Sau phố Tây Bùi Viện, một chuỗi karaoke chuyển qua bán bún thịt nướng

13:15 13/10/2021

Tính đến thời điểm hiện tại, dịch Covid-19 đợt 4 đã kéo dài gần 5 tháng và vẫn chưa kết thúc. Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp, nhà hàng,... chịu tổn thất lớn về kinh tế, buộc phải chuyển hướng kinh doanh.

Mới đây, dân mạng lại tiếp tục xôn xao trước thông tin một chuỗi quán karaoke chuyển qua bán bún thịt nướng, đồ ăn sáng.

 
Một quán karaoke chuyển qua bán đồ ăn sáng. (Ảnh: Zing)
Một quán karaoke chuyển qua bán đồ ăn sáng. (Ảnh: Zing)

Cụ thể, chia sẻ với Zing News, chị T.D - nhân viên tại một quán karaoke trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) nói: "Chúng tôi hoàn toàn cạn kiệt, phải vay mượn rất nhiều". Người này cho biết, nơi mình làm việc đã trải qua 4 đợt dịch, chỉ hoạt động 2 tháng và chịu khá nhiều tổn thất do đóng cửa trong thời gian dài. Nhằm đảm bảo thu nhập cho một số nhân viên và "cầm cự" qua đợt dịch, quán đã bắt đầu chuyển qua bán đồ ăn.

T.D thông tin thêm, vào tháng 3/2020, nơi cô làm việc đã chuyển từ kinh doanh karaoke qua bán đồ ăn nhưng chỉ là giải pháp tạm thời để giải quyết hàng tồn. Tới năm 2021, trải qua hơn 4 tháng đóng cửa do dịch, mọi người xây dựng kế hoạch lâu dài hơn và liên kết luôn với các ứng dụng giao đồ ăn. 

 
Nhân viên quán karaoke chuyển qua hỗ trợ bán bún thịt nướng. (Ảnh: Zing)
Nhân viên quán karaoke chuyển qua hỗ trợ bán bún thịt nướng. (Ảnh: Zing)

Nói về vấn đề lỗ và lãi khi chuyển hướng kinh doanh, "cầm cự" qua dịch, T.D tâm sự số tiền bán đồ ăn không đủ để trả tiền điện nước và lương nhân viên. Tuy nhiên, mọi người đều cố gắng để vượt qua giai đoạn khó khăn.

"Karaoke chuyển sang bán bún thịt nướng, nhiều người sẽ không quen và thấy lạ. Nhưng thực tế, trước nay chúng tôi vẫn có đầu bếp và bán các món ăn nhẹ. Giờ karaoke chưa được mở, chúng tôi phải tìm cách gắng gượng. Chắc chắn không đủ để sinh lời nhưng phải vận hành để có sinh khí, có động lực cho nhân viên và khách hàng tin vào ngày trở lại" - T.D thổ lộ với Zing.

 
Quán nhậu tại TP.HCM cũng chuyển đổi hướng kinh doanh. (Ảnh: Dân Việt)
Quán nhậu tại TP.HCM cũng chuyển đổi hướng kinh doanh. (Ảnh: Dân Việt)

Trước đó, báo Tuổi Trẻ cũng đăng tải thông tin một số quán bar, vũ trường ở phố Tây Bùi Viện (quận 1, TP.HCM) đã chuyển qua bán hoa quả, thực phẩm. Đây là "cú sốc" khá lớn đối với nhiều bạn trẻ ở TP.HCM.

Sau 4 tháng giãn cách xã hội, phố Tây Bùi Viện như biến thành một khu chợ thu nhỏ. Không còn tiếng nhạc xập xình hay những quán bar "bí ẩn", thay vào đó là tiếng mời gọi mua cá, bó rau. Tùy thuộc vào từng quán, họ sẽ chọn một mặt hàng buôn bán riêng như rau củ, hoa quả hay nhu yếu phẩm.

 
Phố Tây Bùi Viện đã "lột xác" sau mùa dịch. (Ảnh: Lao Động)
Phố Tây Bùi Viện đã "lột xác" sau mùa dịch. (Ảnh: Lao Động)

Một chủ quán tại khu vực này chia sẻ: "Mặt bằng vẫn phải trả tiền thuê, nên chủ đã quyết định thay đổi kinh doanh, nhập rau củ quả từ Đà Lạt về phục vụ cho bà con quanh đây, đỡ phải tích trữ hàng như trước, lại tạo điều kiện cho nhân viên có việc làm.

Cửa hàng bán rau hơn 1 tháng, ban đầu chủ yếu bán hàng đặt rồi giao tận nhà, sau đó nới lỏng mới bán trực tiếp cho bà con nhưng vẫn đảm bảo 5K. Chúng tôi niêm yết giá sẵn. Giờ chỉ cố gắng tạm trong mùa Covid-19 để chờ ngày hoạt động trở lại". Đây cũng là tình hình chung của nhiều chủ quán bar, khách sạn thuộc khu vực nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn này.

Mặc dù "đá sân" sang hình thức kinh doanh khác hợp thời thế nhưng hầu hết các chủ quán đều mong có thể trở lại với công việc chính trong thời gian gần nhất. Hi vọng trong thời gian tới, mọi người sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này. 

Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN

SAU RẠP PHIM, HÀNG LOẠT CHUỖI KARAOKE CÓ NGUY CƠ BỊ "XÓA SỔ"

Sau gần 5 tháng dịch bùng phát đợt 4 tại TP.HCM, nhiều rạp chiếu phim và hàng loạt chuỗi karaoke, nhà hàng,... phải tạm dừng hoạt động. Đông đảo các chủ quán đều lên tiếng "cầu cứu" khi đứng trước nguy cơ phải đóng cửa vĩnh viễn do thua lỗ.

Theo đó, một quản lý của hệ thống karaoke nổi tiếng tại TP.HCM chia sẻ: "Chúng tôi phải vay mượn để trợ cấp cho nhân viên, duy trì máy móc và cơ sở. Nếu tình trạng đóng cửa kéo dài, chuỗi 20 chi nhánh sẽ rơi vào tình trạng kiệt quệ, buộc phải đóng cửa". Hiện tại, một số hệ thống đã gửi đơn đề xuất xin mở cửa ngành dịch vụ giải trí này tới Chủ tịch UBND Thành phố và các ban ngành liên quan để nhờ giúp đỡ. Tuy nhiên, trước tình hình dịch còn nhiều phức tạp, vấn đề này rất khó giải quyết.

Xem thêm tại đây!