Shipper là một trong những "lực lượng huyết mạch giữ cho nền kinh tế vận động ngay cả trong điều kiện thành phố trở nên tồi tệ nhất là cách ly vì dịch bệnh", theo chuyên gia chính sách công Nguyễn Quang Đồng.
Shipper Lê Chí Tâm vẫn làm việc mỗi ngày trong mùa dịch.
“ Tận mắt chứng kiến thành phố đổ bệnh, mình sợ lắm chứ. Ai chẳng sợ chết. Kiếm tiền nhưng mạng sống của mình quan trọng hơn chứ. Mình cũng còn người thân, người cha già 80 tuổi đang sống dưới quê, mình cũng suy nghĩ nhiều lắm.
Nhưng… sợ hoài thì ai sẽ chạy? Ai sẽ mang hàng hóa phục vụ cho người dân?
Lê Chí Tâm tiếp tục câu chuyện từ kì I bằng lời chia sẻ ấy. Anh kể với chúng tôi những buồn vui quanh nghề shipper trong giai đoạn đặc biệt này – khi mà nguy cơ nhiễm bệnh luôn rình rập khi phải tiếp xúc với nhiều người, thậm chí là những ca F0.
Tưởng “lên đời”, nhưng đầy rủi ro
Từ đầu dịch, đến giờ, anh chạy shipper liên tục chứ?
Vào mùa dịch, ban đầu tôi chạy bình thường, sau khi siết chặt giãn cách và phân vùng nhiễm bệnh thì không may tôi nằm ở vùng đỏ nên cũng nghỉ chạy hết 2 tuần. Đến ngày 31/8, tôi mới được thông báo cho chạy lại.
Anh thấy công việc giao hàng mùa dịch có thay đổi hơn trước không?
Thay đổi nhiều lắm. Tôi hay các shipper đều phải dậy sớm hơn, việc xét nghiệm cũng mất nhiều thời gian. Mà thay đổi lớn nhất là nỗi lo về dịch bệnh, giờ ra đường kiếm tiền xem như là cá cược sức khoẻ của mình vậy. Nhưng thôi, thà ra đường kiếm đồng tiền để vui, để xem như công việc này là một phần trách nhiệm của mình với mọi người.
Vậy còn khối lượng công việc thì như thế nào?
Nói chung thì nặng hơn rất nhiều, nổ đơn liên tục, mình vừa hoàn thành đơn này là có đơn khác liền, đâu có thời gian mà nghỉ ngơi. Dù mình có từ chối đơn thì cũng có đơn khác nhảy vô tiếp.
Không như trước, bây giờ mấy tài xế không ai tranh giành đơn nữa, hồi xưa thì giành giật còn bây giờ thì đơn quá trời. Hồi xưa đợi đơn, còn bây giờ thì không bao giờ mà hết đơn, không thể nào mà chạy hết được, nhiều lắm mà không có tài xế.
Theo tôi thấy, chắc mỗi hãng chắc chỉ có hơn 10 tài xế là cao rồi, như vậy thì đâu phục nổi một quận. Lượng shipper giảm nhiều lắm, người ta đặt đơn từ 7h sáng tới 5h chiều cũng không có tài xế. Một ngày bình quân chạy cũng phải 20 - 30 đơn.
Anh Tâm nhận các đơn hàng liên tục trong ngày.
Theo anh, dù đơn hàng tăng cao nhưng vì sao số lượng shipper lại giảm đáng kể như vậy?
Thời buổi bây giờ rất khó khăn, shipper cũng chỉ là con người, họ cũng sợ dịch bệnh. Chứ bây giờ dịch bùng phát F0 nhiều quá người ta cũng sợ nữa họ sợ ảnh hưởng tính mạng nên họ không dám chạy.
Chưa kể các bạn shipper còn bị phạt tiền vì không đủ các loại giấy tờ để được chạy. Chỉ cần thiếu tin nhắn từ Sở Công thương là có thể bị phạt ngay, mỗi lần phạt đến 2 triệu đồng lận. Một đơn hàng rất ít tiền không có nhiều, trung bình cao nhất là 30-35 nghìn đồng, mà bị phạt thì xem như là mất hết công sức một ngày đi làm. Nhiều shipper ngại đi giao hàng mùa này là thế.
Còn với anh, anh có ngại như họ không?
Tôi cũng sợ bệnh chứ sao không! Mấy cái đó nguy hiểm lắm chứ, kiếm tiền nhưng cũng rất nguy hiểm, mình cũng còn trẻ, còn người thân mà. Mình đi ra ngoài, mình là người trực tiếp chứng kiến, cảm nhận được dịch bệnh đang diễn biến nguy hiểm như thế nào ở thành phố, ai mà chẳng sợ chết.
Nhưng mà sợ hoài thì ai mà chạy. Nếu tài xế nào cũng sợ hết thì không có ai phục vụ cho nhu cầu hàng hóa, lương thực của người dân thành phố hiện nay. Nên tôi quyết định phải chạy để giúp họ ở yên một chỗ, cho bà con được an toàn. Mình nghĩ, khi nào nhà nước quy định không cho chạy nữa thì mình ngưng. Chứ cho phép thì mình vẫn phải chạy, hỗ trợ người dân để họ đỡ phải ra ngoài, bây giờ vậy thì khổ lắm.
Mình cứ chạy thôi, rồi tự động viên: Còn trẻ, lại bước ra từ môi trường tri thức nên mình tiệm cận được nhiều thông tin hơn, hiểu về cách phòng bệnh hơn các tài xế lớn tuổi, sẽ ít nguy cơ nhiễm hơn.
Nhiều người nói rằng shipper tham công tiếc việc, “bán mạng” của mình trong mùa dịch. Anh nghĩ sao?
Nhiều người nghĩ vậy. Ngành nào cũng có cái khó của ngành đó. Nhà nước quy định là cho shipper chạy, khi nào không cho shipper mình chạy mà vẫn cố chạy thì đó mới gọi là tham công tiếc việc.
Mình chạy để cùng với các anh chiến sĩ hỗ trợ cho người dân, Nhưng mà họ không có hiểu,cứ nghĩ mình là tham tiền này nọ. Mình đọc báo thấy có nói khách hàng đặt từ 7h sáng đến 5h chiều mà không có tài xế nào nhận đơn hết. Bây giờ công việc nhiều lắm, shipper họ cũng sợ chứ, cũng nghỉ nhiều, giờ đâu có nhiêu đâu.
Shipper Lê Chí Tâm luôn nở nụ cười khi làm việc.
Những lần tủi thân kèm những phút ấm lòng
Ngoài nỗi lo về dịch bệnh, anh Tâm có gặp những trở ngại nào khác trong lúc này?
Mùa dịch này các đơn hàng rất chậm, bị kẹt và lấy đi không được. Chưa kể nhiều cửa hàng và khách cũng hủy đơn nên mình mất nhiều thời gian lắm, bây giờ có khi 2 tiếng mới giao được 1 đơn.
Có lúc mình còn bị bom hàng nữa, có những khách gọi lấy hàng thì nghe máy nhưng mà khi đến thì tới giao hàng không điện được. Mình rất là buồn ngay lúc đó.
Rồi nữa, đường xá bây giờ cũng kẹt hết, phải đi vòng. Hồi trước thì mình đi đường này đường kia thông nhau, giờ đường nào cũng bị rào lại. Dù đơn hàng trên app hiển thị chỉ có 1km nhưng thật sự mình chạy 4-5km, có khi xa hơn. Không đi hẻm được phải đi đường lớn, trục lớn, nhưngnhững tuyến đường này thì bị chốt chặn rất nghiêm.
Bây giờ lại có quy định mới, không được giao tại chốt nữa mà phải đưa hàng trực tiếp đến chỗ người ta. Ai ở yên đó, khách hàng đâu được ra ngoài. Mình phải vô trực tiếp bên trong, còn đứng ở chốt sẽ bị phạt.
Khách hàng mùa dịch có khắt khe hơn trong việc giao nhận hàng?
Cũng không gây khó dễ gì lắm, mình cũng giao nhận bình thường thôi. Có điều họ kỹ lưỡng hơn, khách thường để tiền trong những cái giỏ rồi mình lấy tiền để hàng ở lại chứ không tiếp xúc như trước.
Nhưng mà có người này thì cũng có người nọ. Nhiều người nghĩ shipper là truyền dịch bệnh, cũng mấy lần mình tủi thân lắm.
Vậy, có kỷ niệm nào khiến anh thấy thú vị không?
Vui nhất là mình thấy được cái tình người trong mùa dịch. Nhiều khi khách nhận hàng bất ngờ vì họ đã đặt từ sáng tới chiều nhưng không ai nhận đơn. Thấy mình nhận, họ mừng lắm. Họ không có sẵn tiền ở đó, nhưng khi mình về họ nhắn tin, xin số tài khoản để chuyển thêm tiền cám ơn, mình ngại nhưng họ năn nỉ thì nhận. Mình cũng vui, có người giao đơn hàng có mấy chục ngàn, mà người ta cho mình cả trăm ngàn. Đang mùa dịch, gặp những khách hàng như vậy thì đáng quý lắm.
Anh Tâm từng là trưởng phòng kinh doanh của một doanh nghiệp nay chuyển sang nghề shipper.
Vậy sắp tới bớt dịch, anh vẫn tiếp tục công việc này?
Chắc chắn! Dù có giảm bớt thì dịch bệnh cũng sẽ còn ảnh hưởng khá dài, mình cũng cố gắng chạy để hỗ trợ cho người dân cho họ hạn chế đi ra ngoài.
Mình hỗ trợ người dân đến khi nào hết dịch thì thôi, lúc đó sẽ tìm công việc kinh doanh khác, chứ shipper chạy hoài cũng đâu có thể phát triển được. Vì vậy, mình phải có hướng khác. Mình cũng gần 40 rồi, nếu lớn tuổi hơn nữa thì khó kinh doanh, nên mình cũng phải gây dựng có cơ ngơi riêng cho mình.
Còn nghề du lịch trước kia thì sao, anh có định quay lại nếu hết dịch?
Sau dịch thì các ngành đều bị ảnh hưởng. Nếu nó hoạt động bình thường thì quay trở lại,còn bây giờ thì khó lắm. Chắc phải 2-3 năm nữa nó phục hồi thì mình mới tiếp cận lại được chứ bây giờ tình hình không ổn.
Buồn lắm chứ, mình gắn kết với nghề du lịch hơn 15 năm, có thể tính luôn lúc đi học tới làm là 20 năm. Nhưng mà thị trường bị ảnh hưởng như vậy thì mình đâu có thể làm gì nữa. Giờ chỉ có thể cố gắng hỗ trợ chạy giao hàng.
Mong muốn của anh ngay tại thời điểm này là là gì?
Bây giờ, ai cũng mong muốn thành phố nhanh chóng trở lại bình thường. Tôi cũng vậy thôi. Còn xa hơn chút, tôi hy vọng ngành du lịch sẽ sớm bình ổn, để có cơ hội quay lại với công việc yêu thích nhất.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!
ĐÔI LỜI TỪ NGƯỜI VIẾT:
Nếu như bình thường, nghề shipper cũng như mọi nghề thì vào mùa dịch, cái nghề này lại trở nên đặc biệt. Shipper thời đại mới đã trở thành một trong những lực lượng cốt cán của thành phố khi đảm nhận công việc lưu thông hàng hóa đến cho từng hộ dân trên địa bàn.
Những gì anh Tâm chia sẽ, đã là đủ để trả lời một câu hỏi: Liệu có đơn giản, họ chỉ làm vì lợi ích mưu sinh của mình trong mùa dịch?