Ngày 27/12, mạng xã hội dậy sóng trước thông tin Việt Nam xuất hiện ca nhiễm biến chủng Omicron. Đó là một bệnh nhân nam (trú tại phường 5, quận 5, TP.HCM, lấy mẫu xét nghiệm tại nhà vào ngày 26/12).
Qua xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR tại Bệnh viện FV cho thấy mẫu bệnh phẩm của người này dương tính với biến chủng Omicron. Tuy nhiên, báo Tuổi Trẻ cho biết đây là tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận.
Tờ thông tin về ca nhiễm Omicron là sai sự thật. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Cụ thể, Bệnh viện FV đã gửi báo cáo nhanh đến Sở Y tế TP.HCM về trường hợp này. Trong đó nêu rõ, việc phát hiện ca bệnh nhiễm Covid-19 liên quan đến biến chủng Omicron qua xét nghiệm RT-PCR là tin đồn thất thiệt.
"Bệnh viện khẳng định không kết luận trường hợp nào liên quan đến chủng Omicron, kể cả trường hợp mắc hay tái nhiễm như thông tin lan truyền. Bệnh viện đang làm các thủ tục để công bố trên trang web của đơn vị và truyền thông", báo Tuổi Trẻ dẫn lời từ phía Bệnh viện FV.
Bệnh viện FV tại TP.HCM. (Ảnh: FV Hospital)
Đồng thời, đại diện bệnh viện cũng giải thích thêm, việc xác định ca mắc thuộc biến chủng gì phải thông qua giải mã gen, không thể chỉ xét nghiệm RT-PCR mà biết được. Điều này cũng được TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM đồng tình. Được biết, hiện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford là 2 đơn vị đang cùng phối hợp thực hiện quy trình giải trình tự gen tất cả các F0 nhập cảnh do Sở Y tế TP.HCM giao nhiệm vụ.
Như vậy, đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa phát hiện ca nhiễm Covid-19 nào liên quan đến biến chủng Omicron. Tuy nhiên, tình hình trên thế giới vẫn đang diễn biến khá đáng lo ngại. Báo Lao Động dẫn lời của PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, chỉ trong vài tuần đã có hơn 100 quốc gia ghi nhận sự có mặt của Omicron. Điều này cho thấy nó có tốc độ lây lan rất nhanh.
Từ đó, PGS Trần Đắc Phu nhận định nguy cơ Omicron xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn, vấn đề chỉ còn là thời gian sớm hay muộn.
Omicron có tốc độ lây lan rất nhanh. (Ảnh: AFP)
Về tác dụng bảo vệ của vaccine mũi thứ 3 đối với biến chủng Covid-19 mới, PGS Trần Đắc Phu nói: "Có loại vaccine hiệu quả bảo vệ rất cao và kháng thể tồn tại lâu trong cơ thể (có thể suốt đời). Tuy vậy, vaccine phòng Covid-19 hiệu quả bảo vệ không thật cao như mong muốn và không thể bảo vệ chúng ta suốt đời. Theo công bố của các nhà sản xuất, có loại đạt hiệu quả 70% có loại đến 90%...
Đặc biệt, nồng độ kháng thể sẽ giảm sau khi tiêm mũi cuối cùng từ 4 tháng đến 6 tháng, vì vậy bạn phải tiêm mũi nhắc lại sau 3 tháng. Đối với người cần tiêm mũi bổ sung thì tiêm sau 28 ngày."
Tiêm vaccine vẫn là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. (Ảnh: Thanh Niên)
Về việc có khả năng phải tiêm đến mũi 4, 5, 6... hay không, ông Phu đánh giá còn phải phụ thuộc vào tình hình dịch trên thế giới cũng như việc cung ứng vaccine.
Có thể thấy, tiêm vaccine đầy đủ và thực hiện nghiêm túc các biện pháp chống dịch vẫn là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của chúng ta trước Covid-19. Với những thành quả chống dịch đã đạt được, mọi người hãy cùng nhau làm tốt hơn nữa công tác này, để Omicron nói riêng và các biến chủng khác nói chung không có cơ hội xâm nhập.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!
NHÀ KHOA HỌC: OMICRON CÓ THỂ TỰ BIẾN MẤT, HÃY BÌNH TĨNH CHỜ KẾT LUẬN
Đến nay, các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực tìm hiểu về "siêu biến chủng" Omicron. Mặc dù chưa hiểu hết về đặc tính của chúng nhưng nhiều chuyên gia đồng tình rằng Omicron có thể chính là dấu hiệu cho thấy đại dịch sắp kết thúc.
Nhà sinh vật học tiến hóa Jesse Bloom giải thích, các đột biến của một biến chủng có thể hoạt động theo xu hướng chống lại nhau. Trong khi đó Omicron lại chứa quá nhiều đột biến (khoảng 50 đột biến, bao gồm 26 đột biến đặc trưng).
"Với hàng chục đột biến, Omicron được ví như một sự chắp vá các đột biến. Nhiều đột biến khiến virus nguy hiểm hơn nhưng cũng có thể đẩy chúng vào con đường tự diệt", vị chuyên gia nêu quan điểm.