Báo Tuổi Trẻ đưa tin, sau nhiều lần bàn bạc, tính toán các phương án, đến nay, TP.HCM đang dần hoàn thiện kế hoạch tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em, dự kiến triển khai từ ngày 25/10.
Vaccine là giải pháp tốt nhất để sớm ngăn chặn dịch lây lan. (Ảnh: HCDC)
Cụ thể, ngày 15/10, Sở Y tế TP.HCM cho biết, sau văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, đơn vị đang xây dựng kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho khoảng 700.000 trẻ từ 12-17 tuổi. Số liệu này được căn cứ theo dữ liệu của Tổng điều tra dân số và Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình TP.HCM.
Khi dự thảo kế hoạch hoàn thiện, ngành y tế TP.HCM sẽ trình lên UBND thành phố xin ý kiến và phê duyệt. Ngoài ra, Sở Y tế thành phố còn phối hợp, thảo luận với Sở Lao động - thương binh và xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo để đưa ra phương án cụ thể nhất.
Theo dự kiến, nếu đủ vaccine được phê duyệt thì ngày 25/10, TP.HCM sẽ triển khai tiêm. Với năng lực và tốc độ đã đạt được trong thời gian vừa qua, có thể TP.HCM chỉ mất 1 tuần là sẽ bao phủ mũi 1 cho khoảng 700.000 trẻ nêu trên.
Các em học sinh phải học online do dịch bệnh. (Ảnh: UPM)
Một cán bộ Sở Y tế nhấn mạnh trên Tuổi Trẻ: "Trẻ nhóm tuổi này khá nhạy cảm, do đó cần phải tổ chức tiêm chủng thận trọng, không cần quá nhanh như người lớn. Quy trình tiêm chủng cần phải được chuẩn bị, tập huấn kỹ càng tất cả các khâu để đảm bảo an toàn trong suốt quá trình tiêm".
Thông tin này cũng được bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM xác nhận và cho biết thêm, trong lúc chờ phân bổ vaccine, thành phố đang hoàn tất các kế hoạch cần thiết để trình tham mưu cho UBND thành phố.
Kể cả khi đã tiêm vaccine cũng không nên lơ là chủ quan.
Về hình thức tiêm, dự kiến đối với nhóm trẻ đang nghỉ học thì tiêm ở điểm cố định; còn nhóm trẻ đã trở lại trường học thì tiêm ở điểm lưu động, trường học. Tuy nhiên, cần có phụ huynh hoặc người giám hộ ký phiếu đồng ý cho con em tiêm chủng theo mẫu ban hành kèm theo công văn.
Các quy trình khác như khám sàng lọc, theo dõi, chăm sóc sau tiêm cũng cần thực hiện theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế và chỉ định của nhà sản xuất vaccine.
Các địa phương đang đẩy mạnh công tác tiêm chủng. (Ảnh: Sở Y tế TP.HCM)
Trước đó, Bộ Y tế đã gửi công văn đến các địa phương đề nghị xây dựng kế hoạch triển khai tiêm vaccine mũi 1 cho trẻ từ 12-17 tuổi đủ điều kiện trong tháng 10/2021. Trong đó, các bé lớn sẽ được tiêm trước, sau đó hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch.
Ngoài ra, vaccine được sử dụng phải là loại đã được Bộ Y tế phê duyệt với 2 liều cơ bản cho 1 đối tượng và phải tiêm 2 mũi cùng loại. Từ đó, Bộ Y tế đề nghị ngành y tế địa phương phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, lập danh sách trẻ đủ điều kiện.
Việc cho trẻ tiếp cận vaccine có ý nghĩa rất lớn, giúp gia đình và các bé an tâm trở lại trường học và tham gia nhiều hoạt động sau khoảng thời gian dài phải hạn chế giao lưu để chống dịch.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!
NHỮNG PHẢN ỨNG SAU TIÊM VACCINE COVID-19 CHO THẤY CƠ THỂ ĐƯỢC BẢO VỆ
Sau khi tiêm vaccine Covid-19, cơ thể chúng ta sẽ có những phản ứng như đau người, sốt, đây là điều hoàn toàn bình thường, mọi người không nên quá lo lắng. Cụ thể:
- Phản ứng phụ rất thường gặp, từ 10% trở lên: Đau, ngứa, đỏ, sưng, nóng, tăng cảm giác đau tại vị trí tiêm; mệt mỏi, khó chịu, buồn nôn, đau đầu; ớn lạnh hoặc cảm thấy sốt (không rõ nhiệt độ), đau cơ hoặc đau khớp.
- Phản ứng phụ thường gặp, từ 1-10%: Sốt từ 38 độ C trở lên.
Tuy nhiên, hệ miễn dịch của mỗi người là khác nhau, vì thế sẽ có trường hợp không phát sinh phản ứng. Nếu rơi vào tình huống này, mọi người cũng không nên quá lo lắng.