Những câu chuyện truyền miệng thú vị về "nóc nhà Đông Nam Bộ"

22:15 23/10/2021

Báo Công An Nhân Dân có viết, núi Bà Đen ở Tây Ninh cao 986m so với mực nước biển và được xem là ngọn núi cao nhất Đông Nam Bộ. Theo sách Gia Định Thành Thông Chí, tên gốc của núi Bà Đen là Bà Dinh.

Tuy nhiên những người cao tuổi sống ở địa phương thì cho rằng, tên gốc gọi là núi Một. Đến khoảng nửa thế kỉ XVIII mới xuất hiện tên gọi núi Bà Đênh, sau gọi dần thành Bà Đen.

 
Núi Bà Đen được coi là "nóc nhà Đông Nam Bộ". (Ảnh: Tổng Cục Du Lịch Tây Ninh)
Núi Bà Đen được coi là "nóc nhà Đông Nam Bộ". (Ảnh: Tổng Cục Du Lịch Tây Ninh)

Núi Bà Đen không chỉ hấp dẫn du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp mà còn bởi nhiều câu chuyện thú vị, kì bí được lưu truyền nhiều đời nay. Trong đó phải kể đến sự tích về Bà Đen luôn lôi cuốn du khách mỗi khi được kể đến.

Tương truyền, Bà Đen tên thật là Lý Thị Thiên Hương, con gái ông Lý Thiện – quan trấn nhậm Trảng Bàng triều Nguyễn, còn mẹ là bà Đặng Ngọc Phụng – quê gốc Bình Định.

Sự tích kể rằng Lý Thị Thiên Hương vốn là người con gái xinh đẹp, con nhà gia giáo lại hiền lương, giỏi giang nên được rất nhiều người để ý. Trong làng khi ấy có chàng trai Lê Sĩ Triệt, từ nhỏ được nhà sư Trí Tân nuôi dưỡng tỏ lòng cảm mến nàng.

 
Ngày thường ở núi Bà Đen cũng rất đông du khách tham quan, khấn viếng. (Ảnh: Nhân Dân)
Ngày thường ở núi Bà Đen cũng rất đông du khách tham quan, khấn viếng. (Ảnh: Nhân Dân)

Trong một lần Thiên Hương lên núi gặp phải người xấu, đúng lúc được Lê Sĩ Triệt cứu giúp kịp thời. Để đền ơn, cha mẹ của Thiên Hương đã hứa gả nàng cho chàng trai.

Thế nhưng chưa kịp thành thân thì Lê Sĩ Triệt phải tòng quân ra trận. Lý Thị Thiên Hương hứa ở nhà chờ đợi, giữ trọn danh tiết.

Nhưng rồi khi trên đường lên núi thăm nhà sư Trí Tân, Thiên Hương bị nhóm kẻ xấu trước đó vây bắt, tính làm chuyện không hay. Để giữ lòng trung trinh, nàng đã quyên sinh tại khe núi. Gắn liền với sự ra đi này của Thiên Hương còn là câu chuyện về 3 lần báo mộng, hiển linh được kể lại.

 
Một góc chùa trên núi Bà Đen. (Ảnh: Trip Advisor)
Một góc chùa trên núi Bà Đen. (Ảnh: Trip Advisor)

Lần thứ nhất, nàng báo mộng cho nhà sư Trí Tân trong hình dạng một người phụ nữ đen đúa để kể lại toàn bộ sự tình. Sau khi nghe hết câu chuyện, nhà sư liền cho người đi tìm Thiên Hương dưới khe núi để đem về mai táng. Cái tên Bà Đen người đời sau vẫn gọi cũng từ đây mà ra.

Lần thứ hai là khi chúa Nguyễn Ánh chạy đến núi Bà Đen để lánh nạn đã khẩn xin phò trợ. Đến đêm, Bà Đen xuất hiện trong mộng rồi chỉ đường thoát thân và khuyên Nguyễn Ánh nên qua Xiêm.

Lần thứ ba là khi Thượng Quốc công Lê Văn Duyệt hứa sẽ dâng sớ vua và phong chức cho Bà Đen nếu hiển linh. Và quả thực sau đó Bà Đen đã hiển linh, nói chuyện với Thượng Quốc công về tương lai của vị quan tài giỏi này. Ông Lê Văn Duyệt sau đó đã thay vua phong cho Bà Đen làm Linh Sơn Thánh Mẫu, tạc tượng để thờ.

 
Tượng bà Linh Sơn Thánh Mẫu. (Ảnh: Infonet)
Tượng bà Linh Sơn Thánh Mẫu. (Ảnh: Infonet)

Ngày nay, những người leo núi Bà Đen thường có một giao ước bất thành văn rằng khi leo núi, nhất định không được kêu mệt. Bởi lẽ họ tin rằng đi leo núi viếng Linh Sơn Thánh Mẫu mà than thở mệt nhọc sẽ không được ban điều khấn xin, thậm chí còn gặp nguy hiểm trên đường leo.

Bà H.Đ., cựu giáo viên thời Pháp đang ngụ ở ven tỉnh lộ 793 dưới chân núi kể thêm, Bà Đen nổi tiếng linh thiêng chỉ 2 phép: Phát duyên và phát vận. Vì thế mà người đến viếng hầu như chỉ cầu xin được gặp vận may hay tình duyên suôn sẻ, có xin cái khác cũng không được ban.

Dù chỉ là những điều truyền miệng, sự tích về núi Bà Đen vẫn được xem là tín ngưỡng văn hóa quan trọng với người Tây Ninh nói riêng cũng như người Việt Nam nói chung. Nếu bạn có cơ hội đến thăm ngọn núi này, hãy thử trải nghiệm cảm giác đứng giữa khung cảnh hùng vĩ, nghe kể lại những câu chuyện thú vị này nhé.

Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!

TẠM NGƯNG CÁC TUYẾN CHINH PHỤC NÚI BÀ ĐEN BẰNG ĐƯỜNG BỘ

Phó trưởng ban quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen (thuộc UBND tỉnh Tây Ninh) - ông Phạm Văn Hải đã chính thức thông báo về việc cho tạm ngưng các tuyến phượt chinh phục đỉnh núi Bà Đen bằng đường bộ từ ngày 14/5/2021.

Nguyên nhân là do lo ngại mưa bão, các nguồn nước đổ dọc theo sườn núi sẽ gây xói mòn dẫn đến tình trạng cây gãy đổ, đá lăn,… gây nguy hiểm cho người leo núi. Do đó, các tổ chức, cá nhân sẽ không được leo núi bằng đường bộ cho đến khi có thông báo mới.

Thay vào đó, du khách có thể sử dụng hệ thống cáp treo Vân Sơn, đi thẳng lên đỉnh núi. Giá vé dao động từ 200.000 – 400.000 đồng và chỉ mất 8 phút để đến nơi.

Xem thêm tại đây!