“Chúng tôi không cần trở thành một 'tiểu' Tecent hay Alibaba, chúng thôi có thể là chính mình." – Lý Tiểu Đông, nhà sáng lập Shopee
Shopee hứa hẹn khôi phục du lịch Việt sau đại dịch
Nhằm từng bước phục hồi ngành du lịch bị ngưng trệ nhiều tháng trời do COVID-19, Trung tâm Xúc tiến Du lịch TP.HCM đã hợp tác cùng Shopee Việt Nam triển khai Sàn Giao dịch Du lịch điện tử vào ngày 18-10 vừa qua.
Thông qua lần hợp tác này, Shopee Việt Nam sẽ cùng ngành du lịch TP.HCM triển khai các gian hàng du lịch trực tuyến nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm dịch vụ và tiếp cận người dùng. Cùng với đó, Shopee sẽ hướng dẫn các doanh nghiệp cách vận hành và quản lý gian hàng cũng như phương thức gia tăng tương tác với người dùng trên nền tảng trực tuyến, từ đó tăng cường chuyến đổi số cho các doanh nghiệp lữ hành. Hình thức này cũng gần giống như chương trình ShopeeUni đang được áp dụng cho sàn thương mại điện tử Shopee. Các nhà bán lẻ trực tuyến sẽ bắt đầu triển khai chương trình ưu đãi dành cho ngành du lịch trên Shopee từ tháng 11-2021 đến tháng 2-2022.
Hình ảnh đánh dấu sự hợp tác giữa Shopee và Trung tâm Xúc tiến Du lịch TP.HCM.
Shopee nhận định rằng lần hợp tác với Trung tâm Xúc tiến Du lịch TP.HCM sẽ giúp ngành du lịch của thành phố từng bước phục hồi và tăng trưởng sau thời gian giãn cách bằng việc hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành tiếp cận lượng khách hàng lớn, đa dạng, sẵn có của Shopee.
"Bên cạnh đó, nhận thấy nhu cầu du lịch của người tiêu dùng ngày càng gia tăng trong thời gian sắp tới, chúng tôi cũng kỳ vọng thông qua hợp tác lần này sẽ mang đến cho người dùng của Shopee đa dạng các sản phẩm du lịch an toàn và chất lượng, đặc biệt là các hành trình du lịch nội địa với nhiều ưu đãi hấp dẫn" – ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành Shopee nói.
Ông cũng khẳng định thông qua nền tảng và hệ sinh thái của Shopee, các doanh nghiệp lữ hành sẽ được hỗ trợ tối đa đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ để có thể dễ dàng bắt đầu kinh doanh trực tuyến.
Hình ảnh một số tour du lịch đang được bán tại Shopee.
Sàn Giao dịch Du lịch điện tử được kỳ vọng sẽ tạo nên hiệu ứng tích cực cho cả những doanh nghiệp và địa phương. Đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nhiều sự quan tâm hơn trong việc tăng tốc chuyển đổi số nhằm mở ra những cơ hội phát triển kinh doanh trực tuyến. Do đó, ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung của TP.HCM bước vào trạng thái bình thường mới có thể dần sôi động trở lại.
Siêu cường Shopee – tất cả trong 1 ứng dụng
Một trong những ứng dụng giao đồ ăn phổ biến nhất tại Việt Nam – Now đã gia nhập gia đình Shopee và đổi tên thành ShopeeFood vào hồi tháng 8/2021. Động thái này rõ ràng cho thấy Shopee đang thực hiện tham vọng tạo ra một hệ sinh thái khổng lồ tại Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á.
Vào đầu năm 2021, ShopeeFood cũng được triển khai tại ở Indonesia. Hồi tháng 6, Shopee cũng thực hiện tuyển dụng nhiều tài xế giao đồ ăn ở Malaysia và chính thức triển khai dịch vụ này vào tháng 9 năm 2021.
NowFood nay đã được "sang tên đổi họ" thành ShopeeFood.
Ngoài Now, ví điện tử AirPay cũng chính thức đổi tên thành ShopeePay vào đầu tháng 6 năm nay. Báo cáo thường niên của SEA (Tập đoàn mẹ của Shopee) nói rằng SEA có 30% cổ phần của Công Ty Cổ Phần AirPay vào năm 2018. Đến năm 2019, con số giảm xuống còn 18%. Báo cáo thường niên mới nhất của SEA vào năm 2020 không nhắc đến thông tin này.
Nhận định từ các chuyên gia kinh tế cho rằng SEA Group đang muốn xây dựng một “siêu ứng dụng” bao gồm từ thương mại điện tử, vận chuyển, giao đồ ăn đến ví điện tử tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, Shopee đã triển khai sang cả sàn giao dịch du lịch điện tử.
Nhìn thấy miếng mồi béo bở từ thị trường ứng dụng giao đồ ăn, Shopee nhanh chóng gia nhập “cuộc chiến” để giành lấy thị phần của mình, đồng thời từng bước xây dựng hệ sinh thái Shopee. Theo báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường Reputa, năm 2020 đại dịch toàn cầu đã giúp dịch vụ giao thức ăn tăng trưởng mạnh mẽ. Xu hướng này có thể sẽ tiếp tụ tăng suốt năm 2021, đồng thời được dự báo sẽ đạt giá trị hơn 38 triệu USD và duy trì mức tăng trưởng bình quân 11% trong 5 năm tới.
Hình ảnh ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam.
Tương tự với đó, Shopee đã nhìn thấy được sự hồi phục nhanh chóng của ngành du lịch hậu COVID-19, không bỏ lỡ thời cơ tăng trưởng kinh doanh, giành thị phần với một số “đàn anh” trong lĩnh vực du lịch trên nền tảng số như Traveloka, Agoda, … Đồng thời, mở rộng quy mô kinh doanh và hoàn thiện hệ sinh thái khổng lồ của mình. Liệu trong vòng một vài năm tới, Shopee sẽ còn tích hợp thêm bao nhiêu tiện ích khác vào chiếc “siêu ứng dụng” của mình.
Lời của người viết:
Shopee hiện đang dẫn đầu trong bảng xếp hạng các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam, chúng ta không thể phủ nhận những tiện ích mà Shopee đem lại cho cuộc sống hiện đại đầy bận rộn này. Nhưng với tốc độ mở rộng và phát triển của Shopee, chúng ta liệu có giữ được sự thoải mái tiện nghi này hay chuyển thành sự khó chịu không hài lòng bởi một hệ sinh thái còn non trẻ, chưa được chỉn chu hoàn thiện.