Dù đã phát sóng được 20 ngày nhưng đến nay "VTV Đặc biệt: Ranh giới" vẫn đọng lại trong tâm trí của khán giả bởi những thước phim quá đỗi chân thực. Trong đó cuộc gọi ngắn ngủi của sản phụ Võ Thị Kim Ngân với chồng khiến không ít người ám ảnh, nhận ra rằng khi đứng giữa lằn ranh của sự sống điều gì mới thực sự quan trọng.
Và đó cũng chính là lần cuối cùng chị Ngân đủ tỉnh táo nói chuyện với chồng trước khi rơi vào hôn mê sâu rồi không thể trở về đoàn tụ cùng gia đình.
Trước khi rơi vào hôn mê, nguyện vọng cuối cùng của chị là muốn gặp con. (Ảnh: Chụp màn hình)
Chia sẻ với Doanh nghiệp và Tiếp thị, anh Trần Văn Đen (31 tuổi, chồng chị Ngân) cho biết, khoảng đầu tháng 8, hai vợ chồng vào bệnh viện chuẩn bị sinh em bé thì phát hiện nhiễm Covid-19, điều trị tại BV Triều An. Sau đó, chị Ngân trở nặng nên được chuyển sang BV Hùng Vương. Ngày 13/8, các bác sĩ BV Hùng Vương hỗ trợ chị Ngân vượt cạn thành công, nhưng đó cũng chính là lúc bệnh tình chị chuyển nặng, phải chuyển sang phòng Hồi sức cấp cứu (ICU).
Những tưởng vợ sẽ sớm bình phục, nào ngờ cuộc gọi xuất hiện trong "VTV Đặc biệt: Ranh giới" cũng chính là lần cuối cùng anh được nghe thấy tiếng vợ mình. Nhớ lại, anh Đen kể, anh không nghe thấy vợ nói gì, chỉ thấy tiếng "ú ớ".
"Tôi không nghe được vợ nói em sợ quá hay muốn gặp con. Nếu mà nghe tiếng đó của vợ thì tôi đã nói em ơi, em hãy cố gắng lên, cố vượt qua để vợ tôi đỡ sợ rồi. Do tôi không nghe được nên chỉ hỏi đi hỏi lại vợ khỏe chưa, được một lúc thì vợ cúp máy…, anh Đen nghẹn lời nói với Doanh nghiệp và Tiếp thị.
Các bác sĩ động viên khi sản phụ thấy khó thở. (Ảnh: Chụp màn hình)
Sau đó, chị Ngân hôn mê sâu, tiếp tục sang BV Dã chiến tại quận 7 điều trị. Khoảng 14h10 ngày 5/9, anh Đen nhận tin nhắn thông báo vợ đã ra đi, đau đớn và không thể tin vào sự thật, anh gào khóc trong vô vọng.
Nhưng đáng thương hơn cả là bé K.N., vừa chào đời đã không được ở cạnh mẹ dù chỉ trong chốc lát. Người đàn ông 31 tuổi giờ đây phải vừa làm cha, vừa làm mẹ. Nhìn cái cách anh lòng ngóng pha sữa cho con ai cũng chạnh lòng.
Trong khi đó, con trai đầu của anh chị, bé T.Q.D., 8 tuổi lại chưa đủ lớn để hiểu những gì vừa xảy ra. Em vẫn ngày ngày đứng bên bàn thờ tạm của mẹ, chắp tay cầu nguyện mẹ sớm trở về.
"Hồi nãy con nghĩ mẹ con sẽ về, con mừng lắm nhưng con không thấy mẹ con. Cha nói người ta đem cốt mẹ về, mẹ sẽ không về được nữa", câu nói ngây thơ của D. khiến mọi người chỉ biết lặng im.
Giây phút các bác sĩ giành giật sự sống cho các sản phụ. (Ảnh: Pháp luật TP.HCM)
Dù buồn nhưng anh Đen cũng đang cố gắng gượng, sốc lại tinh thần để còn chăm lo cho 2 đứa con nhỏ.
Liên quan đến chăm sóc, bảo vệ trẻ em trước dịch Covid-19, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) - ông Đặng Hoa Nam cho biết trên báo Sức khỏe và Đời sống, tính đến ngày 31/8, có khoảng 250 trẻ rơi vào cảnh mồ côi cha, mẹ hoặc mất cả cha lẫn mẹ do dịch Covid-19. TP.HCM và Bình Dương là hai địa phương có số lượng trẻ em bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Để giúp đỡ các bé, cơ quan chức năng vẫn đang cố gắng tìm người thân, gia đình tự nguyện chăm sóc cho từng bé hoặc có kế hoạch đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội, hưởng chính sách. Đặc biệt, VTV News cho biết sau khi bộ phim tài liệu "Ranh giới" lên sóng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đã quyết định sẽ hỗ trợ 1 triệu đồng cho con của các sản phụ F0, được sinh ra trong thời điểm từ ngày 27/4 đến hết 31/12.
Mặc dù số tiền này không phải là quá lớn song nó cũng là nguồn động viên, an ủi, giúp các gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn, thể hiện tinh thần "lá lành đùm lá rách", không để ai bị bỏ lại phía sau.
Các bác sĩ tranh thủ chợp mắt khi các sản phụ tạm ổn định. (Ảnh: Chụp màn hình)
Trở lại câu chuyện về gia đình anh Đen, hi vọng trong thời gian tới, ba bố con sẽ sớm ổn định cuộc sống, vực lại tinh thần nhờ sự quan tâm của tất cả mọi người!
Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!
TÂM SỰ CỦA NỮ BÁC SĨ XUẤT HIỆN TRONG PHIM TÀI LIỆU "RANH GIỚI"
Trong cuộc chiến với Covid-19, đội ngũ y bác sĩ chính là những người trực tiếp đối mặt, chứng kiến giây phút nguy hiểm nhất của người bệnh. Đặc biệt, họ còn là chỗ dựa vững chắc cho các F0 bởi lúc này người nhà không thể ở bên chăm sóc.
Bác sĩ Lữ Thị Khánh Phương, chuyên khoa 1 Gây mê hồi sức, làm việc tại BV Hùng Vương cũng là một trong những bác sĩ xuất hiện trong Ranh giới cho biết, chị không nhớ những ca mình đã điều trị thành công bởi đó là mục tiêu, nhiệm vụ của chị, mà chị bị ám ảnh với những ca không qua khỏi. Đó là cảm giác tự trách bản thân và cảm thấy có lỗi với cả người nhà của họ.