Ngành nghề phổ biến nhất internet hiện tại chính là quan tòa, với một đội ngũ chuyên phán xét, kết tội người khác cực kì đông đảo...
Trào lưu bắt chước ngôi sao, người nổi tiếng xem ra không còn thịnh hành trên internet nữa. Một dấu hiệu đáng mừng cho thấy sự chuyển biến rõ rệt trong ý thức của một bộ phận không nhỏ cư dân mạng đang được bắt đầu, với trào lưu mong muốn trở thành những vị... quan tòa. Tuy nhiên, thay vì cố gắng học hành, trau dồi kiến thức để có thể trở thành người đại diện cho công lý, đông đảo cư dân mạng đang đi đường tắt để trở thành những vị quan tòa sau bàn phím, với việc thả sức phán xét, kết tội người khác, nhất là những ngôi sao.
Rất nhiều cư dân mạng đang cố gắng trở thành quan tòa bằng cách phán xét và chỉ trích người nổi tiếng.
Không khó để tìm ra những nạn nhân của các quan tòa sau bàn phím. Phần lớn các ngôi sao đều ít nhiều chịu sự "phán xử" của lực lượng đông đảo và vô cùng rảnh rỗi này. Từ sao hạng A đình đám cho tới những sao vừa mới nhú, người nổi tiếng cho tới các hotgirl, tất cả họ đều có thể phải đứng trước vành móng ngựa hình bàn phím để nhận sự phán xử của những quan tòa mạng!
Chứng cứ ư? Không quan trọng lắm, bởi đây là... quan tòa mạng, quan tòa bàn phím chứ đâu phải quan tòa thật? Cũng chẳng cần tới một văn bản pháp lý hoặc điều gì tương tự để dựa vào, họ chủ yếu dựa vào sự hiểu biết hạn hẹp, những tin đồn và một tâm thế hả hê, khoái trá khi được quyền "phán xử" người nổi tiếng, những ngôi sao - những người mà ở thế giới thật, họ luôn đứng ở xa để ngước nhìn...
Có thể viết được cuốn tiểu thuyết chừng 10 tập về Hồ Ngọc Hà thông qua bức ảnh này.
Thứ bằng chứng phổ biến nhất để những quan tòa ảo dựa vào chính là hình ảnh. Hồ Ngọc Hà ư? Rành rành bức ảnh chụp với đại gia đây rồi, xem cô ta lấy gì để cãi đây? Đại gia này có vợ con hẳn hoi đấy, đang sống hạnh phúc lắm đấy, tôi đã nhìn thấy ảnh của họ ở đây này! Dẫu rằng những bức ảnh không có chức năng kể chuyện hay khả năng làm nhân chứng, chúng vẫn mặc nhiên được gán ghép cho đủ mọi thứ chức năng siêu phàm ấy. Chỉ từ một bức ảnh vô tri, có tới hàng ngàn câu chuyện sẽ được suy diễn ra phía sau nó và ngạc nhiên thay, tính chân thực của những điều tưởng tượng ấy lại thường được đánh giá rất cao.
Kỳ Duyên cũng từng lao đao không ít lần vì những nhân chứng sống mang tên bức ảnh. Từ tấm hình ôm dưa làm từ thiện được dân mạng "soi" ra luôn sự giả dối trong đó (họ đúng là những thiên tài), cho tới hình ảnh cô đi nhặt rác trên bờ biển cũng được hiểu thành trò diễn xuất của nàng hoa hậu, có vẻ như khả năng "đuổi hình bắt chữ" của cư dân mạng đã đạt tới trình độ thượng thừa. Đỉnh cao là với tấm hình "ngủ kém duyên" trên máy bay, vấn đề "tam tòng, tứ đức" của người phụ nữ Việt còn được nhiều quan tòa mạng đem ra răn dạy cô chân dài nổi tiếng mới thật là... đáng sợ!
Bức ảnh về dáng ngủ của Kỳ Duyên thậm chí còn tạo ra vô số tranh cãi về vấn đề truyền thống gia đình, "tam tòng, tứ đức" và vô số bài học về nét đẹp của người phụ nữ Á Đông.
Những nhiếp ảnh gia lừng lẫy nhất thế giới có lẽ cũng khóc thét khi biết một bức ảnh bình dị của người nổi tiếng tại Việt Nam có thể kể ra hàng ngàn câu chuyện về nhân vật chính, thậm chí chẳng liên quan gì tới nhau cho lắm. Trong khi những tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp nhiếp ảnh của họ cũng chỉ có thể truyền tải được dăm ba thông điệp cũng đã là cả một thành công rực rỡ và đáng tự hào.
Ngoài hình ảnh, còn một chứng cứ cực kì thuyết phục nữa mà các vị quan tòa nghiêm khắc sau bàn phím ưa dùng, đó là những chia sẻ từ cư dân mạng. Những chuyện kể đại loại: "Scandal A này ư, tôi biết chứ, vì tôi ở ngay chỗ đó mà", hoặc "Ôi sao xẹt gì, tôi chơi với người mẫu này từ bé tới lớn, chuyện là như vậy..." rất phổ biến trên internet, đặc biệt là sau một sự cố ồn ào. Thật ra, những chứng cớ dạng này thuộc dạng rất khó làm giả, khi phải cần tới 5 phút ngồi trước máy tính để gõ ra và nhấn nút đăng tải lên facebook. Chính vì vậy, chúng rất được ưa chuộng sử dụng làm bằng chứng hùng hồn để kết tội đối tượng tình nghi!
Hồng Quế cũng là nạn nhân mới nhất của những "quan tòa mạng"
Như cô nàng chân dài Hồng Quế chẳng hạn, vụ ồn ào "phát nước để chụp ảnh" của cô cũng đến từ những chứng cớ xuất phát từ bàn phím. Chỉ cần một chia sẻ kiểu "tận mắt có mặt tại chính nơi Hồng Quế phát nước và thấy cô ta chả làm gì, chỉ đứng tạo dáng chừng 1 phút để chụp hình", lập tức cô nàng chân dài nhận đủ gạch đá để xây tới mấy tòa biệt thự. Bất chấp hình ảnh cho thấy cô đứng từ điểm này tới điểm khác, phát nước cho hàng chục người khác nhau dưới trời nắng chang chang, rất nhiều quan tòa vẫn khăng khăng tin vào sẻ chia của "nhân chứng nặc danh".
Rõ ràng, mức độ đáng tin của những thông tin như vậy chỉ ngang bằng với chuyện cổ Grim hoặc Andersen, tuy nhiên sự ngây thơ của cư dân mạng lại ghê gớm hơn người ta tưởng, khi 10 người thì có tới 9 đặt niềm tin tuyệt đối vào nó. Trong khi, những "người thật, việc thật" như Hoàng Touliver, Justa Tee - những người trực tiếp có mặt tại hiện trường - phẫn nộ giải thích thì họ lại điềm nhiêm cho qua, hệt như một thứ không hề đáng tin một chút nào!
Những bằng chứng hùng hồn kết tội Hồng Quế được các "quan tòa" sử dụng
Thật ra, cư dân mạng hay những vị quan tòa bàn phím không hề ngây thơ như vậy. Có điều, họ luôn thích tin vào những điều "đúng ý mình", hơn là những gì ngược lại. Họ sẵn sàng vơ ngay lấy một ý kiến có lợi cho việc phán xét và chỉ trích của mình, chẳng cần biết chúng tới từ đâu và độ chính xác ra sao. Câu "không có lửa sao có khói" luôn được sử dụng như một câu thần chú trong những tình huống kiểu này, cùng các biến thể của nó như dạng "không có sao người ta dám nói"?
Họ quên mất rằng tục ngữ Việt còn có câu "ăn không nói có" cũng phổ biến không kém, và câu chuyện gần chục cư dân mạng nhận là chủ chiếc Iphone 6 bị bẻ cong vẫn còn khiến người ta chưa hết buồn cười. Uy tín cũng như sự đáng tin của "cư dân mạng" cũng ngang ngửa với "ông chú Viettel", "ông bác Vinaphone" - những giai thoại một thời của internet hiện đang bóc lịch trong nhà đá!
Trào lưu thích làm "quan tòa" phán xét, chỉ trích người khác đang ngày một thịnh hành trên mạng internet. Nói cho cùng, nó cũng là một hình thức biểu lộ sự mặc cảm, tự ti và ích kỷ ẩn chứa trong rất nhiều những "cư dân mạng". Họ hằn học, tức tối trước những người thành công và cảm thấy hả hê, sung sướng khi có thể "trừng trị" các ngôi sao, người nổi tiếng, dù chỉ qua bàn phím và màn hình máy tính. Họ coi đó như một trò tiêu khiển độc ác và đầy khoái trá, giúp họ giảm bớt những stress, căng thẳng gặp phải ở đời thường.
Rất nhiều những kẻ thất bại và kém cỏi trong cuộc sống đang giải tỏa sự khó chịu, bất lực của mình vào những con chữ trên máy tính, như một hình thức tự ám thị và ve vuốt sự tự ti trong suy nghĩ. Họ chính là những "quan tòa mạng" - những kẻ ưa phán xét và định tội cho người khác bằng sự ích kỷ và độc ác của chính mình.
Quan tòa ảo, phán xét trên bàn phím, nhưng những hình phạt nặng nề lại là điều có thật đối với những nạn nhân của họ. Rất nhiều ngôi sao, người nổi tiếng đã bị bôi nhọ hình ảnh, gặp phải vô số phiền phức trong cuộc sống riêng tư, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự nghiệp cũng như kinh tế. Và như một lẽ đương nhiên, những kẻ gây tội sẽ phải bị trừng trị, dù chúng có núp ở đâu đó sau màn hình máy tính.
Đã có những "quan tòa mạng" thích phán xét, chỉ trích và kết tội người khác đang chuẩn bị đối mặt với những quan tòa thật ngoài đời, bởi những việc làm tưởng chừng rất "ảo" của mình. Hi vọng, đó cũng sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh cho tất cả những ai đang mải mê với nghề "quan tòa" sau bàn phím, hăng hái với những ý nghĩ đen tối, độc ác trong đầu và ảo tưởng về việc mình hoàn toàn vô tội...