Rủ "file đính kèm" khi được người khác mời: Tự nhiên quá hóa vô duyên

16:46 15/10/2023

Dù không nói ra nhưng ai cũng biết rằng trong các buổi tụ tập, gặp mặt luôn có những luật bất thành văn để cư xử đúng mực. Đó có thể là ăn chơi chia tiền đều mỗi người, không "bùng kèo" mà không báo trước, tránh một mình một ý mà không tham khảo tập thể... 

Không chỉ vậy, một vấn đề khá nhạy cảm cũng thường gặp phải là rủ thêm bạn bè, người quen đi cùng khi được người khác mời tham gia một bữa ăn, buổi giao lưu mà không hỏi ý kiến "chủ xị" trước.

 
Những buổi gặp mặt, tụ tập khiến tình cảm bạn bè gắn kết hơn. (Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống/ Trí Thức Trẻ)
Những buổi gặp mặt, tụ tập khiến tình cảm bạn bè gắn kết hơn. (Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống/ Trí Thức Trẻ)

"Không tiếc bạn một bữa ăn nhưng bạn cũng cần phải tôn trọng mình" 

Từng bị khó xử khi số lượng khách mời tăng đột ngột, Tường Vy (sinh năm 1998) chia sẻ: "Sinh nhật năm ngoái mình chỉ tổ chức thân mật với vài đứa bạn thân. Không đông vui, rầm rộ như mọi lần mà quan trọng chất lượng hơn nên mình đã lựa chọn 1 nhà hàng khá sang để mời mọi người. Ban đầu đặt 6 chỗ, ấy vậy mà đến buổi tiệc lại bất ngờ có thêm 2 người là người yêu của bạn mình nữa nên mình đã khá bối rối". 

 
Nhiều bữa tiệc quan trọng chất lượng hơn số lượng nên chỉ mời những người thân nhất.
Nhiều bữa tiệc quan trọng chất lượng hơn số lượng nên chỉ mời những người thân nhất.

Sở dĩ, Vy đã tính toán cho mỗi người 1 suất ăn 700.000 đồng nên phát sinh đột ngột như vậy khiến cô bạn hơi bực mình. 9X nói tiếp: 

"Mình bảo mình mời thì mình sẽ mời, nhưng nếu mọi người rủ thêm ai thì điều tối thiểu là phải nói với mình? Thứ nhất, mình muốn đó là bữa tiệc thân mật nên đã hạn chế rủ nhiều người. Thứ 2, mình đã tính toán chi phí sao cho hợp lý, nếu nói trước thì mình có thể điều chỉnh địa điểm ăn uống để chi tiêu thoải mái hơn mà vẫn vui. Mình không tiếc bạn một bữa ăn nhưng rõ ràng là bạn cũng cần phải tôn trọng mình".

 
Đột ngột rủ thêm "file đính kèm" có thể khiến "chủ xị" khó xử.
Đột ngột rủ thêm "file đính kèm" có thể khiến "chủ xị" khó xử.

Cũng ở trong trường hợp tương tự nhưng ở vị trí khách mời, Phương Thảo (sinh năm 2000) cho hay cô từng rất băn khoăn, hối hận khi dẫn theo bạn thân đến bữa tiệc chia tay độc thân mà chị cùng phòng mời. 

 
Chủ động chia tiền khi tụ tập là phép lịch sự tối thiểu. (Ảnh: The Asianparent Vietnam/Trí Thức Trẻ)
Chủ động chia tiền khi tụ tập là phép lịch sự tối thiểu. (Ảnh: The Asianparent Vietnam/Trí Thức Trẻ)

Kể lại câu chuyện, Phương Thảo chia sẻ: "Ban đầu mình nghĩ đơn giản là thêm người thì thêm vui thôi, nhưng khi đi cùng bạn đến thì mình bắt đầu thấy ngại. Dù bạn mình cũng cư xử chừng mực nhưng vì tất cả mọi người đều thân nhau khiến cho nó bị lạc lõng. 

Hơn nữa, cuối buổi chị cùng phòng trả tiền, lẽ ra mình nên 'nhảy số' nhanh hơn để đề nghị chia tiền phần của bạn mình. Không ai tỏ thái độ hay nói gì nhưng sau hôm đó mình suy nghĩ mãi, lẽ ra không nên đưa bạn đi cùng để rồi bị khó xử như vậy. Chỉ là một bữa ăn bình thường nhưng hành động của mình rõ ràng là tự nhiên quá hóa vô duyên đúng không?".

 
Đi cùng bạn cũng được nhưng nên hỏi ý kiến trước.
Đi cùng bạn cũng được nhưng nên hỏi ý kiến trước.

Cư xử thông minh là cách khiến 2 bên hoan hỉ, không bị khó xử

Thực tế, khi chúng ta muốn mời ai đó đi ăn hay tham dự một buổi tụ tập thì có nghĩa đối phương là người thân thiết hoặc đang ở trong hoàn cảnh xây dựng mối quan hệ vững chắc. Vậy nên có thêm khách không mời mà đến chắc chắn sẽ khiến ta phần nào từ thế chủ động thành bị động, bất ngờ, trường hợp xấu hơn nữa thì sẽ là không đủ kinh phí chi trả cho bữa ăn vì "biến số" nằm ngoài tính toán. 

 
Nhận được lời mời chứng tỏ bạn được đối phương quý mến.
Nhận được lời mời chứng tỏ bạn được đối phương quý mến.

Vậy nên, nếu bạn được mời đích danh đến một buổi tiệc thân mật mà không nhắc đến "file đính kèm", tốt nhất là hãy tham gia bằng tâm thế vui vẻ, thoải mái và không dẫn theo bất cứ ai. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể mang theo một món quà nhỏ phù hợp với sở thích của chủ tiệc để vừa thể hiện sự trân quý đến đối phương, vừa có qua có lại thuận lòng đôi bên. 

 
Có thể mang quà đến như một cách cảm ơn.
Có thể mang quà đến như một cách cảm ơn.

Nếu lỡ hoặc muốn mang theo bạn bè, người yêu đi cùng thì trước hết bạn nên báo với chủ nhân buổi tiệc để xem họ có đồng ý hay không. Và một khi có thêm người thì để tránh việc đối phương khó chịu, bạn nên chủ động trả phần của người bạn đi cùng, hoặc mang theo quà đáp lễ vì đối phương rất hiếu khách. 

Ngoài ra, bạn cũng có thể chủ động đề xuất một buổi hẹn hò mà chính bạn là người mời đối phương. 

 
Hãy tham khảo ý kiến "chủ xị" mỗi khi có vấn đề phát sinh.
Hãy tham khảo ý kiến "chủ xị" mỗi khi có vấn đề phát sinh.

Đôi khi chỉ một hành động nhỏ thôi cũng đủ để thay đổi một mối quan hệ. Vậy nên dù ở trong bất cứ trường hợp nào, hãy luôn đặt mình vào vị trí của đối phương để cư xử văn minh, phù hợp bạn nhé!

LUÔN CƯ XỬ VĂN MINH, ĐÚNG MỰC KHI LÀ KHÁCH MỜI

Cư xử văn minh khi được mời tham gia một bữa tiệc là cách để bạn tạo ấn tượng tích cực và duy trì mối quan hệ tốt với người tổ chức và các khách mời khác. Điều này bao gồm:

- Phản hồi khi được mời: Khi bạn nhận được lời mời, hãy xác nhận tham gia hoặc từ chối thật sớm để người tổ chức có thể quản lý số lượng khách mời.

- Không trễ hẹn: Đến đúng giờ thể hiện sự tôn trọng thời gian của người tổ chức.

- Mặc đồ phù hợp: Trang phục của bạn nên phù hợp với hình thức của bữa tiệc. Nếu bạn không chắc chắn, hãy hỏi chủ nhân bữa tiệc để biết thêm thông tin về dress code.

- Ăn uống lịch sự, vừa phải: Ăn và uống một cách điều độ, không nên đòi hỏi thêm đồ ăn hoặc đồ uống khi chưa được mời.

- Hòa nhập với mọi người: Không nên thu mình một góc, hãy cố gắng hòa nhập, nói chuyện, chia sẻ cùng các vị khách mời khác.

- Nhiệt tình, vui vẻ: Hãy tham gia tiệc một cách vui vẻ và thoải mái, tận hưởng thời gian quây quần cùng bạn bè và người thân.

- Tỏ lòng biết ơn: Sau bữa tiệc, gửi lời cảm ơn người vì đã mời bạn tham gia tiệc. Điều này thể hiện lòng biết ơn và tôn trọng.