Sài Gòn hậu Covid- 19: Nỗi sợ hoà nhập với “loài người"!

20:00 19/10/2021

“Nếu chúng ta không trải qua mùa đông, thì mua xuân sẽ không đến một cách dịu êm đến thế. Giống như việc nếu không trải qua nghịch cảnh thì làm sao biết được cảm giác của sự thành công"  Anne Bradstreet.

Sài Gòn bắt đầu nhen nhóm một mùa “sống lại" sau những tháng ngày oằn mình với dịch bệnh, thiếu thốn lương thực, chịu áp lực từ cả vật chất lẫn tinh thần. Ai cũng háo hức đón nhận, chuẩn bị có ngày trở lại. Vậy tại sao chúng ta chứ cảm thấy sợ hãi, cảm giác “lười" tiếp xúc với “loài người"?

Kỳ nghỉ dưỡng và những thói quen mới

Kể từ sau khi ngày đặc biệt 31/5, khi Sài Gòn bắt đầu phong tỏa toàn thành phố, đã 166 ngày trôi qua. Một kỳ nghỉ tại gia dài hạn kéo dài hơn 4 tháng làm cho mọi thói quen sinh hoạt của con người Sài Gòn đều thay đổi. Họ đang dần làm quen với những thay đổi mới một cách khá “thích thú" như là một cơ hội để bản thân mình được nghỉ ngơi.

Thay đổi đầu tiên là mọi người làm việc ở nhà, thay vì phải thức dậy sớm chuẩn bị kỹ lưỡng tóc tai, quần áo chỉnh tề để đến công ty. Nghe như được đi du lịch kết hợp làm việc từ xa vậy, bởi chúng ta không cần thức dậy quá sớm, có thời gian ngủ lâu hơn một chút, quần áo cũng có thể mặc tùy thích miễn sao hoàn thành công việc là được. Có thể nói chúng ta được tự do làm điều mình muốn trong thời gian này. 

 
 Tận hưởng mốt chút kì nghỉ kết hợp với làm việc tại gia. (Ảnh: Pinterest)
 Tận hưởng mốt chút kì nghỉ kết hợp với làm việc tại gia. (Ảnh: Pinterest)

Mọi người bắt đầu thử những việc trước đây chưa bao giờ được thử như làm bánh, vẽ tranh, nặn tượng… Không phải là việc gì quá khó, nhưng bởi trước đó chúng ta đã bị cuốn vào vòng xoáy của công việc, những mối quan tâm khác trong cuộc sống hằng ngày đến nổi không dành được cho bản thân những phút giây làm điều mình thích. Bây giờ chúng ta có cơ hội được nuông chiều, lắng nghe bản thân mình hơn.

Mọi vấn đề đều phải thông qua Internet từ công việc, học tập, mua sắm để hạn chế tiếp xúc với nhau. Điều này dẫn đến việc chúng ta sẽ có thêm nhiều thời gian làm những điều mình thích một mình như coi hết một bộ phim Netflix dài tập, nghiên cứu những món ăn chưa từng nấu qua hay dọn dẹp trang trí lại góc làm việc. Dù hạn chế giao tiếp giữa người với người nhưng có vẻ mọi người khá tận hưởng điều này. 

Sau những năm dài học tập, làm việc và không có nhiều thời gian dành cho bản thân, khoảng thời gian này mọi người được thoả thích làm điều mình muốn, nuông chiều chăm sóc bản thân lẫn tâm hồn. Đây có phải là những điều mọi người đã tìm kiếm từ lâu?

Có thể tiếp tục cuộc sống như bây giờ không?

Cuộc sống quay trở lại đồng nghĩa với việc chúng ta phải qua lại nề nếp và lối sống như trước kia. Người lớn rồi sẽ quay lại với công việc hằng ngày, trẻ em thì sẽ nhanh chóng quay lại trường học. Những thói quen phải thay đổi để thích nghi được với lối sống “bình thường mới".

Ta sẽ lại bắt đầu những chuỗi ngày “nhìn mặt" nhau mà sống với những mối quan hệ cần phải giao tiếp hằng ngày. Những liên kết xã giao nhưng lại cần cho việc nên dù không hề muốn nhưng vẫn phải tỏ ra thân thiện “thảo mai" chào hỏi nhau. Nghĩ đến cảnh tượng “sượng trân" đó thôi cũng đủ khiến chúng ta rùng mình không muốn quay lại rồi.

 
Quá nhiều nỗi lo bên ngoài canh cửa kia. (Ảnh: Pinterest)
Quá nhiều nỗi lo bên ngoài canh cửa kia. (Ảnh: Pinterest)

Hay, phải tiếp xúc trực tiếp với những áp lực từ công việc từ cấp trên như hiệu quả KPI, kế hoạch không tốt, bất đồng quan điểm giữa các thành viên với nhau. Cho dù không muốn nhưng vẫn phải gắn mình những người mình không hề muốn nhưng vì yêu tố công việc nên phải “nhắm mắt" làm thân. 

Các chi phí đi lại, ăn uống tiêu dùng cũng sẽ phát sinh lên khi chúng ta quay lại cuộc sống bình thường. Bà chủ nhà sẽ không giảm tiền nhà nữa, cái xe để lâu ngày giờ cũng ngốn đống tiền để thay bình, sửa máy, đổ đầy xăng. Những buổi ăn trưa tại công ty cùng mọi người cũng được đổi thành những buổi tiệc nhẹ để chào mừng mọi người quay trở lại. Bấy nhiêu thôi cũng thấy ví tiền “ốm” đi nhiều rồi.

Chỉ là cảm giác, có gì đâu phải lo!

Khi đối mặt với chính bản thân mình, cách ly với xã hội quá lâu, hạn chế về giao tiếp trực tiếp một số người dường như có cảm giác “ám ảnh xã hội" một cách gọi tên khác của chứng Rối loạn lo âu. Chúng ta sợ mọi người, sợ mình không thể hòa nhập, sợ mình không bắt kịp cái nhịp sống ấy - cái mà vốn dĩ ta đã làm suốt bao nhiêu năm qua. 

Khi bị mắc kẹt quá lâu ở một nơi nào đó, làm những công việc một mình không có sự giao tiếp bạn sẽ cảm thấy một chút chán nản hoặc buồn bã. Cho dù sống một mình hay sống cùng gia đình, bạn cũng sẽ bắt đầu cảm thấy bồn chồn vì phải ở trong nhà và tách biệt với thế giới bên ngoài trong một khoảng thời gian dài. 

 
Tưởng chừng như đơn giản như nó dần ăn mòn tâm hồn của bạn. (Ảnh: Pinterest)
Tưởng chừng như đơn giản như nó dần ăn mòn tâm hồn của bạn. (Ảnh: Pinterest)

Thực tế, ở trong nhà cũng không quá tệ vì bạn vẫn có thể có nhiều thời gian tận hưởng thời gian cho bản thân nhiều hơn, làm những điều mình thích như trồng cây, đọc sách hay nấu một món ăn yêu thích. Tuy nhiên bạn sẽ cảm thấy chán nản, không có động lực để bước ra ngoài. Mọi thứ đối với bạn trở nên vô nghĩa và rồi bạn lại để mỗi ngày trôi qua một cách nhàm chán, vô vị.

Thật ra, trẻ em, người lớn và người già ở độ tuổi nào thì cũng mang trong mình những nỗi lo lắng khác nhau. Nhưng chúng ta - tạm xem là người lớn đi, hơn trẻ em ở chỗ chúng ta có kiến thức và có nhiều thời gian hơn người già. Vì vậy, chúng ta đặt cho mình nhiều mục tiêu phấn đấu hơn. Và, khi lỡ có “vấp té", thay vì khóc “huhu" như trẻ nhỏ hay đủ điềm tĩnh để suy nghĩ về những lỗi sai như người có tuổi, chúng ta lại liên tục đổ lỗi cho bản thân mình yếu đuối, kém cỏi. Đó cũng là một trong những lí do khiến hiện nay nhiều bạn trẻ khi ở nhà quá lâu, ôm trong mình quá nhiều lo lắng, sợ những lời chê bai từ người đối diện và dần rơi vào trạng thái “lười" đối mặt với cuộc sống hiện tại như một cách trốn chạy.

Đôi lời từ tâm sự:

Nhịp sống hối hả xô bồ của Sài Gòn vẫn cứ chảy liên tục, sẽ không ai đứng lại chờ bạn hay quan tâm bạn đã trải qua những khó khăn gì. Đừng sợ hãi “chui rúc" trong phòng với những nỗi lo đó nữa. Hãy đứng dậy sửa soạn tóc tai, chọn cho mình một bộ đồ đẹp nhất và bước ra đón chào một Sài Gòn trong ngày trở lại. Bạn sẽ phải tự cho mình cơ hội để chứng tỏ bản thân và tìm kiếm giới hạn về khả năng của mình.