Sắp ban hành và thí điểm bộ quy tắc ứng xử cho người Hà Nội?

08:00 08/01/2015

Bộ khung quy tắc ứng xử tại nơi công cộng của người dân Hà Nội đã được thông báo đang vào giai đoạn hoàn thiện và thí điểm ngay trong năm 2015

Mới đây, theo thông tin được biết, bộ khung quy tắc ứng xử tại nơi công cộng của người dân Hà Nội đã được thông báo đang vào giai đoạn gấp rút hoàn thiện để kịp thời hạn thí điểm ngay trong năm 2015, đảm bảo được các tiêu chí ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện. Cụ thể, các tiêu chí của bộ khung quy tắc ứng xử này được xây dựng và đưa ra cho 6 nhóm đối tượng với những quy tắc riêng, bao gồm: Khu dân cư, Trường học, Doanh nghiệp, Khu vực cộng đồng, bệnh viện, cơ quanh hành chính.


	
	Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo VnExpress, Giám đốc Sở Văn hóa, ông Tô Văn Động, cũng cho biết "đề án “Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị cộng đồng dân cư thành phố Hà Nội” đã được UBND thành phố thông qua và đang chờ duyệt lần cuối, trước khi đưa ra thí điểm với một số nhóm.

Để giải đáp thắc mắc về tính bắt buộc của bộ khung quy tắc này, ông Động cũng cho rằng, đây hoàn toàn không phải là văn bản quy phạm nên sẽ nói bắt buộc thực hiện là không đúng. Tuy nhiên, đối với những hành vi vi phạm quy tắc ứng xử, như vứt ra nơi công cộng, hay gây mất trật tự, xâm hại, bôi bẩn lên các công trình công cộng,... sẽ có những biện pháp xử lí thích đáng.


	
	Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nếu nói về những nét văn hóa ứng xử nơi công cộng đặc trưng ở Hà Nội, không ít người đã phải thừa nhận rằng "nét nhã nhặn, thanh lịch của người Hà Nội đang dần mất đi". Như TS Lê Thị Bích Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương, từng nhận xét "lối cư xử nhã nhặn, thanh lịch của người Hà Nội nay đang mất dần, thay vào đó là cách đối xử xô bồ, tục tĩu, huỵch toẹt, thiếu văn hóa". Với mong muốn xây dựng và đi tìm lại "nét đẹp văn hóa ứng xử cao quý" đó, Sở VHTT&DL Hà Nội đã quyết định thực hiện đề án xây dựng nên bộ khung quy tắc ứng xử này.


	
	Lãnh đạo thành phố cho rằng không ở đâu người dân đi lại lộn xộn như ở Hà Nội. Ảnh: Bá Đô.
Lãnh đạo thành phố cho rằng không ở đâu người dân đi lại lộn xộn như ở Hà Nội. Ảnh: Bá Đô.

Vào những ngày cuối tháng 3/2014, thông tin về việc Sở VHTT&DL Hà quyết định ban hành bộ quy tắc ứng xử dành cho người dân Hà Nội đã một lần "dậy sóng" và gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Thành phố Hà Nội cũng đã tiến hành thu thập ý kiến hoàn thiện việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử này, nhằm xây dựng hình ảnh đẹp về người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Tuy nhiên, ngay tại thời điểm đó, với những quy định có phần dài dòng, phức tạp và mơ hồ, bộ khung quy tắc ứng xử này đã vấp phải nhiều băn khoăn về tính khả thi từ phía dư luận.


	
	Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khi thông tin về Bộ khung quy tắc ứng xử này được thông báo đang vào giai đoạn hoàn thiện và chuẩn bị áp dụng thí điểm, một lần nữa lại xuất hiện nhiều ý kiến tranh luận trái chiều từ cộng đồng. Nhiều người vẫn tỏ ra khá băn khoăn về tính khả thi của những quy tắc ứng xử này.

"Quan trọng là cách thực hiện và tác dụng đến đâu. Một bộ quy tắc hay mà thực hiện không ra gì như kiểu cấm hút thuốc lá nơi công cộng nhưng chẳng thấy ai xử phạt thì cũng vô tác dụng thôi", một bạn có tên Chi Quang bày tỏ suy nghĩ.

"Bộ quy tắc ứng xử sẽ là tiền đề cho một Thủ đô hoàn toàn văn minh, lịch sự. Là điển hình để các địa phương khắp cả nước làm theo. Nước Việt Nam sẽ ngày càng thân thiện trong mắt bạn bè quốc tế", một bạn có nickname là Ánh Trăng bình luận.

"Nếu thực hiện thí điểm và áp dụng, mong rằng sau khi bộ quy tắc ứng xử được công bố, các bên liên quan cam kết thực hiện nghiêm túc.", bạn Nhật Thông nhấn mạnh.

"Mục đích rất tốt. Tuy nhiên tính khả thi sẽ thế nào, nhất là nhóm đối tượng người dân nơi công cộng? Và nếu khả thi, thì bằng cách nào để triển khai thực hiện có hiệu quả", Lợi Nguyễn chia sẻ.


	
	Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tất nhiên, bất kì câu chuyện, sự việc nào đều sẽ có nhiều mặt và những phản ứng trái chiều, đặc biệt là khi có sự ảnh hưởng đến số đông dư luận. Không thể phủ nhận những lợi ích có thể nhìn thấy được khi bộ quy tắc ứng xử này được thực hiện một cách thành công và hiệu quả. Tuy nhiên, có thể nói, việc xây dựng nếp sống văn hóa không phải câu chuyện "sớm chiều". Quy tắc phải càng đơn giản, dễ nhớ, dễ thuộc thì càng dễ đi vào đời sống. Để bộ khung quy tắc này khi được đưa ra thí điểm và áp dụng nhận được sự đồng thuận của mọi người thì hẳn nhiên rất cần sự ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện và phù hợp với những nét văn hóa đặc trưng của người dân nơi đây.

Dự thảo Bộ khung quy tắc đưa ra các tiêu chí cụ thể với 6 nhóm đối tượng cụ thể như sau:

Quy tắc ứng xử đối với lãnh đạo cơ quan/tổ chức: Gương mẫu; Đảm bảo công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch; Lắng nghe; Tận tâm với công việc; Thực hành tiết kiệm; Xây dựng tập thể đoàn kết.

Với thầy, cô giáo: Thương yêu, vị tha, đối xử công bằng; Nhân ái, chia sẻ, cảm thông; Thân thiện, thấu hiểu; Gương mẫu; Yêu nghề, ham học hỏi; Bảo vệ lẽ phải; Tác phong, cử chỉ, trang phục phù hợp với môi trường học đường.

Người dân nơi công cộng: Chấp hành nội quy, quy định; Tôn trọng, thân thiện; Văn minh, lịch sự; Đoàn kết, chia sẻ; Bảo vệ di tích lịch sử, cảnh quan, môi trường; Ý thức phê phán những hành vi vi phạm quy định.

Quy tắc ứng xử đối với y, bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế: Thực hiện các chuẩn mực y đức; Kiên nhẫn, cảm thông, tận tình, chu đáo; Tôn trọng, đúng mực trong giao tiếp; Cung cấp thông tin và chỉ dẫn đầy đủ, cụ thể; Không phân biệt đối xử, tận tâm và trách nhiệm với công việc

Các chuẩn mực ứng xử tối thiểu doanh nghiệp: Tôn trọng đạo đức kinh doanh; Coi trọng chữ tín; Công bằng; Tôn trọng; Chia sẻ lợi ích và trách nhiệm xã hội.

Ứng xử tại khu dân cư: Tôn trọng; Chân thành, cởi mở; Cảm thông, chia sẻ; Thân ái, đoàn kết; Bình đẳng; Trách nhiệm; Các quy tắc ứng xử cụ thể