Tài khoản Facebook "bay màu": Đặt ra nhiều câu hỏi về lỗ hổng đạo đức

18:35 18/08/2021

Tối ngày 17/8, hàng nghìn tài khoản tại Việt Nam bị Facebook cáo buộc vi phạm Tiêu chuẩn cộng đồng. Những trường hợp này, nặng thì khóa vĩnh viễn, nhẹ sẽ bị chặn tính năng nhắn tin, bình luận, đăng bài trong vòng 7-30 ngày.

 
Tối ngày 17/8 hàng loạt tài khoản bị khóa. (Ảnh: Vietnamnet)
Tối ngày 17/8 hàng loạt tài khoản bị khóa. (Ảnh: Vietnamnet)

Người dùng bị khóa tài khoản được Facebook gửi thông báo, cụ thể: “Chúng tôi đã tạm ngừng tài khoản của bạn. Tài khoản của bạn hoặc hoạt động trên đó vi phạm Tiêu chuẩn cộng đồng của chúng tôi. Chúng tôi sẽ ẩn tài khoản của bạn với mọi người trên Facebook và bạn cũng không thể sử dụng tài khoản của mình.”

Người thường xuyên hỗ trợ các dịch vụ liên quan tới Facebook - ông Võ Nhật chia sẻ với Zing: “Chỉ trong khoảng 2 giờ đồng hồ, nhóm của tôi đã tiếp nhận hơn 100 yêu cầu hỗ trợ vì bị Facebook khóa tài khoản.” Theo ông, trước đây Facebook cũng từng có nhiều đợt quét, lần này nhạy cảm hơn khi liên quan tới vị thành niên nên phía “ông lớn” mới làm gắt.

Hiện tại, việc nhiều tài khoản bị khóa vì nguyên nhân gì vẫn chưa được xác thực. Tuy nhiên, nếu đúng như thông tin nhạy cảm đang lan truyền trên mạng thì đây quả thực là chuyện đáng lo ngại. Trước vấn đề này, Facebook Nguyen Son với gần 125 nghìn lượt theo dõi cho biết: “Vừa kiểm tra lại lượng follower của mình cũng thấy tụt vài trăm."

 
Bài đăng của Facebook Nguyen Son. (Ảnh: Chụp màn hình)
Bài đăng của Facebook Nguyen Son. (Ảnh: Chụp màn hình)

"Những bạn bè nhiều follow cũng thấy tương tự. Chứng tỏ con số tài khoản bị khóa có khi phải lên tới hàng chục ngàn. Mất nick này các bạn ấy có thể lập cái khác nhưng cái lỗ hổng về đạo đức và tiêu chuẩn cộng đồng thì không phải ngồi gõ phím điền vào ô trống là lấp đầy được.” - Facebooker này nhận định.

Chuyện lập một tài khoản Facebook hết sức đơn giản, chỉ cần một số điện thoại hay email mới. Trong vài phút ngắn ngủi, những người mất nick có thể tiếp tục công việc, giao lưu trên một tài khoản mới, họ không phải chịu quá nhiều tổn thất. Điều đáng nói đó chính là nhận thức về đạo đức bị "lấp liếm" bởi sự tò mò, hay lời đùa cợt của những người vô tình vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook.

 
Hãy là người văn minh khi sử dụng mạng xã hội. (Ảnh minh họa: Twitter)
Hãy là người văn minh khi sử dụng mạng xã hội. (Ảnh minh họa: Twitter)

Hậu quả đằng sau không chỉ việc xã hội bị “đầu độc” bởi nội dung bẩn mà còn là nỗi đau của nạn nhân và người thân, gia đình họ. Người ta vẫn thường lên mạng kêu gọi xoá bỏ những hành vi xấu, chê bai việc chưa tốt… Vậy thì, số tài khoản bị khoá được cho là vì vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng Facebook như vừa rồi phải chăng là minh chứng cho điều ngược lại. Thế mới biết, đôi khi con người ta chỉ làm theo bản năng để tìm niềm vui cho bản thân, thỏa mãn tính tò mò mà không tự nhận thức được rằng đang gây tổn thương cho người khác và đặc biệt là vi phạm pháp luật.

 
Facebook có thể được lập lại một cách dễ dàng. (Ảnh: Dân Trí)
Facebook có thể được lập lại một cách dễ dàng. (Ảnh: Dân Trí)

Nói về vấn đề này, nữ ca sĩ Thu Minh cũng từng chia sẻ: “Xin hãy đặt vị trí của chính mình, và người thân, con em các bạn vào trường hợp như vậy bạn sẽ thấy sao? Chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh, có tình người hay không, đều bắt nguồn từ ý thức sống và thái độ cư xử của mỗi chúng ta. Đừng để bất kì ai trong mỗi chúng ta sẽ trở thành nạn nhân của trò bất lương này.”

Đôi khi có những hành động chỉ đơn giản một nút gửi, like, share hay tò mò vào xem vài phút nhưng đối với người khác, đó là sự tổn thương sâu sắc. Chính vì vậy, hãy luôn thận trọng trước bất cứ nội dung nào mình muốn phát tán để bảo vệ người trong cuộc và giúp mạng xã hội ngày càng “sạch hơn”.

Cùng cập nhật nhiều thông tin hấp dẫn tại YAN.

XỬ PHẠT HÀNH VI PHÁT TÁN NỘI DUNG NHẠY CẢM

Luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Thanh) từng chia sẻ về mức độ xử phạt những hành vi phát tán nội dung nhạy cảm của người khác lên mạng.

Cụ thể, tùy thuộc vào mức độ sẽ bị xử phạt hình sự hay hành chính. Trong trường hợp phạt hành chính, số tiền người vi phạm phải nộp giao động từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng. 

Điểm b khoản 4 Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP đã quy định rõ về các trường hợp bị phạt.

Ngoài ra, trường hợp vi phạm nặng hơn có thể phạt 100 triệu đồng, phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm hoặc cải tạo không giam giữ 3 năm.

Hành vi phát tán nội dung nhạy cảm đáng bị lên án, chính vì vậy mỗi người cần nhận thức rõ hậu quả của việc làm này.

Xem chi tiết tại đây.