Những chiếc móc khóa thú bông hay túi cầm tay lông thỏ được bày bán ở nhiều cửa hàng bán lẻ Singapore thực chất đều là lông thỏ thật.
Sự thật tàn khốc đằng sau những sản phẩm lông thỏ ở Singapore
Mới đây, Hội Phòng Chống Tội Ác Động Vật Singapore (SPCA) đã tiến hành kiểm tra đột xuất một số loại sản phẩm móc khóa, túi cầm tay lông thỏ tại các cửa hàng bán lẻ của quốc gia này. Kết quả thật không thể tin được, những con thú này đều được làm từ lông thỏ thật.
Sau khi kết quả được đưa ra, nhiều chủ cửa hàng đã tỏ ra cực kì bất ngờ. Họ nói rằng đã nhập những sản phẩm này từ một quốc gia đông dân và không biết gì về nguồn gốc thực sự của chúng.
Một số loại sản phẩm móc khóa, túi cầm tay lông thỏ tại các cửa hàng bán lẻ ở Singapore làm từ lông thỏ thật.
Tiến sĩ Jaipal Singh Gill, đại diện của SPCA chia sẻ: "Ngành công nghiệp gia công này phần lớn là không được kiểm soát. Các loài vật thường được nuôi nhốt trong điều kiện cực kì tệ hại rồi sau đó bị giết".
Phó Giám đốc điều hành Trung Tâm Nghiên Cứu Mối Quan Hệ Động Vật với Giáo Dục Xã Hội, ông Anbarasi Boopal, cũng đồng tình với quan điểm trên: "Động vật thường được nuôi trong điều kiện vô nhân đạo, chẳng hạn như bị nhốt trong những chiếc lồng nhỏ hẹp, thiếu ăn và bị hành hạ thường xuyên. Người ta sẽ tiến hành lột da thỏ sau khi đánh chết hoặc giật điện cho chúng chết. Tệ hơn, có kẻ còn lột da ngay lúc chúng còn sống".
Những chiếc túi lông thỏ dài 8-12cm được bán tại khắp các trung tâm mua sắm và siêu thị ở Singapore. Được trưng bày nổi bật ở nhiều cửa hàng với đa dạng màu sắc và mẫu mã, giá một chiếc túi thấp nhất vào khoảng 15 USD (hơn 300.000 VNĐ).
Khi các thanh tra đến kiểm tra tại các cửa hàng bán lẻ ở Bugis, mỗi chiếc túi lông thỏ Hàn Quốc có giá 28 USD (khoảng hơn 600.000 VNĐ) trong khi hàng Hồng Kông là 20 USD (hơn 400.000 VNĐ). 4 trong 6 cửa hàng đã qua kiểm tra tại đây nói rằng đó là lông giả. Bên cạnh đó, họ cũng tuyên bố rằng nếu sản phẩm là lông thỏ thật, họ sẽ không bán nữa.
Thông tin sản phẩm làm từ lông thỏ thật gây ra nhiều tranh cãi, bức xúc trong cộng đồng.
Tuy nhiên, một số nhà bán lẻ khác lại tỏ ra bàng quang với vấn đề "gây bức xúc" này. Một nhân viên bán hàng nói rằng: "Các nhà cung cấp khẳng định chỉ cạo lông thỏ chứ không giết hại chúng. Vì thế chẳng có gì phải quan trọng hóa lên cả. Cho dù có bị giết thì cũng chẳng phải vấn đề to tát vì chúng chỉ là những con thỏ thôi".
Một nhà bán lẻ khác còn bao biện cho hành vi buôn bán "ác độc" của mình: "Nhà cung cấp nói với tôi rằng đây là lông thật và chẳng cần lăn tăn gì vì người ta bán da bò, da cá sấu đầy ra đấy. Có ai lên án đâu!".
Ngành công nghiệp lột da man rợ
Đây không phải lần đầu tiên cộng đồng bức xúc trước ngành công nghiệp giết hại và buôn bán động vật "man rợ". Trước đó không lâu, tổ chức Nhân đạo Xã hội Quốc tế (HIS) đã công bố những hình ảnh đột nhập vào một cơ sở giết mổ thỏ của quốc gia đông dân kia. Theo số liệu điều tra của tổ chức, đã có hơn 10.000 con thỏ bị giết và lột da tại đây.
Ước tính có khoảng 50 triệu con thỏ trong các trang trại ở đất nước này, sản xuất hơn 4000 tấn lông mỗi năm. Những con thỏ bị giam hãm cuộc đời ngắn ngủi trong những chiếc chuồng bẩn thỉu, chật chội, chưa bao giờ được lau dọn. Chúng bị đánh vào đầu bằng dao để bất tỉnh và bị treo lên những thanh sắt trước khi các công nhân đem đi cắt cổ. Sau đó, họ sẽ cạo phần lông xung quanh chúng và tiến hành lột da.
Chúng phải sống trong những chiếc lồng chật hẹp, chẳng thể cử động được.
Quy trình cạo lông, lột da thỏ khiến cộng đồng phẫn nộ, bức xúc.
Những con vật đáng thương sau khi cạo sạch lông chỉ còn lớp da đỏ hỏn, máu vương vãi đầy trên ghế.
Con thỏ đang bị xén lông một cách không thương tiếc.
Những sản phẩm lông thỏ thật được trưng bày ở nhiều cửa hàng bán lẻ, thậm chí ở ở các trang web nổi tiếng với nhãn mác là polyester hoặc nilon. Cho đến khi các tổ chức, thanh tra vào cuộc, sự thật tàn khốc, dã man của ngành công nghiệp lột da mới được phơi bày. Phẫn nộ trước những hình ảnh man rợ được công bố ấy, không chỉ các cửa hàng, siêu thị mà còn có hàng ngàn khách hàng trên thế giới đồng loạt tẩy chay các loại sản phẩm mất tính người này. Chỉ cần con người ngưng sử dụng, nỗi đau khổ của các loài động vật cũng chấm dứt.
(Ảnh: Internet)