Sương mù bất ngờ bao phủ Sài Gòn như sáng ngày 8/11 thực chất là gì?

15:03 09/11/2017

Những trở ngại và tổn thất sương mù gây ra hàng năm cho cuộc sống con người là không hề nhỏ.

Sáng ngày 8/11, thành phố Hồ Chí Minh bị bao trùm bởi một màn sương mù dày đặc, mờ ảo gây khó khăn cho người dân khi tham gia giao thông. Sương mù trắng đục gần như xuất hiện tại tất cả các quận huyện từ nội thành đến ngoại thành. Các tòa nhà cao tầng gần như bị "biến mất" trong lớp sương mù dày đặc, tầm nhìn bị che khuất khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong việc lưu thông trên đường.

Vậy sương mù là gì? Và sương mù có liên quan gì đến ô nhiễm môi trường không?

Sương là hiện tượng hơi nước trong khí quyển ngưng kết lại thành những hạt li ti, lơ lửng trong không khí và làm giảm tầm nhìn của con người. Mù là hiện tượng tập hợp các hạt bụi, khói trong không khí, làm giảm tầm nhìn ngang xuống vài trăm hoặc vài chục mét nếu mù mạnh. Mù thường gắn với các nguyên nhân như cháy hoặc ô nhiễm môi trường.


Sương mù vẫn dày đặc dù đang giờ cao điểm vào sáng nay tại Sài Gòn, khiến tầm nhìn của người đi đường bị hạn chế rất lớn.
Sương mù vẫn dày đặc dù đang giờ cao điểm vào sáng nay tại Sài Gòn, khiến tầm nhìn của người đi đường bị hạn chế rất lớn.

Vào những ngày thời tiết chuyển mình, tại các tỉnh miền bắc thường có sương mù vào khoảng sáng sớm hoặc chiều tối. Đối với thời tiết chung tại nước ta, sương mù thường xuất hiện vào các tháng từ cuối mùa thu đến cuối mùa xuân, nhiều và mạnh nhất vào các tháng mùa đông. 

Không lãng mạn hay thơ mộng như nhiều người vẫn nghĩ, sương mù và mù đều là hiện tượng khí tượng nguy hiểm đối với giao thông vận tải đường bộ, đường sông, đường biển và hàng không. Những trở ngại và tổn thấy chúng gây ra hàng năm cho cuộc sống con người là không hề nhỏ. Việc sương mù và mù xảy ra với mật độ dày đặc, cường độ mạnh hơn đang báo hiệu cho vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Sương mù bất ngờ bao phủ Sài Gòn như sáng ngày 8/11 thực chất là gì?

Liệu chỉ có một dạng sương mù?

Sương mù chỉ xuất hiện khi độ ẩm trong không khí tương đối cao, trong khi đó nhiệt độ không khí lại thấp mà tốc độ gió lại yếu. Tùy theo điều kiện hình thành của từng loại sương mù mà chúng được chia thành các dạng khác nhau.

Sương mù bốc hơi

Sương mù bốc hơi được hình thành khi nhiệt độ ở mặt nước nhỏ hơn nhiệt độ của lớp không khí nằm trên nó. Sự bay hơi sẽ không xảy ra do sức trương hơi nước trong lớp không khí bên trên nhỏ hơn sức trương hơi nước ở mặt nước. Ngược lại, khi nhiệt độ của lớp không khí bên trên mặt nước nhỏ hơn nhiệt độ mặt nước, sự bay hơi tiếp tục xảy ra. Khi độ ẩm không khí phía trên đã đạt đến trạng thái bão hòa, lượng hơi nước thừa ngưng kết tạo thành sương mù.


Sương mù bốc hơi được hình thành khi nhiệt độ ở mặt nước nhỏ hơn nhiệt độ của lớp không khí nằm trên nó.
Sương mù bốc hơi được hình thành khi nhiệt độ ở mặt nước nhỏ hơn nhiệt độ của lớp không khí nằm trên nó.

Sương mù bình lưu

Sương mù bình lưu hình thành do một khối không khí nóng, ẩm di chuyển phía trên một bề mặt lạnh hơn, thường là mặt nước, khiến lớp không khí sát bề mặt lạnh đi và ngưng tụ tạo thành sương mù. Sương mù bình lưu còn được chia thành hai dạng: sương mù bình lưu nóng và sương mù bình lưu lạnh. Ở nước ta, hiện tượng sương mù bình lưu nóng thường xuyên diễn ra, từ biển Ðông đi vào đất liền trong các tháng mùa lạnh.

Sương mù bức xạ

Sương mù bất ngờ bao phủ Sài Gòn như sáng ngày 8/11 thực chất là gì?

Sương mù bức xạ là loại sương nằm sát mặt đất và thường tan hết sau bình minh. Chỉ khi bầu trời quang đãng, mặt đất nguội đi do quá trình bức xạ nhiệt, sương mù bức xạ mới được hình thành do lớp không khí phía trên mặt đất lạnh hơn so với ban ngày và không giữ được nhiều hơi ẩm. Hơi nước ngưng tụ lại thành những giọt sương, thường xuất hiện vào mùa thu và đầu mùa đông. 

Sương mù bức xạ hình thành theo từng nhóm, sương trên cao có thể nó nhập vào với mây tầng thấp, kéo dài sự tồn tại của nó.

Sương mù frônt


Sương mù tại Sài Gòn sáng ngày 8/11 là dạng hỗn hợp do mưa kết hợp với độ ẩm cao làm hơi nước ngưng tụ.
Sương mù tại Sài Gòn sáng ngày 8/11 là dạng hỗn hợp do mưa kết hợp với độ ẩm cao làm hơi nước ngưng tụ.

Sương mù dạng này thường xuất hiện khi các giọt nước mưa bay hơi, không khí gần mặt đất sẽ bão hòa, áp suất giảm nhanh, không khí giãn nở và trở nên lạnh hơn. Khi đó, hơi nước ở sát mặt đất dễ ngưng kết lại thành sương mù.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, thời tiết ẩm ướt sẽ khiến virus gây bệnh đường hô hấp phát triển mạnh mẽ, gây viêm mũi, viêm phổi, viêm đường hô hấp cấp... Bên cạnh đó, độ ẩm cao còn khiến nấm mốc phát triển, sương mù dày đặc còn lưu lại nhiều chất độc hại, bụi, khói trong không khí. Có thể thấy, không chỉ gây cản trở lớn cho giao thông, hiện tượng này còn là sự báo hiệu cho việc môi trường đang xuống cấp cùng những ảnh hưởng nó đem tới cho sức khỏe con người.

Tổng hợp