Hôm nay (ngày 15/9) là ngày đầu tiên Quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ bắt đầu thí điểm triển khai phương án "bình thường mới", từng bước mở lại các dịch vụ và kinh doanh mặt hàng thiết yếu. Sau 3 tháng "ngủ đông", các hàng quán, con đường tại 3 quận huyện được hoạt động trở lại, bà con cũng rất hứng khởi, dậy sớm đi mua đồ.
Hàng quán hoạt động trở lại, shipper cũng tăng năng suất làm việc hơn. (Ảnh: Người Lao Động)
Bà con quận 7 vui mừng vì được hoạt động trở lại
Chia sẻ với VTC News, ông H.V.H (70 tuổi, ngụ phường Tân Hưng, quận 7) bày tỏ, bản thân rất đỗi vui mừng vì có thể đi chợ trở lại. Sau một thời gian phải ở yên trong nhà, ông giờ đã được dậy sớm để đi mua thực phẩm cho cả gia đình. Ông nói: "Được đi chợ lại, mở cửa trở lại vui lắm, rất mừng cho quận và cho cả thành phố. Rất hoan nghênh chính quyền thành phố đã nới lỏng cho dân, dù xếp hàng lâu một chút nhưng rất vui, rất phấn khởi".
Giống như ông H, gia đình anh T (đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7) cũng tỏ rõ sự mừng rỡ khi được dọn dẹp hàng quán, mở cửa trở lại sau bao ngày "cửa đóng cài then". Anh cho biết, hơn 3 tháng nay, cửa hàng cơm tấm nhà anh đã phải đóng cửa vì dịch. Điều đó đã đẩy một người tỉnh lẻ, lên thành phố làm ăn sinh sống, thuê trọ, thuê mặt bằng như anh rơi vào cảnh bế tắc.
Anh nói: "Tiền mặt bằng, tiền trọ đâu có được giảm mà nghỉ mấy tháng nay, mở lại thì mừng lắm nhưng cũng lo dịch quay lại nên phải cẩn thận, trước sau giữ gìn, tuân thủ nghiêm túc mấy quy tắc, quy định của quận, rồi của thành phố. Cảm ơn thành phố lắm".
Đáng nói, sau khi mở cửa trở lại, hàng loạt quán ăn bỗng đắt khách bất ngờ. Ngoài đặt ship, nhiều khách còn đến trực tiếp mua đồ khiến chủ quán phải tất bật, không một lúc ngơi tay. Thậm chí có cả quán ăn chỉ mới mở cửa 2 tiếng đã hết sạch hàng.
Cửa hàng anh T ngày đầu mở cửa trở lại. (Ảnh: VTC News)
Để có thể hoạt động trở lại, quận 7 đã phải rất nỗ lực phòng chống dịch bệnh trong thời gian qua. Đến nay, khi thí điểm thực hiện phương án "bình thường mới", lãnh đạo quận cũng phải tính đến nhiều phương án nhằm đảm bảo an toàn sức khoẻ cho tất cả bà con. Nói với VTC News, vị lãnh đạo cho biết, quận sẽ cố gắng mở cửa nhanh nhưng là theo từng bước chắc chắn, không làm đại trà.
Đây cũng là lý do mà dù hoạt động trở lại, bà con, các doanh nghiệp, cơ sở... cũng phải đáp ứng đủ các tiêu chí do quận xây dựng. Ví như đối với người dân sẽ là các tiêu chí về "thẻ xanh Covid-19". Còn tại các cửa hàng kinh doanh, tiêu chí cần đạt được đó là phải có Tổ y tế hình thành trên cơ sở chính nhân viên của điểm kinh doanh đó (test nhanh 3 ngày một lần, đo thân nhiệt... cho nhân viên), phải kết nối phần mềm với Ban chỉ đạo để khi xảy ra tình huống có thể xử lý ngay.
Hiện tại, quận 7 cũng đang tăng cường việc tập huấn cho bà con tự test nhanh Covid-19 tại nhà. Đồng thời, địa phương cũng có trách nhiệm test lại toàn bộ bà con với chu kỳ 7 ngày/lần để làm “sạch” địa bàn bằng phương pháp test nhanh và RT-PCR.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho các công nhân thuộc một doanh nghiệp tại quận 7. (Ảnh: HCDC)
>>Xem thêm: Phấn đấu đạt chỉ tiêu, nhiều nơi ở TP.HCM kêu gọi bà con tiêm chủng
Huyện Củ Chi từng bước nới lỏng nhiều hoạt động
Không chỉ có quận 7, TP.HCM còn thí điểm triển khai trạng thái "bình thường mới" tại huyện Củ Chi, Cần Giờ. Lao Động đưa tin, mới đây, vào ngày 15/9, ông Nguyễn Quyết Thắng - Bí thư Huyện ủy Củ Chi cho biết, kể từ ngày 15/9 trở đi, thành phố sẽ mở lại chợ truyền thống bán hàng thiết yếu tại một số xã trong "vùng xanh". Bà con sẽ được đi chợ 1 lần một tuần. Sau đó, nếu tình hình khả quan thì huyện sẽ nới lỏng hơn, cho phép một số doanh nghiệp tại các xã “xanh” hoạt động lại trong tuần tiếp theo.
Còn về ngành du lịch, sau ngày 15/9 huyện sẽ phối hợp với Sở Du lịch TP.HCM mở một số tour về nguồn như tham quan địa đạo Củ Chi, đền Bến Dược và một số nơi sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện. Du lịch sẽ được hoạt động theo "cung đường xanh", tức là các đơn vị phải xét nghiệm cho khách và đảm bảo tất cả khách đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Hiện tại, địa phương này cũng đang trong giai đoạn "chạy nước rút" tiêm vaccine cho tất cả bà con, sao cho sớm đưa các hoạt động sản xuất vào trạng thái “bình thường mới”. Còn về "thẻ xanh Covid-19", huyện vẫn chưa triển khai mà chờ hướng dẫn cụ thể từ Sở Thông tin và Truyền thông.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho bà con ở huyện Củ Chi. (Ảnh: Đảng bộ TP.HCM)
>>Xem thêm: Cuối 2021 sẽ cấp phép khẩn ít nhất 1 loại vaccine "made in Vietnam"
Huyện Cần Giờ tiếp tục đánh giá tình hình
Lao Động đăng tải, tại huyện Cần Giờ, theo Bí thư huyện ủy Lê Minh Dũng cho biết, sau ngày 15/9, huyện sẽ triển khai công tác phục hồi kinh tế gắn với đảm bảo an toàn phòng chống dịch, nhất là việc tiếp tục duy trì và mở rộng vùng xanh.
Phương hướng trước mắt của huyện đó là từng bước phục hồi kinh tế, an toàn tới đâu mở cửa tới đó, các dịch vụ phải có bộ tiêu chí kiểm soát chặt chẽ. Tóm lại, huyện đang theo nguyên tắc khóa chặt bên ngoài, nới lỏng bên trong từng bước. Thời gian tới, từ ngày 15/9 đến ngày 30/9, huyện sẽ thí điểm mở cửa một số hoạt động. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc đón khách du lịch.
Dự kiến, từ ngày 1/10 đến ngày 30/10, Cần Giờ sẽ cơ bản hoàn thành tiêm 100% mũi 2 cho tất cả bà con, đồng thời tiếp tục nới lỏng một số hoạt động. Sau đó, đến ngày 31/12, huyện sẽ đánh giá tác động lại một lần nữa để mở cửa lại tất cả các hoạt động về trạng thái "bình thường mới".
Một số chợ truyền thống tại Cần Giờ được hoạt động trở lại. (Ảnh: Thanh Niên)
Như vậy, sau một thời gian nỗ lực phòng dịch, TP.HCM đã từng bước tiến gần hơn đến mục tiêu trở lại trạng thái "bình thường mới". Mong rằng công tác thí điểm sẽ đem lại nhiều hiệu quả tích cực, từ đó thành phố sớm kiểm soát được dịch bệnh, quay về cuộc sống thường ngày.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ liên tục được cập nhật tại YAN!
TP.HCM MUỐN MỞ CỬA TRỞ LẠI PHẢI THỰC HIỆN ĐỦ 4 BƯỚC CÓ KIỂM SOÁT
Trong văn bản hoả tốc Bộ Y tế gửi Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19; các bộ, ngành, UBND TP.HCM, có nêu cụ thể các tiêu chí tiên quyết, tiêu chí động, và nguyên tắc mở cửa kinh tế TP.HCM theo 4 bước. Cụ thể, 4 bước để TP.HCM dần hoạt động trở lại là:
- Bước 1: Rà soát nguy cơ, tỉ lệ tiêm chủng và điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại cấp xã, phường. Từ đó tiến hành phân loại thành bốn vùng: nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ, bình thường mới.
- Bước 2: Các khu vực đạt đủ tiêu chí tiên quyết, tiêu chí động và tỉ lệ tiêm vaccine cho người trên 18 tuổi đạt dưới 60% (tỷ lệ tiêm vaccine cho người trên 18 tuổi mũi 1 đạt dưới 60%; đủ liều dưới 20% và ở mức độ nguy cơ cao theo Quyết định 2686) sẽ áp dụng biện pháp chống dịch theo chỉ thị 15.