Rơi vào hố tự ti, mặc cảm vì bạn bè xung quanh thi nhau "flex"

14:48 13/08/2023

Kể từ khi trào lưu "flex" xuất hiện, mạng xã hội đâu đâu cũng toàn là những bài viết khoe thành tích. Bản chất đây chỉ là hành động mang tính giải trí, thế nhưng đối với nhiều người lại là một áp lực vô hình.

Sự thành công của những người xung quanh đã khiến họ cảm thấy như bản thân đang ở "dưới đáy xã hội". Cứ thế, họ tự ôm cảm xúc tiêu cực vào người, nhốt chính mình trong những chiếc hố tự ti, mặc cảm.

Rơi vào “hố tự ti, mặc cảm” khi thấy bạn bè xung quanh  thi nhau flex - Ảnh 1.
Cứ nhìn thấy những bài flex của bạn bè là nhiều người lại chìm trong sự mặc cảm.

Mặc cảm, tự ti khi thấy bạn bè "flex" đủ thứ

Nhiều trường hợp vì không thể chịu nổi cảm giác thất bại nên đã từ chối lên mạng, tiếp xúc với những người xung quanh. Cảm giác xấu hổ dần "nuốt chửng" sự tự tin trong họ. Chỉ cần thấy bạn bè "flex", chẳng cần biết là chuyện nhà cửa hay công việc, những người này sẽ ngay lập tức tự trách bản thân bất tài, vô dụng, cố gắng mãi cũng chẳng thể được như người ta.

Cô bạn M.T. (một thành viên của Cột sống Gen Z) tâm sự: "Có đợt mình không dám đăng nhập mạng xã hội, phải khóa hết mọi tài khoản cá nhân chỉ vì sợ lướt xong tâm trạng xuống cấp. Ngày trước còn coi điện thoại để xả stress, giờ xem còn áp lực hơn.

Tất cả cũng bởi cái trò 'flex', nhìn bạn bè hết khoe nhà to, xe xịn đến chồng thương, con đẹp. Nhìn lại bản thân cũng học hành như chúng nó mà trong tay chẳng có thứ gì. Cảm giác những năm qua mình như đứa vô dụng vậy. Tự ti, tự ái, xấu hổ đủ cả".

Rơi vào “hố tự ti, mặc cảm” khi thấy bạn bè xung quanh  thi nhau flex - Ảnh 2.
Lúc nào cũng cảm thấy bản thân bất tài, vô dụng vì mãi không thể thành công như những người xung quanh. (Ảnh: Anti Matter)

Rơi vào hố tự ti, mặc cảm vì bạn bè xung quanh thi nhau "flex" - Ảnh 3.
Lâu dần, nhiều người bị cảm giác tự ti "ăn sâu" vào tiềm thức. (Ảnh: Kknews)

Đáng nói, một số người còn vì quá buồn lòng mà đánh mất đi sự nhiệt huyết, quyết tâm của bản thân. Họ cho rằng dù mình có làm gì thì cũng chẳng thể nào bằng thành tích của những người xung quanh. Mọi công sức bản thân đổ ra đều không có gì đáng giá, và dù có nỗ lực thế nào thì mình cũng chỉ là một hạt cát nhỏ bé trong "biển" nhân tài của xã hội.

Đây cũng là vấn đề nhiều người lo ngại khi nhắc đến trào lưu "flex". Trong bài viết "Người trẻ bàn về 'flex': Đừng quá đề cao sự công nhận của người khác" từng đăng tải trên YAN, cô nàng Trần Thị Thùy Trang (Thạc sĩ ngành Digital Media Design for Learning tại Đại học New York) nhận định rằng: "Khi chúng ta ở trong một môi trường nhỏ, chúng ta đạt được thành tựu và cảm thấy tự hào. 

Nhưng khi bước ra một vùng biển lớn hơn, leo lên một nấc thang cao hơn, một cách tự nhiên, chúng ta sẽ có thiên hướng bình thường hóa những gì mình đạt được. Lúc này, hệ tham chiếu của chúng ta đã khác, những con người chúng ta tiếp xúc cũng khác, và chúng ta thấy mình nhỏ bé hơn."

Rơi vào “hố tự ti, mặc cảm” khi thấy bạn bè xung quanh  thi nhau flex - Ảnh 3.
Sự xấu hổ bủa vây khiến nhiều người không thiết tha làm điều gì. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Rơi vào hố tự ti, mặc cảm vì bạn bè xung quanh thi nhau "flex" - Ảnh 5.
Họ tự mình phủ nhận mọi thành tích mà bản thân nỗ lực đạt được chỉ vì cảm thấy "chẳng đáng là bao". (Ảnh: Tạp Chí Mẹ Và Con)

Đừng vì thành tích của người khác mà phủ nhận bản thân!

Con người quan trọng nhất là ở sự nỗ lực, không phải chỉ đơn giản là khối tài sản. Nếu cứ mãi "nhốt" mình trong sự mặc cảm thì bạn chẳng thể nào khá lên được. Chưa kể, con người sinh ra không ai giống hệt ai, mỗi người lại có một hoàn cảnh và sự lựa chọn của riêng mình. Vì vậy, đừng lúc nào cũng chỉ muốn hơn thua với tất cả mọi người. 

Sự cạnh tranh chỉ tốt khi nó tạo ra ý chí quyết tâm, tinh thần nỗ lực, không phải lòng ghen ghét, đố kị. Đừng để những cảm xúc tiêu cực "nhấn chìm" bản thân, thay vào đó hãy đón nhận mọi thứ theo cách đúng đắn hơn.

Rơi vào hố tự ti, mặc cảm vì bạn bè xung quanh thi nhau "flex" - Ảnh 6.
Hãy biến tinh thần cạnh tranh trở thành động lực phát triển bản thân. (Ảnh: Dân Việt)

Rơi vào hố tự ti, mặc cảm vì bạn bè xung quanh thi nhau "flex" - Ảnh 7.
Đừng mải mê "chạy" theo thành tích của người khác, hãy phấn đấu vì chính mình. (Ảnh: Pinterest)

Ngay cả chuyện "flex" cũng vậy, bạn nên coi thành tích của người khác là động lực để thúc đẩy bản thân mỗi ngày. Đừng bao giờ phủ nhận thành quả của mình, bởi đó đều là phần thưởng xứng đáng cho những cố gắng bạn đã bỏ ra. Dù kết quả nhiều hay ít, cao hay thấp, chỉ cần bạn đặt toàn bộ công sức thì đều đáng tự hào.

Rơi vào hố tự ti, mặc cảm vì bạn bè xung quanh thi nhau "flex" - Ảnh 8.
Chỉ cần làm hết sức mình thì kết quả dù cao hay thấp cũng đều đáng tự hào. (Ảnh: Kknews)

"Flex" sai hay đúng nằm ở cách chúng ta đón nhận chúng như thế nào. Đừng đổ lỗi cho bất kỳ ai khi họ khoe những thành quả mà bản thân đạt được. Cũng đừng đổ lỗi cho chính mình chỉ vì không thể "flex" như họ. Bởi mỗi chúng ta đều sở hữu những điểm sáng riêng biệt, và có tự hào về chúng hay không lại tùy thuộc vào chính bản thân bạn. 

ĐẰNG SAU MỖI BÀI "FLEX" LÀ CẢ MỘT SỰ NỖ LỰC!

Không phải tự nhiên nhiều người lại tài giỏi đến thế. Để có được những thành tích sáng chói như hiện tại, họ cũng đã phải đánh đổi biết bao mồ hôi, công sức của bản thân. Flex chỉ cho chúng ta thấy những kết quả mà họ đạt được, nhưng thứ đáng giá hơn cả là hành trình gian nan họ từng đi qua. 

Đừng quá khắt khe với chuyện flex. Bởi flex chỉ đơn giản là cách để một người tự hào về những gì bản thân đã đạt được. Còn chúng ta, hãy lấy những điều đó làm động lực cho bản thân, đừng chỉ trích hay biến nhìn chuyện flex bằng con mắt đố kị, ác cảm!

Cùng cập nhật những tin tức khác TẠI ĐÂY!