Tài xế 17 tuổi lái xe tải gây tai nạn kinh hoàng, 3 người nguy kịch

21:44 05/09/2016

Nam thanh niên mới 17 tuổi điều khiển xe tải khi đang ôm cua thì bất ngờ mất lái tông vào hàng loạt xe máy khiến nhiều người nguy kịch.

Vụ tai nạn giao thông kinh hoàng xảy ra vào khoảng 7g30 ngày 5/9, trên đường Thuận Giao 21 (phường Thuận Giao, TX Thuận An, Bình Dương).


Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Internet
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Internet

Theo thông tin ban đầu, vào thời điểm trên, nam thanh niên Trần Thanh Tế (17 tuổi, ngụ Kiên Giang) điều khiển xe tải lưu thông theo hướng từ đường Mỹ Phước Tân Vạn vào Khu chung cư Thuận Giao. Khi chiếc xe tải đang ôm cua rẽ vào đường Thuận Giao 21 thì bất ngờ bị mất lái, lao sang làn đường ngược lại, tông thẳng vào 2 xe máy do 2 cô gái và 1 nam thanh niên điều khiển.

Tài xế 17 tuổi lái xe tải gây tai nạn kinh hoàng, 3 người nguy kịch


Dù mới 17 tuổi, chưa có bằng lái xe, nhưng Tế vẫn điều khiển xe tải và gây tai nạn kinh hoàng. Ảnh: Internet
Dù mới 17 tuổi, chưa có bằng lái xe, nhưng Tế vẫn điều khiển xe tải và gây tai nạn kinh hoàng. Ảnh: Internet

Cú tông kinh hoàng khiến cả 3 ngã ra đường. 1 trong 2 cô gái bị cuốn vào đuôi xe tải. Sau khi tông thẳng 2 chiếc xe máy nói trên, xe tải điên tiếp tục lao về phía trước, ủi vào 1 xe máy khác do một người đàn ông trung niên điều khiển. Chiếc xe tải chỉ chịu dừng lại khi lao vào bãi đất trống bên đường.

Tại hiện trường, vụ tai nạn khiến 2 cô gái và người đàn ông trung niên bị thương nặng, được người dân đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Các xe máy của các nạn nhân bị hư hỏng rất nặng.

Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường tiến hành lập biên bản vụ việc. Điều đáng chú ý là xe tải này lại do tài xế Trần Thanh Tế chỉ mới 17 tuổi - chưa đủ tuổi để được cấp giấy phép lái xe - nhưng vẫn liều mạng điều khiển phương tiện. 

Hiện vụ việc vẫn đang được điều tra làm rõ.

Theo điều 58 Luật giao thông đường bộ quy định như sau:

Điều kiện của người lái xe tham gia giao thông

1. Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.

2. Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:

a) Đăng ký xe;

b) Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này;

c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này;

d) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Đối chiếu với quy định trên, nếu chưa xét yếu tố lỗi trong quá trình điều khiển phương tiện giao thông thì riêng việc người điều khiển phương tiện giao thông không có giấy phép lái xe là đã trái với quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Theo Điều 205, 202 Bộ luật hình sự quy định như sau:

“Điều 205. Tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ 

1. Người nào điều động hoặc giao cho người không có giấy phép hoặc bằng lái xe hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ
đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 3 năm tù.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2 – 7 năm tù.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5 – 12 năm tù.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm
chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm. 

Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ – Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009:

1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.