Cá mập cái “không chồng mà chửa” - hiện tượng tự nhiên này đã khiến bao nhà khoa học sửng sốt.
Một con cá mập tre đốt trắng không hề giao phối với cá mập đực trong hơn 2 năm đột nhiên… mang thai 2 cá mập con đã trở thành đối tượng nghiên cứu thú vị cho các nhà khoa học và sinh vật học.
Được biết, con cá mập này được chuyển đến trung tâm động vật biển Great Yarmouth Sea Life Centre vào năm 2013 nhưng rồi được sơ tán qua cơ sở khác của trung tâm này ở Hunstanton do một trận lụt lớn. Kể từ đó, nó không hề tiếp xúc cũng như giao phối với cá mập đực.
Trong hình là con cá mập tre đốt trắng ở trung tâm động vật biển Great Yarmouth Sea Life Centre, đẻ 2 trứng mặc dù chưa hề giao phối.
Các chuyên gia tại trung tâm này cho biết cô cá mập trắng này đã đẻ 2 quả trứng, sẽ nở trong 9 tháng tới đây. Nhà sinh vật biển học, chuyên gia cá mập Darren Gook cho biết những nhân viên của hệ thống trung tâm động vật biển này đang rất vui mừng và vinh dự chờ đón sự kiện kì diệu ấy. Nếu quá trình sinh nở thành công, những chú cá mập con này sẽ là điển hình cho hiện tượng thụ thai không cần giao phối tuyệt vời chỉ xảy ra ở một số ít loài động vật, trong đó có cá mập.
Đây là 2 chiếc trứng được hình thành từ quá trình thụ thai không cần giao phối chỉ xảy ra ở cá mập.
Đáng chú ý là 2 quả trứng chứa phôi còn sống này được phát hiện chỉ sau vài ngày so với công bố về thế hệ cá mập tre thứ hai ra đời không qua giao phối tại một cơ sở nghiên cứu ở Munich, Đức.
Ông Gook lí giải: “Quá trình này được gọi là ‘đơn tính’, thường diễn ra ở quá trình sinh sản của một số loài động vật như gà, bò sát nhưng mãi đến năm 2008, các nhà khoa học mới ghi nhận thêm trường hợp cá mập. Những con cá mập cái, bằng cách nào đó, đã tạo ra thêm một bộ nhiễm sắc thể trong trứng chứa cá mập con. Những loài cá mập có khả năng này được ghi nhận cho đến nay bao gồm cá nhám đầu xẻng, cá mập vây đen, cá nhám nhu mì và cá mập tre đốm trắng. Trước đây, có giả định cho rằng những con cá mập được sinh ra theo cách này sẽ không có khả năng sinh sản, nhưng các nghiên cứu được tiến hành gần đây ở Đức đã bác bỏ giả định đó”.
Ông Gook còn giải thích rằng hiện tượng này cũng là một cách động vật tự thay đổi cấu trúc sinh lí để duy trì nòi giống trong điều kiện số lượng cá thể bị suy giảm trầm trọng hoặc khi con cái và con đực không được gặp gỡ để giao phối.
Hiện tại, 2 quả trứng đã được chuyển đến hồ chăm sóc đặc biệt để khách tham quan có thể tận mắt nhìn ngắm và quan sát quá trình phát triển của 2 chú cá mập con kì lạ này.