Từ câu chuyện xếp hàng mua cơm từ thiện 2000 đồng đến 595 sinh viên Nhân văn TP.HCM vắng mặt trong buổi học kỹ năng mềm, có một câu hỏi đang đặt ra rằng "Liệu có thỏa đáng không khi chúng ta đang đánh giá sinh viên là lười biếng và thiếu lòng tự trọng" như anh V.T.A, người sáng lập dự án phát triển nghề nghiệp cộng đồng cho sinh viên, đã phát ngôn.
Ăn cơm 2000 đồng là không có lòng tự trọng, vắng mặt trong buổi học ngoại khóa là lười biếng và vô kỷ luật?
Vừa qua, những dòng chia sẻ thẳng thắn của anh V.T.A – người sáng lập dự án phát triển nghề nghiệp cộng đồng cho sinh viên về việc nhiều sinh viên ăn cơm từ thiện 2000 đồng và 595 sinh viên vắng mặt tại buổi học ngoại khóa tại trường ĐH Khoa học xã hội nhân văn TP. HCM được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội đã gây ra khá nhiều luồng ý kiến trái chiều. Nguyên văn trích đoạn một số quan điểm của anh V.T.A như sau:
“Sinh viên sức dài vai rộng cần phải biết tự trọng để không ăn cơm từ thiện của người nghèo hoặc cùng lắm thì thỉnh thoảng.”
“Bạn tôi đã đợi đến 9h30 mà vẫn không có ai đến. Sinh viên đã dùng lý do thời tiết bao biện cho tính lười biếng, vô kỷ luật của mình thì không gì dễ dàng để có được thành công cả.”
Ngay sau khi dòng chia sẻ đăng tải đã dấy lên cuộc tranh luận nảy lửa, người lên tiếng đồng tình với anh T.A có vô số, nhưng người phản đối cũng không ít. Tuy không thể khẳng định ai đúng, ai sai trong những sự việc trên, bởi vì mỗi người đều có những lý lẽ riêng và suy cho cùng việc tranh luận cũng chỉ muốn đưa vấn đề trở nên sáng tỏ hơn nhưng rõ ràng chúng ta nên cùng nhìn nhận lại mọi sự việc ở những góc nhìn đa chiều để hiểu rõ hơn mọi việc, và tìm câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi: Chúng ta có nên đưa ra kết luận chỉ dựa vào những câu chuyện như trên hay không?
Hình ảnh các bạn sinh viên xếp hàng dài trước cửa hàng cơm trưa 2000 đồng đang được lan truyền trên mạng xã hội
Theo đó, quán cơm từ thiện Nụ Cười do nhà báo Nam Đồng thành lập được 6 năm. Với tiêu chí “bán một cho mười”, quán cơm đã trở thành một địa chỉ tin cậy cho rất nhiều người nghèo, trong đó có cả sinh viên. Và ý kiến: “Sinh viên là những người sức dài vai rộng đi tranh dành suất ăn của người nghèo” của anh V.T.A thực ra cũng rất khó để kết luận rằng nó sai. Nhưng, liệu rằng người nghèo có loại trừ cả sinh viên?
Tôi cũng từng xuất thân là một cậu sinh viên tỉnh lên thành phố học tập, cũng 4 năm trời “thắt lưng buộc bụng” qua những bữa đói, đêm no. Chúng tôi hằng tháng vẫn phải ngập đầu làm thêm để có chi phí trả tiền xe buýt, tiền trọ, hay đơn giản là mua thêm một cái quạt cho những ngày Sài Gòn nóng đổ lửa… Đa phần chúng tôi lựa chọn cơm từ thiện, cơm 2000 nghìn đồng không phải vì nó ngon, rẻ mà vì nếu dùng nó sẽ có thể chắt chịu được ít tiền, gọi là trang trải cuộc sống.
Tôi không phủ nhận việc hiện nay có vô số bạn trẻ sẵn sàng bỏ 100 nghìn đồng cho một ly trà sữa, hay cả bạc triệu cho những món đồ hạng sang… Nhưng liệu chúng ta có thể lấy một vài hình ảnh như thế để quy chụp cho toàn bộ cuộc sống của sinh viên hiện nay?
Không kể đâu xa, một cậu bạn của tôi trong 4 năm trời đều phải tằn tiện từng tí một cho hợp lý với cái khoản 1,2 triệu đồng/tháng (chi phí mà bố mẹ nó có thể lo được trong một tháng). Cậu bạn tôi vẫn phải đi bộ đến trường hằng ngày để tiết kiệm 2000 đồng phí xe bus, vẫn phải chạy bộ ra quán cơm cách 20 phút để mua hộp cơm 10 nghìn thay vì sử dụng cơm căng-tin với mệnh giá 20.000 đồng,… Và tất nhiên chi tiêu của nó cũng hạn hẹp trong việc 35 nghìn đồng/3 bữa ăn một ngày.
Hay như chính bản thân tôi, suốt 4 năm đại học phải “ăn nhờ ở đậu” nhà dì để bớt nỗi lo tiền trọ nhưng vẫn phải đi phát tờ rơi sau giờ học để có thêm ít tiền mua một quyển sách tâm đắc. Với chúng tôi, những sinh viên ngoại tỉnh, càng tằn tiện cho bản thân thì càng tốt. Vì thế, biết đâu chọn một bữa cơm 2000 đồng lại là một giải pháp tình thế hiệu quả với nhiều người.
Còn về vụ việc 595 sinh viên vắng mặt trong buổi học ngoại khóa của trường ĐH Khoa học xã hội nhân văn TP.HCM, có lẽ sẽ có khá nhiều người cảm thấy buồn khi nghe thông tin này. Tuy chỉ là một buổi học ngoại khóa song nó cũng là tâm huyết khi diễn giải đã đến từ rất sớm để chuẩn bị. Và họ sẽ cảm thấy thế nào khi tâm huyết của mình chỉ để giảng giải cho 5 người lẻ tẻ đếm trên đầu ngón tay.
Tuy nhiên, lời chia sẻ thẳng thắn “sinh viên đã dùng lý do thời tiết bao biện cho tính lười biếng, vô kỷ luật của mình thì không gì dễ dàng để có được thành công cả” của anh T.A liệu có quá nặng nề?
Hình ảnh hội trường vắng tanh không một bóng sinh viên đã trở thành ngòi nổ châm lên mọi tranh cãi
Lại một lẫn nữa, chúng ta nên nhìn nhận sự việc bằng nhiều góc nhìn khác. Rất nhiều bạn sinh viên tại trường Đại học Xã hội nhân văn đã lên tiếng giải thích, cụ thể như sau: “Ngày hôm đó trúng thứ 7, trường đi học rất là ít, cộng với việc mưa lớn kéo dài làm đường xá ở khu vực Làng Đại học ngập úng nặng nên nhiều sinh viên khó lòng có thể tới đúng hẹn. Ngoài ra, trước khi diễn ra buổi hội thảo, lịch làm việc của trường cũng không rành mạch. Ban đầu dự tính tại nhà Điều hành ĐH Quốc gia TP.HCM, song sát giờ lại đổi thành hội trường C của ĐH Khoa học xã hội nhân văn khiến nhiều sinh viên chưa nắm rõ được lịch trình.” - bạn Vân Phong cho biết.
Như vậy, dù sự việc vắng mặt lỗi sai vẫn nằm ở sinh viên. Nhưng khi nhìn nhận sự việc khách quan hơn, ta lại có một kết quả hoàn toàn khác. Hơn nữa, học ngoại khóa là một hoạt động nâng cao kỹ năng mềm cho sinh viên, vậy tại sao không dựa trên quan điểm tự nguyện? Năm người nhưng chăm chú lắng nghe còn hơn là một tập thể lớn nhưng lại "ngáp ngắn ngáp dài". Chắc chắn điều đó sẽ đáng buồn hơn rất nhiều.
Rõ ràng ý kiến của anh V.T.A không hẳn là sai và những thiếu sót của các bạn sinh viên cũng khó có thể được biện hộ nhưng điều chúng ta cần làm là đưa sự việc ra nhìn nhận một cách tổng quan hơn. Có lẽ chúng ta không nên chỉ chăm chăm vào một hành động hay sự việc nào đó rồi vội vàng nhận đình về nhân cách, nhất là của cả một cộng đồng. Vì đó chỉ là bề nổi. Hãy thay đổi góc nhìn, lắng nghe sự việc một cách rõ ràng hơn, khi đó chúng ta có thể đưa ra kết luận cũng chưa muộn.
Người trong cuộc, và chuyên gia lên tiếng như thế nào trước vụ việc trên?
Trước những luồng ý kiến trái chiều trên, ông Nam Đồng – người sáng lập dự án trợ giúp thức ăn giá rẻ của quỹ từ thiện tình thương TP.HCM đã có những lời phát biểu thẳng thắn trên báo chí. Theo đó, ông Nam Đồng đã chia sẻ sự không đồng tình trước lời chỉ trích của anh V.T.A: “Ý nghĩ là tốt đẹp đấy, nhưng chắc anh T.A không nghĩ rằng nói như vậy là đang làm tổn thương lòng tự trọng của rất nhiều người, đặc biệt là những sinh viên nghèo, vẫn hằng ngày chắt chiu từng đồng bạc lẻ để tiết kiệm thêm chi phí cho các khoản tiền trọ, học phí, sách vở, đi lại....”
Ông cũng khẳng định thêm: "Vẫn có nhiều người khá giả đến ăn cơm Nụ Cười, nhưng tôi chắc chắn con số ấy không quá 1%. Trong bất kỳ hoạt động nào cũng có sai sốt, nhưng nếu chỉ có 1% và chấp nhận được thì sao phải làm rềnh rang lên như vậy.
Còn về việc tranh suất ăn của những người lao động khác, ông Nam Đồng cũng cho biết: "Chúng tôi có nguyên tắc không hỏi han xuất thân của khách, mọi người đến người Nụ Cười đều được chào đón như nhau cả. Trung bình mỗi buổi trưa quán chuẩn bị gần 450 suất cơm. Tuy nhiên nếu khách đến muộn không còn cơm thì chúng tôi sẽ phục vụ mỳ thịt cho khách. Không bao giờ có chuyện thiếu suất ăn cho mọi người".
Email thông báo về việc đổi địa điểm tổ chức được gửi đi sát ngày diễn ra
Quay trở lại câu chuyện chỉ có 5 sinh viên có mặt trong buổi học ngoại khóa của trường ĐH Khoa học xã hội nhân văn TP. HCM, bà Nguyễn Thị Kim Loan, Trưởng phòng Công tác sinh viên ĐH Khoa học xã hội nhân văn TP. HCM cũng đã có những phản hồi với dư luận:
“Hôm diễn ra buổi học, trời mưa rất to nên chỉ có 5-6 sinh viên tới dự, vì vậy buổi học đã không thể tiến hành được. Tôi xin nhận lỗi sai là ở sinh viên và phòng Công tác sinh viên sẽ chấn chỉnh việc này. Tuy nhiên các em sai nhưng vẫn còn trẻ, người lớn nên bao dung, không nên quy chụp hay nhận xét một chiều bằng từ ngữ nặng nề.”
Ngoài ra, nhà báo, nhà giáo Hà Kiều cũng chia sẻ: “Thay vì không tham gia hoạt động ngoại khóa này thì sinh viên vẫn còn nhiều hình thức tham gia khác, miễn sao điều đó mang lại giá trị thực tế cho sinh viên, và có thể ứng dụng trong những điều kiện của bản thân. Không nên chỉ dựa vào việc sinh viên vắng mặt trong một buổi học ngoại khóa mà lên tiếng chỉ trích là lười biếng, thiếu kỷ luật được”.
Hãy nhìn đời bằng con mắt rộng lượng, đời cũng sẽ rộng lượng lại với bạn
Nhìn nhận lại sự việc qua các góc độ khác nhau, có thể thấy rằng chúng ta không phải là đang cố chỉ trích, tìm ra ai đúng, ai sai, mà trên hết chúng ta chỉ đang nhìn nhận lại sự việc một cách đa chiều, đa góc diện nhất có thể. Và sau tất cả, chúng ta hãy rộng lượng, suy nghĩ tích cực hơn bởi: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng".
Xét cho cùng những chia sẻ của anh V.T.A cũng vì cái tâm, muốn gửi gắm những suy nghĩ thẳng thắn để giúp xây dựng một cộng đồng tốt đẹp văn minh hơn, đồng thời đó cũng là cơ hội để sinh viên nhìn nhận lại bản thân. Tuy nhiên tôi vẫn tin, thế hệ trẻ hiện nay không “thiếu tự trọng” đến mức tranh giành một hộp cơm từ thiện 2000 đồng với người nghèo, hay vô kỷ luật, lười biếng vì không tham gia hoạt động ngoại khóa.
Có một câu nói nổi tiếng thế này: “Hãy nhìn đời bằng con mắt rộng lượng, đời cũng sẽ rộng lượng lại với bạn"! Bởi vì cuộc đời ngoài kia đã quá nhiều trái ngang, cả nước mắt và nỗi đau, nên chăng chúng ta nên nhìn nhận mọi việc với con mắt dịu nhẹ hơn, bớt chút áp đặt tiêu cực, như vậy có phải là "Người với người sống để thương nhau" như chúng ta vẫn hoài mong đó thôi!