Quyền trượng của Người không lấp lánh, không tỏa vầng hào quang. Đó chỉ là một cây bút chì, tấm bản đồ và chiếc máy ảnh, nhưng chứa đựng tất cả quyền lực và cả tình thương trong đó.
Năm 8 tuổi, cậu bé Bhumibol Adulyadej được tặng chiếc máy ảnh đầu tiên trong đời. Đó là máy ảnh coronet midget – một chiếc máy ảnh hộp nhỏ nặng 71g. Ngày ấy, mấy ai biết được rằng chiếc máy ảnh nhỏ bé nọ sẽ trở thành niềm đam mê bất tận cũng như công cụ mang lại ấm no cho hàng triệu đồng bào suốt tám thập kỉ sau đó trên toàn đất nước Thái Lan.
Bức ảnh Quốc vương Bhumibol Adulyalej đang chụp ảnh trong chuyến công du đến Campuchia vào ngày 7/7/1980. (Ảnh: Internet)
Không lúc nào xuất hiện trước công chúng mà người ta không thấy chiếc máy ảnh nhỏ gọn đeo quanh cổ Quốc vương Bhumibol, từ lễ kỉ niệm, sự kiện quan trọng hay thậm chí vào lúc Người ngồi trên xe lăn dạo vòng quanh bệnh viện khi bệnh tình trở nặng… Chiếc máy ảnh cùng một cây bút chì có gắn tẩy ở một đầu và một tấm bản đồ luôn theo từng bước chân của nhà vua đến những vùng quê nghèo, hẻo lánh khắp Thái Lan, tạo nên những dự án, công trình làm thay đổi cuộc sống của hàng trăm nghìn người dân nghèo. Ba vật dụng này đã hỗ trợ nhà vua nắm bắt sự phát triển của đất nước trong suốt 70 năm trị vì. Cũng chiếc máy ảnh ấy, nhà vua ghi lại sự hân hoan, hạnh phúc của người dân trong những lần hiếm hoi Người xuất hiện trước công chúng.
Nhà vua không quyền trượng của Thái Lan. (Ảnh: Internet)
Nhiếp ảnh không còn là niềm đam mê của cậu bé Bhumibol năm nào nữa mà đã trở thành công cụ giúp Quốc vương Bhumibol đưa đất nước Thái Lan đi lên. Trong những chuyến công tác, ông luôn chụp lại những địa điểm thích hợp để xây đập, hồ chứa, đê điều; hình ảnh các ngôi làng, các tuyến đường giao thông và môi trường xung quanh. Những bức ảnh này được chụp từ trên mặt đất cho đến máy bay hay trực thăng, bất cứ nơi nào Người đi qua, hỗ trợ đắc lực cho nhà vua trong việc lập dự án phát triển vương quốc một cách chi tiết nhất.
Quốc vương Bhumibol cùng chiếc máy ảnh của mình đã đi khắp mọi nẻo đường thôn quê Thái Lan để điều hành hơn 3500 dự án phát triển, từ nhà máy đến đập nước. Đây không phải là nhiệm vụ của một vị vua, nhưng ông làm những gì mà ông tin rằng tốt cho nước, cho dân của ông.
Khắp mọi nẻo đường của Thái Lan đều in dấu chân vị Quốc vương. (Ảnh: Internet)
Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với BBC vào năm 1981, Quốc vương nói: “Tôi không biết định nghĩa Vua nên được hiểu như thế nào, và đó cũng là một vấn đề khá rắc rối bởi ở vị trí này, tôi được gọi là Quốc vương. Nhưng những gì tôi làm mà mọi người đang thấy không phải là nghĩa vụ của một vị vua. Nó là thứ gì đó rất khác và rất khó để định nghĩa. Tôi chỉ làm những điều tôi cho là cần thiết và hữu ích, vậy thôi”.
Với ba vật dụng nhỏ bé cùng tài trí, đức độ, Quốc vương Bhumibol đã tạo nên kì tích cho Thái Lan. (Ảnh: Internet)
Cống hiến của Quốc vương không chỉ dừng lại ở những dự án phát triển đất nước mà còn ở những sáng kiến nhằm cải thiện đời sống người dân. Trong suốt thời gian trị vì, ông sở hữu hơn 20 bằng sáng chế và 19 nhãn hiệu, bao gồm bằng sáng chế mưa nhân tạo và một thiết bị thông khí được sử dụng trong xử lí nước thải. Nhờ những sáng chế này, Quốc vương Bhumibol được trìu mến gọi bằng cái tên "Người cha của sáng chế Thái Lan" hay "Người cha của cơn mưa hoàng gia".
Cuộc sống của người nông dân được cải thiện rất nhiều nhờ những sáng kiến và nỗ lực không ngừng nghỉ của nhà vua. (Ảnh: Internet)
Trong một cuộc phỏng vấn với thời báo New York Times năm 1989, Quốc vương chia sẻ rằng Người không có nhiều thời gian cho sở thích cá nhân do áp lực của hoàng gia và các dự án phát triển quốc gia. Vì thế, biết bao sở thích mà chàng thanh niên Bhumibol từng theo đuổi như trình diễn nhạc jazz, lái thuyền buồm và hội họa đều bị gác sang một bên, nhường chỗ cho những điều lớn lao ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng triệu người dân Thái Lan.
"Những gì tôi làm mà mọi người đang thấy không phải là nghĩa vụ của một vị vua. Tôi chỉ làm những điều tôi cho là cần thiết và hữu ích". (Ảnh: Internet)
Đặc biệt, Quốc vương Bhumibol không quan tâm lịch sử sẽ ghi nhớ mình như thế nào. “Nếu họ muốn viết về tôi theo chiều hướng tích cực thì họ nên viết về chuyện tôi làm mọi thứ như thế nào, hữu ích ra sao. Nếu muốn chỉ trích, tôi không bận tâm. Nhưng nếu có, họ nên phê bình một cách công bằng và công tâm. Nhưng thông thường, phê bình, chỉ trích thì làm gì có chuyện công bằng. Ngay cả những lời khen ngợi mà còn không công bằng” – Quốc vương nói. Không màng quyền lực, cái tâm dành cho nước, cho dân làm nên cái tầm và quyền lực thật sự của vị Vua này.
Chiếc máy ảnh nhỏ của nhà vua góp phần làm nên nhiều điều kì diệu. (Ảnh: Internet)
Từ đây, và có lẽ là mãi về sau, người dân Thái Lan và thế giới sẽ không bao giờ quên hình ảnh vị vua với cây bút và tấm bản đồ luôn trên tay, quanh cổ đeo chiếc máy ảnh, thoăn thoắt băng qua biết bao đồi núi, ruộng đồng, kể cả mưa lũ, hạn hán…
Quốc vương Bhumibol - quốc vương không quyền trượng. (Ảnh: Internet)