Chùa Bái Đính nằm cách thành phố Ninh Bình khoảng 15km về phía Tây và cách trung tâm Hà Nội gần 100km thuộc xã Gia Sinh, Gia Viễn. Chùa Bái Đính cổ đã có tuổi đời hơn 1.000 năm và vẫn còn lưu giữ nhiều chứng tích về thời kỳ phát triển Phật giáo từ các triều đại tại cố đô Hoa Lư xưa.
Ngôi chùa uy nghi này là nơi lưu giữ nhiều chứng tích về Phật giáo (Ảnh: Internet)
Quần thể chùa này có diện tích 539ha nằm trên núi Đính cao khoảng 187m. Trong đó bao gồm 27ha khu chùa Bái Đính cổ, 80ha khu chùa Bái Đính mới và nhiều khu vực khác như công viên văn hóa, học viện Phật giáo, khu đón tiếp và công viên cảnh quan, khu hồ Đàm Thị, hồ phóng sinh v.v...
Quần thể chùa rộng lớn đủ để bạn đi thăm thú cả ngày trong không gian yên bình (Ảnh: Internet)
Điểm nổi bật nhất ở đây chắc chắn phải kể đến Bảo tháp Xa lợi. Bảo tháp tọa lạc ở phía tây điện Tam thế của chùa Bái Đính với chân tháp là một kiến trúc hình lục giác chu vi 24 mét. Chiều cao của tháp là 99 mét tương ứng với chiều sâu của móng tháp. Con số 99 này tượng trưng cho sự vĩnh cửu, hàm ý đem lại sự tốt lành, may mắn.
Chùa Bái Đính sở hữu Bảo tháp cao nhất Đông Nam Á (Ảnh: Internet)
Tòa tháp này có tổng cộng 13 tầng và là Bảo tháp cao nhất Đông Nam Á. Đứng tại tầng cao nhất của Bảo tháp, ta có thể thấy toàn cảnh chùa Bái Đính đẹp như một bức tranh sơn thủy. Đây là một kiến trúc mang đậm nét văn hóa Việt Nam, chứa đựng tinh hoa và tâm sức của nhiều nghệ nhân nhằm tạo nên một biểu tượng mới cho vùng đất này.
Đặc biệt chùa Bái Đính và Bảo tháp vào buổi tối sẽ được thắp sáng đèn vô cùng huyền ảo.
Buổi tối tất cả các công trình như được khoác lên bộ cánh khác (Ảnh: Lê Việt Khánh)
Bảo tháp rực sáng sừng sững trong màn đêm (Ảnh: Internet)
Tòa Bảo tháp được tạo nên từ gạch nung theo phương thức cổ Bát Tràng, hoa văn trang trí mang phong cách thời Lý (gồm mây, sóng nước, cánh sen, lá bồ đề cách điệu...). Bên trong lòng tháp ngay chính diện tầng 1 là một không gian lộng lẫy, tràn ngập sắc vàng. Ở trung tâm là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni được dát vàng rực rỡ. Bệ thờ được tạc bằng đá xanh gồm 3 cấp và chạm khắc họa tiết rồng, hoa sen cùng các linh vật tinh xảo. Mặt trên cùng của bệ thờ chính là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni đang tọa thiền.
Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ở tầng đầu tiên (Ảnh: Internet)
Sáu mặt tường được xây dựng và chế tác bằng đá thạch anh có nguồn gốc từ Ấn Độ, trên mỗi bức tường là phù điêu được trạm khắc điêu luyện, miêu tả chân thực về cuộc đời của Đức Phật, kể từ khi sinh ra đến khi tu thành chính đạo với những hoa văn trang trí được trạm trổ sắc nét và cầu kỳ. Mỗi bức phù điêu là một câu chuyện khác nhau được thể hiện xúc tích qua bàn tay khéo léo của những nghệ nhân điêu khắc.
Những câu chuyện được khắc họa trên tường (Ảnh: Internet)
Tầng cao nhất của tháp cũng chính là nơi bảo tồn Ngọc xá lợi của Đức Phật Như Lai được thỉnh từ Ấn Độ. Tương truyền, sau khi Ngài viên tịch, hàng đệ tử làm lễ trà tỳ, sau khi lửa tàn, họ phát hiện trong tro có rất nhiều tinh thể trong suốt, toả ra những tia sáng muôn màu khiến không gian xung quanh tháp càng trở nên linh thiêng và tráng lệ. Đệ tử đếm được tất thảy có 84.000 viên, được chia làm tám phần mà sau này được gọi là Xá Lợi của Phật Tổ.
Đây được coi bảo vật của Phật giáo Ấn Độ và Thế Giới. (Ảnh: Internet)
Kiến trúc mang phong cách Ấn Độ trên trần Bảo tháp (Ảnh: Internet)