"Gót sen ba tấc" hay còn gọi là bó chân gót sen từng được coi là biểu tượng và tiêu chuẩn sắc đẹp của phụ nữ Trung Hoa thời phong kiến. Thế nhưng cho đến nay, khi nhắc lại về tập tục này, nhiều phụ nữ vẫn chưa thoát khỏi sợ hãi và ám ảnh.
Tục bó chân của phụ nữ Trung Quốc từ hơn 1000 năm trước được coi là một trong những tiêu chuẩn về sắc đẹp và địa vị xã hội thời phong kiến. Theo truyền thuyết, vào thời Nam Đường (937 – 975), một cung phi đã biểu diễn một bài múa với bàn chân được quấn trong lụa. Dáng điệu uyển chuyển cùng bàn chân nhỏ nhắn của người con gái này đã làm say lòng hoàng đế và khiến các cung phi khác cũng bắt chước theo. Từ tầng lớp quý tộc, tục bó chân lan rộng ra toàn xã hội Trung Quốc.
Một số hình ảnh về tục bó chân ngày trước.
Bất chấp đau đớn nhưng các gia đình trong xã hội cũ đều thực hiện bó chân cho con gái vì mong muốn con họ tìm được một tấm chồng tốt. Họ tin rằng tập tục bó chân này khiến người con gái có cơ hội tìm được một người chồng giàu có và sống hạnh phúc hơn. Đàn ông trong vùng chỉ ưng những cô gái có bàn chân nhỏ làm vợ, họ quan niệm chân càng nhỏ càng đức hạnh. Người phụ nữ không bó chân thường bị coi là người thấp kém và bị khinh thường. Tỷ lệ bó chân trong dân gian Trung Quốc xưa là 50% còn trong giới quý tộc là 100%.
Tục bó chân còn được coi là một cách để buộc người phụ nữ phải phụ thuộc vào gia đình, do không thể tự đi lại dễ dàng nên họ sẽ phải phục tùng nhà chồng tuyệt đối.
Việc bó chân khiến cho việc đi lại khó khăn và người phụ nữ phải phục tùng nhà chồng tuyệt đối.
Mặc dù đến năm 1911, tục bó chân này đã chính thức bị xóa bỏ nhưng cho đến nay, tại nhiều vùng nông thôn ở quốc gia này như một số ngôi làng ở lưu vực sông Ngưu Lan, huyện Uy Ninh, địa khu Tất Tiết, tỉnh Quý Châu, người ta vẫn có thể bắt gặp các cụ bà 70-80 tuổi với đôi chân gót sen "đẹp chuẩn mực".
Hai cụ bà này là một số trong những phụ nữ cuối cùng có đôi bàn chân gót sen còn lại ở Trung Quốc.
Có lẽ họ đã gắn bó với những đôi hài sen này gần như suốt cuộc đời.
Để có được đôi chân "gót sen ba tấc", những bé gái 3 đến 4 tuổi sẽ được cha mẹ cho ngâm chân trong một chiếc chậu có chứa thảo dược và máu động vật để làm mềm bàn chân và tránh nhiễm trùng. Móng chân cũng được cắt ngắn nhất có thể để bó chân dễ dàng hơn. Sau đó, các ngón chân sẽ bị bẻ gãy, ép quặp xuống dưới lòng bàn chân và bó chặt trong những lớp vải lụa đẫm máu. Đặc biệt, người ta còn rạch thêm một đường giữa lòng bàn chân để bó chân càng chặt càng tốt.
Bàn chân của bà cụ này đã được bó ngay từ những năm lên 3, lên 4.
Quá trình bó chân diễn ra trong vòng 2 năm. Nhiều lần băng vải được tháo ra để người ta đánh thật mạnh vào lòng bàn chân của các bé gái, làm vỡ nát các xương. Vải cũng được thay để làm sạch chân thường xuyên. Khi vải được quấn lại, người con gái còn bị buộc phải đi lại trên nền nhà để bàn chân biến dạng hơn nữa.
Trong 2 năm bó chân, xương bị làm vỡ nát nhiều lần.
Thông thường các bà mẹ sẽ không được tham gia vào quá trình bó chân vì lo rằng họ sẽ vì thương con gái mà nới lỏng vải quấn. Sau 2 năm, hình dạng bàn chân sẽ được giữ như vậy cho tới cuối đời. Những biến chứng của việc bó chân thường là mưng mủ, sưng hay thậm chí là hoại tử do nhiễm trùng.
Bàn chân bị biến dạng hoàn toàn với phần xương gãy nát, co quắp và các ngón chân ép sát nhau dị dạng.
Dù được coi là biểu tượng của cái đẹp trong xã hội cũ nhưng không hậu quả mà những đôi chân này mang lại cho nhiều người phụ nữ là không thể kể hết. Khoảng 10% trẻ em gái thời đó đã chết vì nhiễm trùng bàn chân khi bó chân.
Bà cụ tháo vải quấn để vệ sinh chân trước khi bó chân trở lại.
Vào màu đông, các mảnh vải bó chân cũng được buộc chặt hơn để tránh để bàn chân nhiễm lạnh
Trong cuộc sống hiện đại, những đôi bàn chân này gặp không ít khó khăn khi di chuyển và tìm giày dép phù hợp.
Đối với nhiều cụ già tại Trung Quốc, cho đến giờ họ vẫn không thể nào quên được cảm giác đau đớn khi bị bó chân lúc nhỏ. “Tôi thậm chí còn không dám đắp chăn lên đôi bàn chân của mình, nó đau đớn như bị ai đó đặt một cục than nóng lên chân. Nếu tôi tháo những dải lụa, tôi sẽ bị cha mẹ đánh đập", cụ Yan Guiru, 97 tuổi nói.
Đối với các bà cụ đã trải qua tục bó chân, cho đến những năm cuối đời họ vẫn chưa thôi ám ảnh về tập tục "đáng sợ" này.
(Ảnh: Internet)