Nếu thực lòng yêu thương phụ nữ, đừng chỉ nói những lời gió thoảng mây bay, hay chỉ làm họ vui trong chốc lát...
20/10 trong thành phố tôi sống, những nhà hàng đắt khách, quán karaoke đông người. Những sạp bán hoa tự phát như nấm mọc sau mưa. Tiệm quà tặng cũng trở nên rôm rả. Những cửa hàng làm đẹp, shop mỹ phẩm, thời trang tung ra chiêu khuyến mại “sốc”. Những trang báo ra rả gợi ý cánh mày râu nên mua gì, làm gì, nói gì để làm đẹp lòng nửa kia “thế giới”…
Dù trực tiếp hay gián tiếp, tất cả những ngành hàng hóa, dịch vụ trên đều hướng đến một đối tượng chủ chốt: Phụ nữ. Cũng phải thôi, khi mà 20/10 giờ đã ngầm biến thành ngày tiệc tùng, “đòi quà” chính đáng của các chị em trên mọi mặt trận. Mà nếu thiếu, có thể bị coi là thiếu chân thành, vô tâm vô ý, thậm chí còn bị “nàng” mặt nặng mày nhẹ suốt nhiều ngày liền.
Để “hòa bình” được thiết lập một cách lâu dài và bền vững, đàn ông thường biết thân biết phận làm mọi chuyện theo một thói quen. Họ trả tiền những bữa ăn, ít nhiều mua một bó hoa, còn tùy vào điều kiện cá nhân mà chọn quà tương xứng, rồi nói những lời chúc tụng mà nếu để ý bạn sẽ thấy đa phần đều na ná nhau: “Chúc em ngày càng xinh đẹp, vui vẻ, hạnh phúc, thăng tiến, lương cao, đạt được những điều em mong…”
Không tin, bạn cứ thử nghe xem, đa phần đàn ông đều chúc vậy
Không tin, bạn cứ thử để ý xem, chẳng mấy đàn ông dám hứa: “Anh sẽ tạo cơ hội cho em theo đuổi điều mà em muốn”.
So với một cam kết trách nhiệm, chúc những lời hoa mỹ có phần phổ biến và dễ dàng hơn.
Nếu thực lòng yêu thương phụ nữ, đừng chỉ nói những lời gió thoảng mây bay...
Đồng nghĩa với việc qua ngày 20/10, khi tiệc đã tàn và hoa tươi héo úa, phút tỏa sáng le lói của các chị em nơi công sở, hay trong gia đình cũng trôi đi, một chu trình cũ lại được tái lập. Việc nhà lại trút lên vai những người phụ nữ. Cũng chính họ chịu những khắt khe từ định kiến “Phụ nữ phải thế này, phụ nữ phải thế kia”, “Con gái nhà mình không bằng con nhà họ…”, “Vợ nhà mình không được như vợ người ta…”
Ở công sở, cũng chính những người phụ nữ phải đối mặt với những so sánh về giới khi được cất nhắc thăng chức với đồng nghiệp nam, chịu áp lực cùng lúc giữa việc nhà và việc gia đình. Mà những lúc như vậy, dường như cánh mày râu chẳng còn nhớ tới những lời họ chúc trong những dịp lễ lạt nữa.
Các anh muốn vợ, người yêu luôn xinh đẹp, vui vẻ trong khi dồn cho họ đủ mọi việc không tên trên đời. Nấu ăn cũng là họ. Rửa bát cũng là họ. Đến cọ rửa phòng tắm, lau dọn nhà vệ sinh cũng là họ nốt. Nếu các anh bận công to việc lớn đã đành, đằng này có những lúc các anh rảnh rang cà phê, xem tivi, lướt Facebook nhưng cứ nhất quyết không muốn động đến “việc dành cho đàn bà”.
Ô hay, nếu ai làm những việc tưởng chừng như cỏn con ấy, liệu rằng anh có được thụ hưởng sự sạch sẽ, ngăn nắp, mọi thứ đâu vào đó, để mà rảnh rỗi tán chuyện với lướt Facebook hay không?
Đàn ông chúc rất hay, nhưng dường như quên ngay khi dịp "lễ lạt" trôi qua
Các anh chúc đồng nghiệp nữ thăng tiến. Nhưng đến khi xét thăng chức, gửi đi học tu nghiệp, các anh lại ngại ngần chuyện họ bầu bí, thai sản, phá vỡ kế hoạch. Thậm chí khi thấy những phụ nữ thành đạt hơn mình, điều đầu tiên các anh quan tâm không phải là năng lực của người phụ nữ đó đến đâu, mà là những phỏng đoán về mối quan hệ “mờ ám” với cấp cao hơn. Cho dù chỉ là những nghi vấn nảy ra trong đầu các anh thôi, cho dù các anh không nói điều đó với bất kì ai, thì đó vẫn là sự kì thị với phụ nữ.
Mà một khi đã giữ cái nhìn thiển cận, hạn hẹp về phụ nữ thì bao lời chúc tụng hoa mỹ có để làm chi?
Hơn một năm trước, tôi tham gia trong dự án cộng đồng do một tổ chức phi chính phủ khởi xướng với mục đích giúp các bạn sinh viên trong các trường Đại học hiểu về bình đẳng giới, từ đó xóa bỏ những định kiến về giới trong cộng đồng. Dự án được đem đến nhiều trường học, các lớp tập huấn được mở ra nhưng hiệu quả tác động tới cộng đồng đến đâu thì với chính tôi đó vẫn còn là một câu hỏi lớn.
Bởi lẽ những định kiến về giới đã ăn sâu vào xã hội. Chúng ta dễ dàng chấp nhận hình ảnh một người phụ nữ tay năm tay mười, vừa về nhà đã vội đeo tạp dề làm bếp núc, trong khi nếu đó là đàn ông thì họ trở thành “soái ca” vạn người mê.
Chúng ta coi phụ nữ đi bar, bia rượu là hư hỏng, trong khi chuyện tương tự với những người đàn ông thì lại được cho là có “bản lĩnh”. Và câu chuyện lựa chọn giới tính thai nhi thì đã trở thành một chủ đề không còn mới mẻ nữa.
Tiệc tàn, hoa héo, anh có còn nhớ lời đã chúc ngày 20/10 không?
Thậm chí chị L, một nhân viên của tổ chức phi chính phủ mà tôi cộng tác còn chia sẻ: “Mình ra ngoài kêu gọi, hô hào ủng hộ bình đẳng thế thôi, chứ về nhà vẫn sợ chồng một phép”. Chị còn nói những chuyện như thế “mấy bạn Tây” (trong dự án) không thể hiểu được đâu, vì đó như một thứ văn hóa “ngầm” đã tồn tại quá lâu.
Thứ văn hóa nhẫn nhịn và hi sinh để đổi lấy thuận hòa. Nhưng có mấy người đàn ông nhìn ra và coi trọng sự đánh đổi đó. Một khi không trân trọng, sẽ không có sự cảm thông và chia sẻ, họ phủi tay để mặc những người phụ nữ gồng gánh đủ loại trách nhiệm trên vai.
Phụ nữ đáng quý như kim cương, nhưng lại khác kim cương ở một điểm: kim cương chỉ bị nứt vỡ khi bị một viên kim cương khác tác động, còn phụ nữ có thể nứt vỡ bởi ti tỉ nguyên do.
Khi vết rạn đủ lớn, khi tổn thương đủ sâu, người ta khó lòng nhẫn nhịn tiếp, tự khắc sẽ muốn tìm đường cứu lấy mình. Bởi lẽ ai trong chúng ta, bất kể giới nào, cũng đều mưu cầu hạnh phúc.
Mà với phụ nữ, được nhìn nhận đúng với năng lực bản thân, được làm điều mình thích, có người cùng san sẻ trách nhiệm cũng chính là một loại hạnh phúc mà họ âm thầm chờ mong.
Các anh, xin đừng chỉ làm "soái ca" một vài dịp trong năm, cao hứng nói những lời hoa mỹ, rồi quên...
Những lời hoa mỹ dễ làm phụ nữ vui, nhưng họ mong hơn những lời động viên khi vấp váp.
Quà tặng khiến mắt họ lấp lánh, nhưng phụ nữ còn cần người phụ giúp cùng làm những công việc nhà.
Phụ nữ không chỉ thích hoa, mà họ còn muốn được đối xử như hoa.
Nếu thực lòng yêu thương họ, đừng chỉ nói những lời gió thoảng mây bay, hay chỉ làm họ vui trong chốc lát, mà còn cần lắm một bàn tay gạt bớt những chướng ngại không tên để những người phụ nữ có thời gian làm những việc họ muốn, sống với giấc mơ của đời mình, chứ không phải vật "hi sinh" để các anh nhàn nhã.
Một cam kết tưởng chừng như đơn giản mà lại đầy trách nhiệm như thế, liệu các anh chàng có dám hứa không?
Mà thôi, đừng hứa. Chỉ cần anh trước mỗi lần chúc tụng chị em chúng tôi, thử nhìn lại xem dịp lễ lạt gần đây đã chúc những gì, đã làm được bao nhiêu giúp chúng tôi bớt khổ. Chỉ cần đôi phút nghĩ lại đó thôi, vậy là đã đủ lắm rồi.
Mà liệu rằng anh còn nhớ ngày này năm ngoái anh đã chúc gì không?
Ảnh: Pinterest
Bài viết thuộc quyền sở hữu của tác giả, thể hiện góc nhìn riêng của cá nhân người viết và được MLOG độc quyền đăng tải. Những trang web khác muốn đăng lại nội dung này, vui lòng liên hệ MLOG qua email: mlog@yan.vn. Bạn đọc muốn chia sẻ tâm sự, góc nhìn cuộc sống, chuyện thầm kín, tư vấn tình cảm với MLOG có thể gửi thư tới email: mlog@yan.vn với tiêu đề thư: TÂM SỰ. MLOG sẽ đăng chia sẻ của bạn với tiêu chí ẩn danh. Xin chân thành cảm ơn! |