Dịch bệnh bùng phát đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và đời sống của bà con. Đặc biệt là nhóm y bác sĩ, nhân viên y tế, những người thuộc tuyến đầu phòng dịch.
Nhân viên y tế mệt mỏi vì phải làm việc trong một thời gian dài. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh)
Bác sĩ ám ảnh vì điện thoại gọi cấp cứu
Chia sẻ với VnExpress, bác sĩ Lê Bá Kông, Trưởng Trạm Y tế phường Bình Chiểu, TP.Thủ Đức cho biết, trong khoảng thời gian dịch bệnh bùng phát vừa qua, trạm y tế đã phải liên tục nhận những cuộc gọi cấp cứu. Thậm chí, có những đợt cao điểm, điện thoại đổ chuông nhiều đến mức khiến mọi người bị ám ảnh. Ông kể: "Anh em y tế kiệt sức, người bệnh gọi đến từ khắp nơi, nghe điện thoại quá nhiều đến mức chúng tôi phải đổi nhạc chuông liên tục".
Không chỉ bị áp lực vì có quá nhiều ca cấp cứu, trạm còn phải hoạt động hết công suất trong một thời gian dài. Cũng theo lời bác sĩ Kông chia sẻ, trạm chỉ có 10 nhân sự, trong đó 2 nhân sự đi học bác sĩ, chỉ còn 8 người gồng gánh mọi việc lúc bùng dịch nên không thể truy vết kịp. Nhiều lúc, các y bác sĩ phải làm việc cả ngày lẫn đêm, không có lấy một thời gian nghỉ ngơi. Vị bác sĩ nói: "Có nhiều đêm, chúng tôi đưa bệnh nhân đến 3 bệnh viện nhưng không được nhận vì không có oxy. Có ngày lên đến hơn 100 ca mắc".
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam hỗ trợ cán bộ, nhân viên y tế vào miền Nam chống dịch.
Thực tế, hầu hết các y bác sĩ tham gia chống dịch thời gian vừa qua đều phải đối mặt với "đại dịch trong đại dịch" - đó là stress, ám ảnh tâm thần, tâm lý. Mỗi giây, mỗi phút, họ đều phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh, áp lực cứu sống F0.
Đặc biệt, cho đến tận hiện tại, nhiều y bác sĩ còn không quên được cái níu tay của bệnh nhân khu hồi sức vì không có người thân bên cạnh; hay câu chuyện của đồng nghiệp có mẹ qua đời vì lây nhiễm; còn cả những nỗi đau day dứt vì không cứu được ca bệnh 19 tuổi diễn biến quá nhanh...
Giữa đêm, nhân viên y tế vẫn tất bật vận chuyển bệnh nhân Covid đến bệnh viện. (Ảnh: Trạm Y tế phường Bình Chiểu)
>>Xem thêm: Tháng 11-12, TP.HCM sẽ tiêm vaccine mũi 3 cho đối tượng có nguy cơ cao
Nguy cơ tổn thương tâm lý của nhân viên y tế hậu Covid-19
Chia sẻ với Zing News, chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện, Đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết, tình trạng nhân viên y tế tham gia chống dịch gặp stress mức độ cao, kiệt sức nghề nghiệp, trầm cảm, lo âu diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. Giải thích về điều này, ông nói: "Những vấn đề này có thể đến từ sự quá tải của hệ thống y tế, nguy cơ bị nhiễm virus, thời gian làm việc kéo dài, cảm xúc lo lắng chung trước đại dịch hay nỗi bận tâm về gia đình”.
Cũng theo nhận định từ ông Thiện, nhân viên y tế tuyến đầu phòng dịch có thể xuất hiện hai vấn đề sau:
- Tổn thương đạo đức (Moral Injury): Khi ở tình trạng này, nội tâm của nhân viên y tế thường sẽ bị xung đột khi phải chứng kiến hoặc đưa ra quyết định liên quan tính mạng bệnh nhân. Họ phải đối mặt với những tình huống chọn lựa dẫn đến kết quả tiêu cực. Những quyết định này đôi khi mâu thuẫn với giá trị đạo đức của họ hay chuẩn mực hành nghề.
- Cạn kiệt lòng trắc ẩn (Compassion Fatigue): Tình trạng này thường diễn ra với những ngành nghề chăm sóc con người như bác sĩ, điều dưỡng, nhà tâm lý hay nhân viên xã hội... Đó là tình trạng kiệt quệ về tinh thần cũng như thể chất, dẫn đến suy giảm khả năng thông cảm với người khác.
>>Có thể bạn quan tâm: Nhân viên y tế miền Trung lội suối, đi bộ để tiêm vaccine cho bà con
Nhân viên y tế tận tình chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19. (Ảnh: Vinmec)
Những vấn đề trên có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của các nhân viên y tế. Cụ thể, theo vị chuyên gia cho biết: “Một số người có thể phát sinh rối loạn tâm thần, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như khả năng đáp ứng yêu cầu công việc. Nhiều trường hợp thậm chí rơi vào trầm cảm”.
Vì những điều trên, ông Thiện cho rằng, việc chăm sóc sức khoẻ tinh thần của nhân viên y tế hậu dịch bệnh là rất cần thiết. Việc đầu tiên cần làm chính là đưa ra các biện pháp để họ nhận diện và phát hiện khó khăn tinh thần đang gặp phải. Sau đó, qua quá trình can thiệp tâm lý, các nhân viên y tế sẽ được tăng nội lực, khả năng ứng phó của bản thân với nghịch cảnh. Muốn làm được vậy, rất cần sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp của y bác sĩ.
Trong đợt dịch cam go vừa qua, các nhân viên y tế đã nỗ lực hết sức mình để đảm bảo sức khoẻ cộng đồng. Vai trò của họ rất to lớn và đáng trân trọng. Vì vậy, mỗi chúng ta nên bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất đến họ.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!
KHỎI COVID, NHIỀU BỆNH NHÂN VẪN RƠI VÀO "VỰC SÂU" VÌ ẢNH HƯỞNG TÂM LÝ
Không chỉ nhân viên y tế, rất nhiều trường hợp sau khi nhiễm Covid-19 đã xuất hiện một số di chứng về mặt tâm lý. Chia sẻ từ bác sĩ Đinh Quang Thanh - Cố vấn chuyên môn, phụ trách khoa Điều trị Covid-19, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp - cho biết, không ít F0 dù đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 nhưng vẫn chịu tổn thương về tinh thần lẫn thể chất.
Virus gây ảnh hưởng xấu đến đường hô hấp, tuần hoàn, tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, tiết niệu, rụng tóc,... Đồng thời, nhiều F0 còn xuất hiện tình trạng xuất huyết não ở vùng thái dương chẩm trái, từ đó tạo nên một số di chứng về mặt thần kinh.