Trang tin Bloomberg ngày 26/12 đã dẫn lại kết quả một nghiên cứu cho thấy virus SARS-CoV-2 chỉ mất vài ngày để lây lan từ đường hô hấp sang khắp cơ thể và có thể tồn tại dai dẳng cả trăm ngày sau đó.
Nghiên cứu này được đánh giá là toàn diện nhất tính đến nay khi nói tới sự phân bố và tồn tại của virus trong cơ thể và não bộ. Các nhà khoa học thuộc Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) cho biết, họ phát hiện ra rằng mầm bệnh có khả năng nhân bản, tái tạo bên ngoài đường hô hấp trong cơ thể người.
Nghiên cứu về khả năng tồn tại của SARS-CoV-2 trong cơ thể người được các trang tin đăng tải. (Ảnh: Chụp màn hình Bloomberg)
Ngoài ra việc chậm thanh lọc virus ra khỏi cơ thể là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến những triệu chứng kéo dài hay còn gọi là di chứng ở những bệnh nhân đã khỏi Covid-19. Ziyad Al-Aly – giám đốc Trung tâm dịch tễ lâm sàng tại Hệ thống chăm sóc sức khỏe cựu chiến binh St Louis tại bang Missouri, Mỹ nhận định:
“Trong một khoảng thời gian dài, chúng ta vẫn tự hỏi tại sao Covid kéo dài lại ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể người đến thế. Và nghiên cứu này đã giúp chúng ta hiểu ra vấn đề, giải thích lý do Covid có thể để lại di chứng với cả những người mắc ở thể nhẹ hoặc không có triệu chứng.”
Bệnh nhân mắc Covid-19 có thể phải chịu di chứng kéo dài. (Ảnh: Manila Times)
Dữ liệu của nghiên cứu này được NIH thu thập tại thành phố Bethesda, bang Maryland, Mỹ, dựa trên việc lấy mẫu và phân tích các mô được lấy trong quá trình khám nghiệm 44 bệnh nhân mắc Covid-19 không qua khỏi trong năm đầu dịch bệnh xảy ra ở Mỹ.
Theo Daniel Chertow – người đứng đầu bộ phận nghiên cứu các mầm bệnh mới của NIH, mức độ nghiêm trọng của lây nhiễm bên ngoài đường hô hấp cũng như thời gian cần để loại bỏ virus vẫn chưa thể hiện sự rõ ràng, đặc biệt là ở não.
Nhóm nghiên cứu của ông Daniel phát hiện ở 1 trong số 44 người nói trên, có người 230 ngày sau khi F0 bắt đầu có các triệu chứng mắc bệnh, RNA của virus SARS-CoV-2 vẫn hiện diện ở nhiều bộ phận trong cơ thể, bao gồm cả vùng não trên. Ngoài ra còn 5 F0 khác qua đời hơn 1 tháng sau khi mắc Covid-19 vẫn tìm thấy được RNA của SARS-CoV-2 trong não bộ.
Ở nhiều người, virus SARS-CoV-2 vẫn còn tồn tại trong cơ thể nhiều tháng sau khi khỏi. (Ảnh: The Bangkok Post)
Các chuyên gia của NIH cũng sử dụng nhiều biện pháp bảo quản mô khác nhau để phát hiện và tính toán nồng độ virus được thu thập từ phổi, tim, ruột non và tuyến thượng thận từ 44 người trên: “Các kết quả cho thấy, mặc dù nồng độ cao nhất của SARS-CoV-2 là ở đường hô hấp và phổi nhưng virus này có thể phát tán sớm trong quá trình lây nhiễm và lây lan ra tế bào trên khắp cơ thể, bao gồm cả não bộ.” – các nhà khoa học cho biết.
Chốt lại về nghiên cứu này, ông Al-Aly cho hay: “Chúng ta cần bắt đầu nghĩ về SARS-CoV-2 như một loại virus sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể người. Nó có thể biến mất ở một số người khỏi bệnh nhưng đối với người khác sẽ tồn tại trong nhiều tuần, thậm chí là nhiều tháng dẫn đến di chứng Covid kéo dài.”
Tiêm vaccine là biện pháp khả quan nhất hiện nay để ngăn ngừa virus SARS-CoV-2. (Ảnh: SCMP)
Các tác động của virus SARS-CoV-2 gây ra Covid-19 lên cơ thể con người là không thể coi thường. Do đó, việc làm sao để không bị nhiễm dịch bệnh vẫn là điều quan trọng nhất cho sức khỏe chúng ta.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!
CHẾ ĐỘ ĂN PHÙ HỢP LOẠI BỎ DI CHỨNG COVID
Trong bộ tài liệu "Hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền để phòng, chống dịch Covid-19" mà Bộ Y tế đưa ra đã hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng để điều trị các di chứng cho F0 khỏi Covid.
- Nếu cảm thấy ớn lạnh, sợ lạnh, hay lạnh bụng, đau dạ dày khi ăn đồ sống lạnh (vị hàn), dễ tiêu chảy, sôi lạnh bụng: Ăn gừng, hành, canh cải xanh nấu gừng, rau mùi.
- Nếu thấy khô miệng, khô họng, khát nước, nóng bứt rứt: Uống trà xanh, ăn đậu đỏ, đậu xanh, khế, dưa hấu, sương sâm, nước dừa tươi.
- Nếu thấy ho, khạc đờm: Ăn lê, bạch quả, ô mai, trần bì, cải thảo, tía tô.
- Nếu thấy ăn uống không ngon miệng, hay chướng bụng: Ăn sơn tra, đậu ván, hoài sơn, phục linh, củ cải, sa nhân.