“Những con đường mang tên Đừng có nhớ” lại là một câu chuyện dài về nỗi nhớ, thông qua truyện ngắn, tản văn, và thơ.
“Những con đường mang tên Đừng có nhớ” là quyển sách thứ hai được viết bởi Tùng Leo – nhân vật truyền hình nổi tiếng trong giới trẻ. Tùng Leo đã từng hợp tác với Nhà sách Phương Nam để ra mắt quyển sách đầu tiên vào năm 2013 mang tên “Tìm nhau giữa Sài Gòn” tạo được tiếng vang rất lớn trong người yêu sách trẻ tuổi trong năm qua. Trên cộng đồng mạng, câu nói “Sài Gòn bé vậy, sao tìm mãi chẳng ra nhau” đã được lan truyền với tốc độ nhanh chóng. Từ thành công đó, với lời hứa mỗi năm một quyển sách, Tùng Leo tiếp tục ra mắt “Những con đường mang tên Đừng có nhớ” với câu chủ đề “Sài Gòn toàn nỗi nhớ, làm sao có thể quên nhau?”.
Là một cây viết trẻ có sự cộng hưởng từ các công việc khác của mình, Tùng Leo đang được xem là “người tình của Sài Gòn” khi anh đã viết và đã xây dựng thành công nhiều chương trình, tản văn, bài báo… về Sài Gòn. Khác với cách nhìn Sài Gòn cũ kỹ, anh đại diện cho thế hệ 8X lớn lên ở thành phố này, biết trân trọng những giá trị bản sắc nhưng cũng dễ mở lòng vì những điều mới mẻ - một lối nghĩ dung hòa giữa thế hệ trước đó vốn dĩ rất hoài cổ và thể hệ sau này lại quá hướng ngoại và chưa đủ chiều sâu.
“Những con đường mang tên Đừng có nhớ” tiếp tục là những bản tình ca của một người Sài Gòn, với đa dạng thể loại: tản văn, truyện ngắn, thơ. Tác phẩm này được giới chuyên môn đánh giá là “vừa có tình, vừa có tứ”, thể hiện lối viết đầy chất lãng mạn của Tùng Leo.
Nhà thơ Ngô Hạnh có nhận định rằng về bút pháp, “Những con đường mang tên Đừng có nhớ” vượt xa quyển “Tìm nhau giữa Sài Gòn” của chính tác giả. Theo chị, đây là một tác phẩm đủ độ chín muồi, không chỉ là viết cho teen mà là cho giới trẻ, những ai đã đủ lớn để đi qua những ký ức tình yêu chín chắn, nhưng vẫn đủ trẻ trung để mãnh liệt trong từng khoảnh khắc đam mê. Quyển sách này “thấm đẫm chất si mê, ngọt ngào của tình yêu thời tuổi trẻ và chỉ có người trẻ mới nói được như thế về mình, nồng nàn những tình và tứ”.
Quyển sách này còn là sự gặp nhau giữa các nghệ sĩ trẻ. Trong sách có giới thiệu bức tranh vẽ nỗi nhớ Sài Gòn của họa sĩ trẻ Huỳnh Thụy Phan Trang đang sinh sống tại Pháp, cũng chính là “nàng thơ” của Tùng Leo khi anh sang Pháp, sáng tác truyện và thơ. Họa sĩ thiết kế Nguyễn Hiếu Đức tiếp tục thực hiện bìa sách lần này cho Tùng Leo với phép ẩn dụ rất thú vị về một tờ giấy vẽ con đường bị vò vứt đi nhưng vẫn còn nguyên đó. Ngoài ra, nhạc sĩ trẻ Phạm Hồng Phước cũng viết 3 bài hát lấy cảm hứng từ 3 tác phẩm nhỏ trong sách này. Sách có xuất bản ấn phẩm đặc biệt kèm theo Album của Phạm Hồng Phước.
Nếu “Tìm nhau giữa Sài Gòn” là những bài viết trên mạng xã hội, bài viết báo… trước đây của Tùng Leo được tổng hợp lại, thì “Những con đường mang tên Đừng có nhớ” lại là một câu chuyện dài về nỗi nhớ, thông qua truyện ngắn, tản văn, và thơ. Đó là nỗi nhớ về các mối tình đi qua, nỗi nhớ về những người bạn cũ, nỗi nhớ về những vùng đất… Trong quyển này, Tùng Leo công bố bài thơ anh viết vội khi hay tin ca sĩ Wanbi Tuấn Anh qua đời. Anh chia sẻ rằng anh giữ nguyên cảm xúc của bài thơ này dành cho Wanbi. Hai bài viết trong sách dành cho Wanbi sẽ cho thấy tình thân giữa họ - một tình bạn không ồn ào cho mãi đến khi Wanbi đã ra đi.
Ngày họp báo sẽ là 11.9 tại Café sách Phương Nam, 105 Trần Hưng Đạo B, Phường 6 quận 5.
Sau đó, Tùng Leo và Phạm Hồng Phước sẽ thực hiện đêm nhạc giới thiệu sách lúc 8 giờ tối cùng ngày tại Café Olive, 84 Trần Huy Liệu quận Phú Nhuận. Buổi họp báo đồng thời là buổi ký tặng sách cho đọc giả. Đêm nhạc không bán vé. Thư mời sẽ được gửi ngay trong Họp báo ra mắt.
Dự kiến, tháng 9 và 10, Tùng Leo và Phạm Hồng Phước sẽ tham gia các buổi giao lưu với sinh viên các trường Đại học tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.