Sàn thương mại điện tử Taobao: ngôi vị độc tôn đang lung lay

21:30 26/10/2021

Thành công hay thất bại trong kinh doanh là do thái độ trong suy nghĩ nhiều hơn là khả năng suy nghĩ  - Walter Scott

Không chỉ là sàn thương mại điện tử lớn nhất và có lịch sử lâu đời nhất tại Trung Quốc, Taobao còn là sàn kinh doanh và bán lẻ trực tuyến lớn nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài là một nơi để mua bán online, đây còn là một đế chế, và phần nào đó, cũng là một biểu tượng khi nhắc đến đất nước tỷ dân. 

Ra đời và phát triển

Alibaba thành lập năm 1999, đến ngày 10/5/2003 công ty này bỏ vốn thành lập Taobao. Mô hình ban đầu của Taobao giống với Eachnet (được eBay mua lại), là “chợ” trực tuyến cho mọi người tự do buôn bán. Ban đầu, phương thức thanh toán khi giao dịch tại Taobao vẫn là người mua chuyển tiền trực tiếp cho người bán. Tuy nhiên, rõ ràng phương thức này bất tiện, có nhiều rủi ro và khó lòng khiến dùng tin tưởng khi mua hàng.

Khi Taobao chưa ra đời, mọi người sử dụng Eachnet, tuy nhiên trang web này áp dụng hình thức thu phí cho cả hai bên thực hiện giao dịch, sự bất tiện này khiến Eachnet không thể phổ biến ở Trung Quốc. Taobao ra đời không chỉ không dùng phương thức thu phí song phương mà với công cụ trung gian Alipay đã khiến việc thanh toán dễ dàng và an tâm hơn khi người mua thanh toán với Alipay trước, sau khi xác nhận đã nhận được hàng thì người bán mới nhận được khoản thanh toán. Alipay chính là dấu mốc quan trọng, là cầu nối giúp các hoạt động giao dịch trên Taobao tăng lên. Theo Baidu, tổng doanh thu giao dịch thành công của Taobao trong năm đầu tiên ra mắt là 34 triệu NDT.

Rất nhanh, tới năm 2005 Taobao vượt qua Eachnet của eBay, Yahoo Japan và các đối thủ khác để trở thành nền tảng mua sắm trực tuyến lớn nhất châu Á. Hai năm sau, Taobao trở thành nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất châu Á với doanh thu hơn 40 tỷ USD. Thêm một năm sau nữa, Taobao Mall ra đời với hình thức hoạt động B2B, đây chính là tiền thân của Tmall hiện tại. Để rồi, năm 2009 là một dấu mốc mới của Taobao, khi nền tảng này trở thành nơi mua bán tổng hợp lớn nhất Trung Quốc với mức giao dịch cả năm đạt đến 208,3 tỷ NDT. 

Tháng 6/2011, Công ty Taobao dưới trướng Tập đoàn Alibaba tách ra thành 3 công ty độc lập, gồm Taobao với hình thức hoạt động C2C như định hướng ban đầu, Taobao Mall với hình thức B2C và công cụ hướng dẫn mua sắm Etao. 

Đến giờ, Taobao vẫn duy trì vị thế là sàn thương mại điện tử lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là nền tảng mua sắm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc với hơn 500 triệu người đăng ký và hơn 60 triệu lượt truy cập mỗi ngày, số lượng sản phẩm được trưng bày trên trang này cũng vượt con số 800 triệu và mỗi phút có hơn 48 triệu sản phẩm được bán ra. Chưa hết, ngoài khối lượng giao dịch khổng lồ, Taobao còn tạo ra hơn 4,67 triệu cơ hội việc làm trực tiếp. Từ một mạng lưới C2C đơn nền tảng này đã biến thành một vòng bán lẻ tổng hợp nhiều hình thức đa dạng bao gồm C2C, mua nhóm, bán lẻ, đấu giá...

Đè bẹp gã khổng lồ eBay

Thành công của Taobao trước tiên gắn với thời điểm ra đời. Không chỉ xuất hiện sớm hơn so với các nền tảng thương mại điện tử quốc nội khác, điều quan trọng hơn cả là Taobao đã có mặt đúng vào lúc thời điểm internet đang dần phổ biến, để rồi nắm chắc mảng thương mại điện tử của Trung Quốc nhờ việc nắm bắt  thị trường sớm và hiểu người tiêu dùng.

Thời kỳ đầu, Taobao đến với người dùng bằng cách đặt quảng cáo trên các trang web vừa và nhỏ - vốn đang bị mất lợi nhuận sau quy định về cường độ những tin nhắn ngắn. Giai đoạn tiếp theo, Taobao cùng MSN và các trang web khác hình thành liên minh, nhằm thay đổi nhận thức của mọi người. Tất nhiên Taobao cũng rất biết cách dùng các phương tiện truyền thông khác. Điển hình, tại tuần lễ phát thanh và truyền hình quốc tế Bắc Kinh năm 2004, nền tảng này đã lợi dụng các bộ phim Tết đang hot để đẩy mạnh độ nhận diện cho mình, ngoài ra còn lấy các đạo cụ trong phim đưa lên mạng bán đấu giá.

Taobao cũng thường xuyên thay đổi giao diện trang web để ngày càng ngày càng trở nên dễ sử dụng hơn với mọi người, đồng thời thành lập trung tâm chăm sóc khách hàng và ra mắt các không gian ảo như nơi kiến nghị, hỏi đáp hay câu chuyện ở Taobao... Đặc biệt, nắm được tâm lý lo ngại khi mua hàng online của người dùng ở giai đoạn đầu, nền tảng này liên tục cập nhật  các chính sách để tạo  sự an tâm cho người dùng. Điển hình, người bán hàng trên Taobao phải đăng ký tên thật, trải qua nhiều quy trình để xác nhận và được kiểm tra đều đặn hàng năm.

Đặc biệt, với chỗ dựa là Alibaba, Taobao đã hưởng lợi rất nhiều với kinh nghiệm đi trước của công ty mẹ và nhanh chóng thoát khỏi quy mô của một trang web bán hàng đơn thuần. Vốn dĩ Alibaba đã có mối liên hệ rất tốt với hệ thống doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Trung Quốc. Và khi tạo dựng Taobao, công ty mẹ này đã dùng toàn bộ những mối quan hệ tích cóp đươc trong 5 năm để thúc đẩy các doanh nghiệp xuất hiện trên nền tảng này. Cộng cùng 60 triệu NDT tiền phí quảng cáo bỏ ra khi đó, người dùng đã “đổ xô” tới Taobao và lập tức được đáp ứng bởi một hệ thống hàng hóa đặc biệt đầy đủ, có đảm bảo về hệ thống tín dụng cũng như các giải pháp ngăn ngừa rủi ro khi thanh toán mà Alipay gánh vác.

Eachnet được eBay mua lại với mong muốn đánh chiếm thị trường Trung Quốc, nhưng rất nhanh nó đã bị Taobao đánh bại và rút khỏi nước này (Ảnh:Medium)Eachnet được eBay mua lại với mong muốn đánh chiếm thị trường Trung Quốc, nhưng rất nhanh nó đã bị Taobao đánh bại và rút khỏi nước này (Ảnh:Medium)

So sánh giữa thành công của Taobao và sự sụp đổ của mạng eBay khi đổ bộ vào đất nước này, nhiều người đã phân tích rõ: Eachnet của eBay đi theo lộ trình C2C, thế nhưng Trung Quốc vốn không hề có truyền thống mua bán đồ secondhand như Mỹ. Còn con đường Taobao đi là small B2C, đưa các doanh nghiệp nhỏ lên internet. Đây là thị trường có lượng người dùng khổng lồ tại Trung Quốc. Giải quyết được bài toán lòng tin, có lượng hàng hóa khổng lồ với sự tham gia của rất nhiều thương gia vừa và nhỏ, người dùng lại gần như không phải mất quá nhiều tiền cho phí vận chuyển mà còn có thể nhận hàng nhanh chóng, Taobao đã có đủ tất cả điều kiện để thắng tuyệt đối trong ván bài này.

“Hụt chân” tại Đông Nam Á

Sự thành công của Taobao từ lâu đã vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc. Điển hình, tại Việt Nam, mua hàng Taobao không còn là việc quá khó khăn hay xa lạ. Với người Việt, hàng hóa ở Taobao vừa đa dạng,vừa có thể mua được với giá hời nếu có chút kiến thức và kinh nghiệm để mua trực tiếp, hoặc qua các công ty chuyên order hàng từ Taobao.

Và thực tế, sớm nhìn ra tiềm năng của thị trường Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á, Alibaba đã đổ tiền đầu tư vào Lazada – nền tảng có thể coi là một phiên bản quốc tế của Taobao. (Nếu đã từng dùng Taobao, người ta có thể thấy Lazada có độ tương đồng rất lớn về giao diện và cách sử dụng).

Ngoài ra, Alibaba cũng đưa các mặt hàng ở Taobao tiếp cận với thị trường nước ngoài thông qua Lazada với “LazGlobal”. Theo đó, với “LazGlobal”, người Việt có thể tiếp cận và mua sắm các mặt hàng được bán trên Taobao ngay tại Lazada với mức giá không chênh lệch quá nhiều. Thậm chí, ngoài cho phép các shop ở Trung Quốc mở cửa hàng tại “LazGlobal”, Lazada còn có một nút tổng hợp riêng cung cấp nhiều loại hàng hóa từ Taobao với tên gọi Taobao Collection.

Có nghĩa, nếu hỏi tham vọng của Taobao (hay Alibaba) tại Việt Nam là gì, câu trả lời chính là Lazada.

Với Taobao Collection, người dùng nước ngoài có thể mua các mặt hàng do các shop ở Taobao phân phối (Ảnh: Cap màn hình)Với Taobao Collection, người dùng nước ngoài có thể mua các mặt hàng do các shop ở Taobao phân phối (Ảnh: Cap màn hình)

Nhưng, cũng tại Việt Nam và Đông Nam Á, dù được Alibaba đổ tiền tấn để mua lại và đầu tư, Lazada lại không hề thành công, thậm chí đánh mất thị phần vào tay Shopee – đối thủ có sự hậu thuẫn từ một ông lớn khác của Trung Quốc là Tencent. Và dường như lịch sử đang lặp lại: Trong quá khứ, Eachnet từng thất bại trước Taobao vì bán mình cho eBay quá sớm, cộng cùng những quyết định chậm chạp từ eBay khi đối đầu với con sóng mới mang tên Taobao. Còn bây giờ, có vẻ Alibaba đã giẫm phải vết xe đổ của eBay khi mua lại Lazada với quá trình chuyển giao và tiếp quản bộ máy quản lý vô cùng cồng kềnh.

Nói cách khác,  Eachnet “xuống mồ” vì không hiểu văn hóa Trung Quốc. Còn đến lượt mình, Alibaba cũng để để lịch sử lặp lại với sự xung đột văn hóa sâu sắc đến từ chính những quản lý cấp cao của Lazada. Hành động chậm chạp sau khi chuyển giao, xung đột văn hóa dẫn đến sự ra đi của nhiều nhân viên thấu hiểu thị trường Đông Nam Á dẫn tới hệ quả là Lazada bị tụt lại một quãng xa trong cuộc đua với Shopee.

Lazada không khả quan, con đường của Taobao ở thị trường trong nước cũng không hẳn là sáng sủa

Tháng 4 vừa qua Alibaba đã bị chính phủ trừng phạt 18,23 tỷ NDT vì cáo buộc độc quyền, mức phạt này tương đương 4% doanh thu của Alibaba năm 2019. Chưa hết, những chính sách của chính phủ Trung Quốc về chống độc quyền và hạn chế quyền lực của các tập đoàn lớn không chỉ ảnh hưởng đến Alibaba mà tới cả các công ty con, trong đó có Taobao. 

Tháng 4 vừa qua Alibaba đã có một quãng thời gian khó khăn khi chính phủ Trung Quốc áp dụng lệnh trừng phạt chống độc quyền với Tập đoàn này (Ảnh: APF)Tháng 4 vừa qua Alibaba đã có một quãng thời gian khó khăn khi chính phủ Trung Quốc áp dụng lệnh trừng phạt chống độc quyền với Tập đoàn này (Ảnh: APF)

Ở thời điểm hiện tại, khi nhà nhà, người người đổ tinh lực và vốn liếng vào thị trường thương mại điện tử, Taobao cũng đang chịu sức ép rất rất từ những đối thủ đang liên tục bứt tốc và chiếm thị phần. Trong đó, đối thủ trực diện của họ chính là Wechat của Tencent với Wechat Mall được tích hợp trong chính siêu ứng dụng này, cũng như hành động hợp tác chiến lược cho phép người dùng của Wechat có thể trực tiếp đi đến JD hay Youzhan mua sắm.

Và cũng phải kể tới sự phát triển thần kỳ của một sàn thương mại điện tử khác là Pinduoduo, với hình thức ghép nhóm mua, càng nhiều người mua hàng càng rẻ. Hoặc, ở các sàn thương mại điện tử phát triển từ mạng xã hội, Douyin và Kuaishou -  hai ứng dụng mạng xã hội video ngắn lớn nhất Trung Quốc hiện nay cũng đang nhanh chóng chiếm lợi thế nhờ sẵn lượng người dùng khổng lồ, cũng như việc đảm bảo nền tảng về video và livestream cho xu thế thương mại điện tử mới ngày nay.

Bây giờ, Taobao - ông lớn về thương mại điện tử của Trung Quốc lần đầu tiên thưởng thức cảm giác làm kẻ chạy theo xu hướng khi nhìn thấy sự bùng nổ của livestream đã phải nhanh chóng cải tiến và cho ra mắt ứng dụng Taobao Livestream. Hành động này của Taobao cho thấy dù nó vẫn là số 1, nhưng không còn là tuyệt đối. Và như thế, thách thức của Taobao hiện tại không chỉ là có bắt kịp xu hướng hay không, mà là liệu nó có thể một lần nữa vượt lên để đón đầu người dùng?

LỜI NGƯỜI VIẾT

Câu chuyện Taobao đánh bật eBay ra khỏi Trung Quốc cho đến nay vẫn là một trường hợp kinh điển trong các câu chuyện về kinh doanh. Thời điểm ấy Jack Ma chỉ mới thành lập Alibaba hơn 4 năm, còn Taobao vẫn là một lính mới, nhưng họ đã đánh một trận rất đẹp và hất cẳng eBay ra khỏi Trung Quốc.