt 7 triệu đồng: "Tôi không bao giờ dám uống rượu lái xe nữa"

Trên địa bàn Hà Nội trong ngày hôm nay (2/1) đã triển khai nhiều Tổ Tuần tra kiểm soát giao thông để đồng loạt thực hiện xử lý vi phạm giao thông theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

 
Ông Duyên vi phạm 0,489miligam/lít khí thở (Ảnh: ATGT)
Ông Duyên vi phạm 0,489miligam/lít khí thở (Ảnh: ATGT)

Tại nút giao thông Hàng Cót - Phan Đình Phùng, Tổ tuần tra kiểm soát gồm 4 Thượng úy Ngô Văn Tâm (Tổ trưởng), Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Văn Thanh và Vũ Đình Quân. Trong chiều cùng ngày, chiếc xe máy mang BKS 29R9-08** đã bị tổ yêu cầu dừng lại để kiểm tra. Người điều khiển phương tiện là ông Nguyễn Văn Duyên (1963, ngụ Thị trấn Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội) chở theo một người "bạn nhậu" phía sau.

Khi được yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, ông Duyên khá bất ngờ. Kết quả cho thấy, ông Duyên vi phạm 0,489miligam/lít khí thở. Với lỗi vi phạm này, ông Duyên đã bị lập biên bản xử lý hành chính 7 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 23 tháng. Trước mức phạt này, ông Duyên thở dài cho biết ông chỉ uống 2 chén rượu với bạn nào ngờ mức phạt lại cao vậy: "Thế này thì tôi không bao giờ dám uống rượu lái xe nữa".

 
Nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong ngày 2/1 (Ảnh: ATGT)
Nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong ngày 2/1 (Ảnh: ATGT)

Chỉ trong vòng 20 phút, Tổ Tuần tra kiểm soát dừng kiểm tra 4 tài xế thì cả 4 người đều vi phạm nồng độ cồn. 

CĐM: "Uống vui chén rượu là mất ngay cái Tết"

Trong những ngày đầu năm 2020, những quy định mới được đưa vào áp dụng đã được người dân đặc biệt quan tâm nhất là quy định về việc uống rượu bia khi lái xe. Rất nhiều người đã ủng hộ luật này, cho rằng nó là mức răn đe cứng rắn đối với các tài xế bởi đã có quá nhiều sự việc thương tâm xảy ra cho tài xế uống rượu bia khi lái xe.

 
Bình luận của CĐM (Ảnh: Chụp màn hình)
Bình luận của CĐM (Ảnh: Chụp màn hình)

"Phạt nặng thế cho nhớ. Nhiều ông cứ nghĩ uống 1, 2 chén không sao nhưng mà có biết đâu cứ có tý men trong người là không kiểm soát được hành vi rồi", bạn T.A bình luận.

"Uống vui 1, 2 chén rượu là vợ con ở nhà mất luôn cái Tết. Các ông liệu đấy mà đi đứng, lại còn bị tước giấy phép lái xe gần 2 năm nữa. Đòn đau mới nhớ lâu", bạn Q. cho biết.

"Thôi giờ cứ uống xong gọi xe ôm, taxi về cho lành. Mất vài chục thậm chí vài trăm về nhà còn hơn mất cả mấy triệu bạc còn bị tước bằng lái thì biết đi làm bằng cái gì", bạn P. bình luận.

>>Xem thêm: Cùng sao Việt cam kết “Đã uống rượu bia - Không lái xe”

Sau khi uống rượu, bia bao lâu mới được lái xe?

Vẫn biết rằng uống rượu bia thì không được lái xe nhưng sau bao lâu thì bạn có thể điều khiển phương tiện trở lại? Điều này không phải ai cũng biết.

 
Một số thông tin xử phạt (Ảnh: Luật giao thông)
Một số thông tin xử phạt (Ảnh: Luật giao thông)

Việc sau bao lâu được lái xe phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố trong đó lượng rượu, bia mà bạn uống đóng vai trò quan trọng. Một số thông tin bạn nên lưu ý:

- Sau 6-12h, nồng độ cồn vẫn đo được trong máu.

- Sau 12-24h, nồng độ cồn vẫn đo được trong khí thở.

- Sau 36h vẫn đo được trong nước tiểu và sau 72h vẫn đo được khi xét nghiệm mẫu tóc.

Hiện nay việc kiểm tra nồng độ cồn được CSGT thực hiện trên phương đo qua ống thở. Vì vậy sau 24h bạn vẫn có thể bị phát hiện còn nồng độ cồn. Trường hợp người gặp tai nạn giao thông sẽ được bác sĩ tiến hành lấy mẫu máu để xác định nồng độ cồn.

Ăn vải, uống thuốc ho cũng có thể bị dính lỗi nồng độ cồn

Nhiều loại hoa quả như vải, nho, dứa, táo, xoài nếu để lâu sẽ bị lên men rồi chuyển hóa thành rượu. Ai ăn phải sẽ khiến nồng độ cồn trong máu tăng lên. 

Nếu ăn phải quả vải có lượng đường lên men khi thổi vào máy đo nồng độ cồn, máy sẽ báo có cồn khiến bạn bị xử phạt bởi máy đo nồng độ cồn không xác định đối tượng uống rượu bia hay không mà rất nhạy cảm với cồn. 

Vì vậy các tài xế nên tránh ăn nhiều những loại quả như trên hoặc xúc miệng kỹ sau khi ăn, nghỉ ngơi từ 30 - 60 phút để lượng cồn bay hết trước khi điều khiển phương tiện.

Không chỉ xe máy, ô tô, người lái xe đạp uống rượu bia cũng có thể bị xử phạt tới 600.000 ngàn đồng...>>Đọc thêm!